Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Giữ thanh âm của người Pà Thẻn

Giang Lam - 10:43, 19/08/2024

Văng vẳng trong những cơn gió thổi về từ triền núi là tiếng kèn lá da diết mời gọi, tiếng sáo réo rắt, trầm bổng, cuốn hút. Chủ nhân của thanh âm đó là nghệ nhân dân tộc Pà Thẻn Húng Thị Tâm, ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, vừa giỏi sử dụng nhạc cụ truyền thống, lại tâm huyết với văn hóa dân tộc.

 Bà Húng Thị Tâm (thứ 3 từ phải qua trái) cùng Đoàn Tuyên Quang tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu
Bà Húng Thị Tâm (thứ 3 từ phải qua trái) cùng Đoàn Tuyên Quang tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu

Gửi lời yêu thương qua tiếng sáo

"Nàng theo đoàn đưa dâu lên đỉnh núi/Nhìn thấy làng của chàng có cả trăm hộ dân. Trong lòng nàng chẳng nghĩ đến ai, chỉ nghĩ đến chàng và nàng sánh duyên sống hạnh phúc bên nhau". Bà Húng Thị Tâm bảo: “Dân ca Pà Thẻn giản dị lắm! Nghĩ thế nào thì nói nôm na như vậy nhưng cũng đầy ý nhị, tinh tế”. Hát dân ca Pà Thẻn phải có tiếng sáo đệm vào thì mới hay, mới da diết được. Thường thì phụ nữ thổi sáo để dẫn dắt lời dân ca trầm bổng, sao cho uyển chuyển, đi vào lòng người.

Là con gái thứ tư của thầy Húng Văn Hin, người nắm giữ bí kíp nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Thượng Minh, bà Húng Thị Tâm còn nhớ trước khi mất, bố nắm tay bà dặn dò: Con nhớ phải giữ gìn tiếng sáo, lời ca tiếng hát, giữ gìn văn hóa dân tộc mình, vì người đàn bà biết thổi sáo sẽ luôn mang niềm vui cho dân bản. 

 Bà Húng Thị Tâm tại lớp học hát dân ca, thổi sáo của người Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình
Bà Húng Thị Tâm tại lớp học hát dân ca, thổi sáo của người Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình

Sáo của người Pà Thẻn còn gọi là “tờ vớ”. Thoạt nhìn, cây sáo rất đơn giản cũng giống như sáo trúc bình thường, thân cây sáo có độ dài từ 45 đến 55cm, trên thân khoét các lỗ thoát hơi. Bà Tâm bảo: “Nhìn đơn giản vậy, nhưng để làm cây sáo có âm thanh hay phải rất kỳ công. Sáo Pà Thẻn có 6 lỗ thoát hơi, khi thổi hơi sẽ rung lên, tạo ra âm thanh uyển chuyển theo từng ngón tay miết trên các lỗ sáo”.

Thổi sáo theo làn điệu dân ca Pà Thẻn cũng phải có bí quyết riêng. Đó là sự cảm âm sao cho thể hiện hết nỗi lòng: da diết theo lời ca tâm sự của người con gái nhớ người yêu; ấm áp như lời dặn dò của người mẹ khi con gái lấy chồng; tha thiết réo rắt như lời tỏ tình của chàng trai dành cho cô gái… “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng/Em không có lòng thì thôi, có lòng thì về ta ở với nhau một đêm/ Em không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày”. Tiếng sáo của bà Tâm khi cất lên tựa như lời tâm tình, lúc réo rắt, khi vút cao, khi hạ xuống mượt mà lan trên bản làng, nương ngô; tiếng của núi, của sông, của người xưa; tiếng con gái, con trai trong ngày hội; tiếng thủ thỉ tình yêu…

Những lời ca, tiếng hát, tiếng sáo, kèn lá chính là tiếng lòng của người Pà Thẻn. Bây giờ mọi người nghe hát trên điện thoại, nên không biết hát dân ca nữa, cũng không còn gọi nhau từ vách núi này sang vách núi kia bằng kèn lá. Cứ thế tiếng dân ca, tiếng kèn lá mất dần đi”.

Nghệ nhân dân tộc Pà Thẻn Húng Thị Tâm

 “Thắp lửa” dân ca Pà Thẻn

Bà Tâm luôn tâm niệm, mỗi bài dân ca chứa đựng lời lẽ được chắt lọc bao đời, cha ông mình trân quý, gìn giữ thì mình cũng phải tìm cách để nó thấm vào từng mạch máu, hòa vào từng thớ thịt. Đó như là một phần của cơ thể, nếu bị mai một, lãng quên thì bà đau như bị cây gai, mũi kim đâm vào da thịt vậy.

Và "như việc phải làm", bà Húng Thị Tâm gắn cho mình trách nhiệm khôi phục văn hoá dân tộc… Bà thuộc hàng trăm bài dân ca như: "Đi chợ", "Lên nương", "Đón mẹ”, "Chờ người yêu"… bà Tâm tựa như “kho báu văn hóa sống” của người Pà Thẻn. Tâm huyết trao truyền văn hóa cho cộng đồng đã được hiện thực hóa khi chính quyền huyện và xã có chủ trương khôi phục, bảo tồn, truyền dạy văn hóa Pà Thẻn, trong đó có mở lớp học dân ca. "Như cá gặp nước", ước mơ ấp ủ bao lâu nay đã được "chắp cánh", bà Húng Thị Tâm cùng em gái là Húng Thị Luyến xung phong nhận dạy lớp học dân ca cho bản làng mình.

Phụ nữ Pà Thẻn ở Thượng Minh bảo tồn nghề dệt thổ cẩm
Phụ nữ Pà Thẻn ở Thượng Minh bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Lớp học hát dân ca được tổ chức vào dịp Hè từ 2 - 3 tháng với khoảng 25 học viên từ 10 đến 60 tuổi. Mọi người đều chuẩn chỉnh trang phục dân tộc, ghi chép sách vở đầy đủ rồi cùng nhau cất vang làn điệu dân ca cùng cô giáo của bản:

“Người ta có đôi có lứa/Ăn cơm tối xong ngồi trò chuyện vui cười/Anh không có đôi có lứa/Ăn tối vừa buông đũa chỉ có cây sáo làm bạn thâu đêm…

Người ta có đôi có lứa/Ăn cơm tối xong ngồi đùa, nhảy múa/Em không có đôi có lứa/Ăn cơm tối xong phải làm bạn với trăng…”.

Bên cạnh hát dân ca, bà Tâm còn trao truyền những giai điệu sáo trúc, thổi kèn lá… cho bà con trong bản. Thấy được sự nhiệt huyết của “cô giáo Tâm”, nhiều người thích thú hưởng ứng.  

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận quan tâm chăm lo đội ngũ Người có uy tín

Ninh Thuận quan tâm chăm lo đội ngũ Người có uy tín

Lời nói luôn đi đôi với việc làm, những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận đã và đang trở thành những tấm gương sáng trong cộng đồng. Những đóng góp của Người có uy tín đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.