Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo những bức vẽ cổ động ngày bầu cử ở xứ Nghệ

Nguyễn Thanh - 21:05, 22/05/2021

Những họa sĩ "nhí" không chuyên đã biến hàng rào quanh trường học thành bức tranh đa sắc màu về ngày bầu cử, hay những sân phơi lúa cũng được sáng tạo thành khẩu hiệu cổ động về ngày hội non sông. Không chỉ mang thông điệp tuyên truyền, những ý tưởng độc đáo ấy còn là một sự khẳng định chắc chắn ý thức, niềm tin, trách nhiệm của mỗi công dân về ngày bầu cử.

Huyện đoàn Hưng Nguyên tuyên truyền ngày bầu cử trên sân lúa
Huyện đoàn Hưng Nguyên tuyên truyền ngày bầu cử trên sân lúa

Xứ Nghệ mùa này ngập trong sắc vàng của lúa, rơm và màu nắng. Dẫu tất bật, nhọc nhằn vì hạt lúa “một nắng hai sương”, thì những nông dân nơi đây vẫn có những phút thăng hoa đáng quý và trân trọng.

Giữa nắng hè gay gắt, tấm thảm lúa trên sân phơi được tạo thành chất liệu để người nông dân vẽ nên tác phẩm tuyên truyền về ngày bầu cử. Bức tranh mộc mạc ấy đã thấm đẫm bao nhọc nhằn, thấm đẫm tình yêu nước, thấm đẫm cái tôi làm chủ, cái tôi khẳng định về quyền công dân của chính mình - “Tôi đi bầu cử”.

Một bức vẽ cổ động của những họa sĩ không chuyên
Một bức vẽ cổ động của những họa sĩ không chuyên

Từ những hạt lúa, người nông dân xứ Nghệ đã sáng tạo nên các bức tranh cổ động ngày bầu cử với những dòng chữ: “Ngày 23/5/2021-Tôi đi bầu cử”, “Tôi đi bầu cử - 23/5/2021”, “Cử tri Hưng Nguyên đi bầu cử - 23/5/2021”… Những bức tranh từ lúa của nông dân xứ Nghệ là một sự khẳng định chắc chắn ý thức, niềm tin, trách nhiệm của mỗi công dân về ngày bầu cử.

Tác giả của những khẩu hiệu bầu cử độc đáo này là anh Hoàng Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu và các bạn đoàn viên, thanh niên Huyện Đoàn huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Anh Ngọc cười: “Tôi chỉ muốn sáng tạo hơn về công tác tuyên truyền cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp để đông đảo cử tri tham gia vào ngày hội này. Tôi hơi bất ngờ khi bức vẽ của mình lại được mọi người thích thú và chú ý như vậy.

Một cách tuyên truyền bầu cử của người dân xã Quỳnh Tam huyện Quỳnh Lưu
Một cách tuyên truyền bầu cử của người dân xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu

Ở huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn, những cô cậu học sinh Trường THPT Kỳ Sơn cũng đã chắp bút để vẽ nên những bức tranh sáng tạo tuyên truyền về ngày bầu cử ngay trên những bức tường rào quanh trường. Theo tìm hiểu, những ngày cuối năm học 2020 -2021, Trường THPT Kỳ Sơn đã có sáng kiến cho học sinh vẽ tranh tuyên truyền cổ động về bầu cử; phòng, chống dịch Covid-19 trên các bức tường bao nhà trường. Hoạt động này hết sức có ý nghĩa, giúp học sinh có những trải nghiệm thú vị khi góp công sức của mình vào ngày hội của toàn dân.

Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn huyện Kỳ Sơn Lê Văn Tảo cho biết: Công trình triển khai từ đầu tháng 5/2021, sau 1 tuần phát động, nhà trường đã lựa chọn được 20 bức vẽ trên giấy khổ A0 từ 40 chi đoàn giáo viên và học sinh, sau đó nhà trường cung cấp sơn màu để học sinh tự thể hiện trên các bức tường rào phía trước trường. 

"Hoạt động này không chỉ thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ nhà trường trong hoạt động tuyên truyền bầu cử, mà còn góp phần làm đẹp thêm cảnh quan nhà trường, có tác dụng nhắc nhở, giáo dục; giúp học sinh có khoảng thời gian trải nghiệm ý nghĩa", thầy Lê Văn Tảo chia sẻ.

Bức tường tranh cổ động của học sinh THPT Kì Sơn
Bức tường tranh cổ động về ngày bầu cử của học sinh Trường THPT Kỳ Sơn

Và rồi chỉ trong một thời gian ngắn, những bức tường thô ráp, khô cứng đã được khoác lên mình màu áo mới, với những bức vẽ từ chính đôi tay của những họa sĩ không chuyên. Qua nét cọ của những cô cậu học trò miền biên viễn, các nội dung tuyên truyền Ngày hội non sông được thể hiện với tâm thế sôi nổi, hào hứng, trách nhiệm của tuổi trẻ.

Ngày bầu cử đã đến thật gần, và những ý tưởng độc đáo từ vẽ tranh cổ động bằng hạt lúa của người nông dân, hay những bức vẽ trên bức tường rào nhà trường của chính những học sinh… sẽ càng góp thêm ý nghĩa, chuyển tải thêm thông điệp, lan tỏa thêm trong cộng đồng cùng hướng về Ngày hội non sông.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.