Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo văn hóa ẩm thực vùng Tây Bắc

Nguyễn Thế Lượng - 08:37, 31/05/2024

Bên cạnh giá trị về tài nguyên thiên nhiên, sự độc đáo, hấp dẫn về văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc cũng được xác định là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển. Vùng Tây Bắc - nơi tập trung đông các DTTS sinh sống với sự phong phú, đa dạng cùng những tinh hoa trong cách chế biến, thưởng thức đã tạo ra sức hút đặc biệt về văn hóa ẩm thực đối với khách du lịch.

Đồng bào dân tộc Tày chế biến món ăn trên không gian nhà sàn.
Đồng bào dân tộc Tày chế biến món ăn trên không gian nhà sàn.

Tại các địa phương vùng Tây Bắc như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên… có rất nhiều vùng phát triển du lịch cộng đồng. Những điểm đến đã trở nên nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam như Tà Xùa, Mộc Châu, Bản Lác, Nghĩa Lộ, Tú Lệ, Mù Cang Chải, Y Tý, Bắc Hà, Trạm Tấu, Mường Lò, Sìn Hồ.... Tại đó, ngoài những tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch như cảnh quan, sinh thái, kiến trúc nhà sàn, phong tục tập quán thì ẩm thực truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc để thu hút khách du lịch. Với phương châm làm du lịch từ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để tạo nên bản sắc, đồng bào các dân tộc như Tày, Mông, Dao, Thái, Hà Nhì… luôn chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc mình để phục vụ nhu cầu về ẩm thực của du khách.

Mâm cơm với các món ăn truyền thống của đồng bào Tày Tây Bắc.
Mâm cơm với các món ăn truyền thống của đồng bào Tày Tây Bắc.

Để có những mâm cơm mang đậm màu sắc và dư vị truyền thống, tại các bản làng, đồng bào các dân tộc đã tự tay mình tìm kiếm những nguyên liệu có sẵn trên rừng, trong vườn nhà để chế biến món ăn chứ không mua những nguyên liệu ngoài chợ. Mùa nào thức đấy, các nguyên liệu dùng để làm nên các món ăn truyền thống luôn tươi ngon và đậm đà dư vị như măng rừng, cá suối, thịt lợn sấy, xôi lá màu, các loại bánh, rau rừng… Sau khi đã có nguyên liệu, đồng bào tự tay chế biến món ăn theo những công thức truyền thống. Để có được những món ăn lạ miệng, người chế biến sử dụng kết hợp các loại gia vị trên rừng như hạt dổi, mắc khén, tiêu, ớt, các loại lá thơm và sáng tạo trong cách chế biến.

Đồng bào giới thiệu món cơm lam tại chợ phiên.
Đồng bào giới thiệu món cơm lam tại chợ phiên.

Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, lãnh đạo các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa bản địa để làm du lịch. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con DTTS có ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, không được pha tạp, lai căng văn hóa ngoại lai khác. Trong đó, văn hóa ẩm thực luôn được chú trọng, bởi lẽ, khi đến tham quan các địa điểm du lịch, du khách trong và ngoài nước luôn có nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức những món ăn do chính đồng bào chế biến. Đồng thời, du khách cũng mong muốn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực trong sự tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Vì thế, không gian ẩm thực luôn gắn liền và hòa điệu cùng các nét văn hóa khác như văn hóa nhà sàn, hát then, múa khèn, múa xòe, múa sạp…

Món ăn truyền thống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc.
Món ăn truyền thống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc.

Tại các vùng du lịch cộng đồng, không gian chợ phiên luôn là nơi lưu giữ và diễn xướng văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc. Đó cũng là không gian có sự tổng hòa nhiều nét văn hóa truyền thống như văn hóa chợ phiên, ẩm thực, trang phục…Tại đây, những món ăn của cư dân bản địa được bày bán, chế biến để phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách như xôi ngũ sắc, thắng cố, mèn mén, phở, các loại bánh, thịt trâu gác bếp, khau nhục, thịt lợn sấy, măng rừng, rau cải núi, các loại quả như mận, lê, đào, trám rừng… Sự đa dạng, phong phú của nhiều loại ẩm thực đã tạo nên nét đặc trưng không thể thiếu của chợ phiên Tây Bắc, làm nên sức hấp dẫn cho du khách khi dừng chân ở mỗi phiên chợ để hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống tại các vùng du lịch cộng đồng còn gắn liền với việc tổ chức lễ hội theo mùa trong năm. Đây là hoạt động quan trọng để đạt được nhiều mục đích như vừa làm tốt công tác bảo tồn, vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương đến với du khách. Ngoài các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Gầu Tào, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng rừng… thì những lễ hội theo mùa được nhiều địa phương tổ chức như Lễ hội hoa ban ở Sơn La, Lai Châu; Lễ hội cốm ở Bảo Yên (Lào Cai); Lễ hội hái mận ở Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), Lễ hội xòe Thái Nghĩa Lộ (Yên Bái); Lễ hội na ở Chi Lăng (Lạng Sơn); Lễ hội mùa thu; Lễ hội ẩm thực ở các địa phương vùng Tây Bắc…

Đồng bào Tày giới thiệu ẩm thực trong lễ hội ẩm thực.
Đồng bào Tày giới thiệu ẩm thực trong lễ hội ẩm thực.

Dừng chân tại các bản làng thơ mộng, hữu tình, du khách có những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và phong phú về văn hóa cổ truyền của đồng bào các dân tộc. Trong những chuyến trải nghiệm, ẩm thực bản địa không đơn thuần là việc ăn uống mà còn là văn hóa, là lời ăn tiếng nói của đồng bào và góp phần quan trọng để tạo ấn tượng sâu đậm đối với du khách về những vùng đất thơ mộng, bình yên.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.