Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đội chiêng nữ làng Leng để lại nhiều cảm xúc cho người dân phố núi và du khách

Ngọc Thu - 18:32, 08/11/2023

Một đêm trình diễn cồng chiêng ấn tượng ngay giữa lòng phố núi Pleiku (Gia Lai) đã khiến người dân và du khách bất ngờ, tràn ngập cảm xúc. Bởi, đây là lần đầu tiên có một đội cồng chiêng nữ đến từ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) xa xôi lên trình diễn với lối chơi chiêng mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng.

Đội Cồng chiêng nữ làng Leng tạo ấn tượng bởi lối chơi chiêng mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng
Đội Cồng chiêng nữ làng Leng tạo ấn tượng bởi lối chơi chiêng mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng

Nếu như những đội cồng chiêng nam mang đến lối chơi mạnh mẽ, dứt khoát với âm thanh trầm hùng thì ở đội chiêng nữ lại tạo ấn tượng bởi lối chơi chiêng mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng. Sự xuất hiện của Đội Cồng chiêng nữ giữa lòng phố núi nhộn nhịp đã đem đến bất ngờ lớn cho mọi người và xua đi quan niệm rằng đánh cồng chiêng là việc của đàn ông khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Sự xuất hiện của Đội Cồng chiêng nữ đã dần xua đi quan niệm rằng đánh cồng chiêng là việc của đàn ông khỏe khoắn, mạnh mẽ
Sự xuất hiện của Đội Cồng chiêng nữ đã dần xua đi quan niệm rằng đánh cồng chiêng là việc của đàn ông khỏe khoắn, mạnh mẽ

Đội trưởng Đội Cồng chiêng nữ làng Leng Đinh Thị Khóp, cho biết: “Đội Cồng chiêng nữ làng Leng được thành lập vào năm 2013 với gần 60 thành viên. Theo tập tục của người Ba Na, phụ nữ không được đánh cồng chiêng. Nhưng với tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, chúng tôi thuyết phục mọi người, già làng đồng ý cho phụ nữ đánh chiêng. Mọi khi chúng tôi chỉ trình diễn trong các ngày hội, lễ ở làng, nhưng hôm nay là lần đầu tiên được biểu diễn ở không gian phố phường, đông đảo người xem, chúng tôi thấy hồi hộp, háo hức nhưng cũng rất tự hào về văn hóa dân tộc mình”.

Cô gái Ba Na duyên dáng trong từng điệu nhảy theo nhịp chiêng, câu hát
Cô gái Ba Na duyên dáng trong từng điệu nhảy theo nhịp chiêng, câu hát

Dưới bóng cây xanh tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, ngày càng đông người đến xem các nữ nghệ nhân trình diễn. Như được tiếp thêm sức mạnh, các thành viên đội chiêng nữ thoả sức thể hiện tình yêu, sự sáng tạo qua bài chiêng ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi. Những thanh âm cồng chiêng tấu lên bản nhạc trầm bổng, vang xa khắp núi đồi.

Anh Trần Huy Hoàng (du khách Tp. Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các chị em phụ nữ có thể khiêng trống, dùng chiêng lớn để đánh lên những bản nhạc hay như vậy. Càng xem tôi càng thấy cuốn hút và muốn được hòa mình vào không khí rộn ràng này. Trong suy nghĩ, tôi đã tưởng tượng ra cả không gian sinh sống, núi rừng và con người Tây Nguyên rất khoáng đạt và sôi nổi. Đây là hoạt động trải nghiệm thú vị để tôi có thể biết thêm về không gian văn hóa cồng chiêng, bản sắc dân tộc nơi đây”.

(Bài ngoài KH) Vang nhịp chiêng nữ làng Leng giữa lòng phố núi 3

Đặc biệt, đêm diễn còn có sự xuất hiện của già làng Jram trong tiết mục hát dân ca. Tuy năm nay già Jram đã 63 tuổi  nhưng giọng hát vẫn ấm và ngọt hơn cả thanh niên trong làng khi đi kiếm vợ. Khi giọng hát của già vừa cất lên, những vòng xoang, điệu nhảy cũng được đan múa theo nhịp. Đôi bàn tay dẻo đều đưa lên đưa xuống, đôi chân trần lướt êm trên cỏ của các cô gái Ba Na đã khiến người xem rộn ràng, xao xuyến.

Già làng Jram cho biết: “Từ xưa, phụ nữ không biết đánh chiêng nên việc này chỉ có đàn ông khỏe mạnh trong làng đảm nhiệm. Nay thì khác rồi! Tuy không mạnh mẽ như các tay chiêng nam nhưng chính sự mềm mại, uyển chuyển trong cách chơi đã tạo nên nét thu hút riêng của họ. Tôi rất vui vì dân làng mình đoàn kết, cùng nhau gìn giữ tiếng chiêng, tiếng trống của ông bà và thế hệ đi trước để lại”.

Già làng Jram trao đổi, động viên các nghệ nhân nữ
Già làng Jram trao đổi, động viên các nghệ nhân nữ

Sau mỗi bài trình diễn, Đội Cồng chiêng nữ lại họp nhau lại, vừa góp ý vừa rút kinh nghiệm. Tất cả các thành viên đều lắng nghe cầu thị để màn trình diễn được thực hiện tốt nhất. Ngay cả những em nhỏ cũng cố gắng học hỏi, nghiêm túc trong từng điệu nhảy, cách đánh chiêng… thể hiện tinh thần cộng đồng, gắn kết, cùng nhau phát triển. 

Đây cũng là Đội cồng chiêng nữ đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ đó đã tạo sức lan tỏa đến các chị em trên khắp buôn làng. Đến nay đã có 25 đội cồng chiêng nữ được thành lập với trên 1 ngàn thành viên tham gia.

Nữ nghệ nhân Ba Na duyên dáng trong sắc màu thổ cẩm truyền thống khi trình diễn
Nữ nghệ nhân Ba Na duyên dáng trong sắc màu thổ cẩm truyền thống khi trình diễn

Em Đinh Thị Lý (15 tuổi, thành viên Đội Cồng chiêng nữ làng Leng) tâm sự: Em được vào đội cồng chiêng nữ từ năm 12 tuổi. Ngoài biết múa xoang, em còn được học cách đánh chiêng. Mỗi khi tiếng chiêng vang lên là tay chân em cũng muốn đưa nhịp. Vì vậy, em hay đi theo các cô, các chị biểu diễn. Vừa được thể hiện khả năng, học thêm cách đánh hay, không lạc nhịp và cũng được giao lưu với mọi người. Em hy vọng sẽ có thêm cơ hội thế này để em cùng đội được trình diễn nhiều hơn nữa.

Đội Cồng chiêng nữ làng Leng đã tạo sức sống mới, một giải pháp hữu hiệu trong công tác gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng
Đội Cồng chiêng nữ làng Leng đã tạo sức sống mới, một giải pháp hữu hiệu trong công tác gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng

Đây là lần đầu tiên có một đội chiêng nữ tham gia Chương trình cồng chiêng cuối tuần do Sở văn hóa - thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức nhằm tôn vinh phái đẹp nhân Ngày phụ nữ Việt Nam.

Không chỉ góp phần sôi động, độc đáo trong các buổi trình diễn ngày hội, ngày lễ của làng, chị em tham gia biểu diễn cồng chiêng còn góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Đồng thời, tạo sức sống mới, một giải pháp hữu hiệu trong công tác gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.