Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo mặt nạ Kađong của người Dao ở Ba Chẽ

Thiên An - Mỹ Dung - 12:55, 20/08/2022

Mặt nạ Kađong của người Dao ở huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) không chỉ là tác phẩm điêu khắc độc đáo, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào.

Những chiếc mặt nạ thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người Dao Thanh Y
Những chiếc mặt nạ thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người Dao Thanh Y

Tác phẩm điêu khắc độc đáo

Theo lời các lão nghệ nhân xưa, Kađong được coi như đấng thần linh bảo vệ con người, dòng họ và bản làng trước những thế lực hung hãn (quỷ dữ, muông thú, thiên tai, địch họa....), trở thành một phần di sản tinh thần của cả cộng đồng người Dao.

Người Dao thường kỳ công chọn những loại cây mọc ở rừng sâu, gỗ nhẹ, ít mấu không bị nứt nẻ hay cong vênh rồi tỉ mỉ đục, đẽo, chạm khắc thành những chiếc mặt nạ có khuôn mặt giống vị thánh, thần như trong sách cổ người Dao. Các bộ phận trên mặt nạ như mắt, mũi, miệng được cách điệu với đường nét hoang dã, oai phong, tôn nghiêm như tính cách của các vị thần.

Mặt nạ Kađong được sử dụng khi múa Kađong - một diễn xướng dân gian tổng hợp vô cùng ý nghĩa của người Dao Thanh Y. Người được lựa chọn để đeo mặt nạ tuyệt đối không để ai nhìn thấy mặt, thường sẽ là thầy mo khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, vợ chồng thuận hòa, sành về các điệu múa của người Dao...

Thầy mo nhập vai Kađong khoác một cái bị, một cái nỏ và đeo mặt nạ gỗ sẽ biểu diễn các động tác múa cách điệu như: múa đi cày cấy, múa đi gặt, đi săn, chống lại muông thú, giặc giã để bảo vệ xóm làng…Xen lẫn trong màn múa, là các hội thoại răn dạy đạo đức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất.

Ấn tượng khi nhắc về điệu múa Kađong, anh Vi Văn Điễn, thôn Sơn Hải, huyện Ba Chẽ cho biết: “Tôi cũng đã có dịp được xem các nghệ nhân đeo mặt nạ Kađong múa. Múa Kađong rất hay, vừa tái hiện lại các lao động sản xuất, cuộc sống, vừa giáo dục con người về đạo đức, lối sống sao cho phải đạo”.

Bài toán bảo tồn văn hóa người Dao

Hiện nay mặt nạ người Dao đang bị mai một, gần như mất hẳn. Toàn huyện Ba Chẽ hiện nay không có một nghệ nhân nào có thể chế tác được mặt nạ gỗ. Chính vì vậy, huyện Ba Chẽ đã mở lớp tập huấn chạm khắc chế tác mặt nạ gỗ Kađong tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, với mong muốn bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người Dao, tạo sản phẩm du lịch cho khu bảo tồn văn hóa người Dao.

Lớp truyền dạy chạm khắc mặt nạ Kađong và vẽ tranh thờ của người Dao cũng được tổ chức tại trường dân tộc Nội trú huyện Ba Chẽ. Tại đây, học sinh sẽ được các nghệ nhân giới thiệu sơ lược về mặt nạ gỗ cùng các vị thần, hướng dẫn tô màu lên mẫu mặt nạ trên giấy trước, sau đó chọn những miếng gỗ để đục đẽo, chạm khắc tỉ mỉ từng chi tiết của mặt nạ, bào nhẵn và cuối cùng là tô màu.

Lớp truyền dạy mặt nạ gỗ Kađong ở trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ
Lớp truyền dạy chế tác mặt nạ gỗ Kađong ở trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ

Tuy phải theo những mẫu mặt nạ có sẵn mô phỏng các vị thần, nhưng học sinh Ba Chẽ vẫn có thể thỏa sức sáng tạo trong công đoạn đục đẽo và tô màu. Em Khúc Thị Lũng, lớp 9A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ, chia sẻ: "Học lớp điêu khắc mặt nạ này rất thích, được các thầy hướng dẫn tỉ mỉ nên chúng cháu cũng tự làm được mặt nạ Kađong. Chúng cháu cũng được thỏa sức khám phá và sáng tạo trên mặt nạ”.

Qua lớp truyền dạy, tập huấn tại trường học đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Chẽ nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc của dân tộc Dao nói riêng. Chị Vi Thị Tuyến, cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Chẽ, chia sẻ:“Ngoài việc tổ chức các lớp truyền dạy, huyện còn tổ chức trưng bày một số mặt nạ gỗ tại Nhà văn hóa sinh hoạt người Dao. Đây cũng là một trong những sản phẩm nhằm quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn trong thời gian tới”.

Gửi gắm những tâm tư tình cảm, đời sống văn hóa tinh thần, mặt nạ gỗ và múa Kađong có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Dao. Đây cũng là một trong những sáng tạo tạo ra những sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch đến với địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.