Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trải nghiệm văn hoá cồng chiêng nơi phố núi Pleiku

Ngọc Thu - 08:46, 05/09/2022

Chương trình Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm tại Gia Lai nhân dịp đón Tết Độc lập, trong 2 ngày (2/9 - 3/9), là dịp để du khách hoà mình vào không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, cùng những trải nghiệm khó quên về hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước.

Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku như ở lễ hội làng của mình
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku

Trong 2 đêm diễn đã có gần 100 nghệ nhân Gia Rai của TP. Pleiku đã mang đến cho người dân và du khách những tiết mục trình diễn cồng chiêng đặc sắc; cùng các điệu xoan truyền thống uyển chuyển, nhịp nhàng. 

Trong không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng Tết Độc lập 2/9, những tiết mục như: Hòa tấu cồng chiêng "Mừng chiến thắng", "Mừng lúa mới"… được các nghệ nhân tự tin trình diễn như đang sống với lễ hội ở ngay làng mình. Mỗi giai điệu đều gắn với đời sống hàng ngày của người dân, nói lên tiếng lòng, tâm tư, tình cảm của đồng bào DTTS. 

Nghệ nhân A Mưn (làng Tiên, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) bày tỏ: Được biểu diễn cồng chiêng cho mọi người xem, mình thấy vui và tự hào lắm. Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, được bao đời ông cha trao truyền lại đến đời nay, nó chính là niềm tự hào, trách nhiệm phải gìn giữ, phát huy của mình cùng dân làng. Vì vậy, bao năm qua, có dịp là mình sẵn sàng trình diễn và truyền lại cho con cháu, để chúng nó không được quên bản sắc văn hoá dân tộc mình.

Người dân, du khách cùng nghệ nhân hoà mình vào điệu xoang nhịp nhàng
Người dân, du khách cùng nghệ nhân hoà mình vào điệu xoang nhịp nhàng

Mặc dù Tây Nguyên đang vào mùa mưa, từng hạt mưa khẽ rớt xuống, thế nhưng, trước sự nhiệt tình giới thiệu, hướng dẫn của các nghệ nhân người Gia Rai trong đội cồng chiêng, du khách lần lượt được hoà mình vào vòng xoang, cùng múa theo những bước chân nhịp nhàng. Vòng xoang cứ thế được nới rộng ra, mọi người tay trong tay hoan ca theo tiếng cồng chiêng trầm bổng đầy mê hoặc, đong đầy cảm xúc.

Anh Trần Hữu Hoà Khang (TP. Hội An, Đà Nẵng) phấn khởi nói: “Được tham gia trải nghiệm không gian văn hoá cồng chiêng ở ngay chính TP. Pleiku, tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú. Chứng kiến những tiết mục trình diễn, tôi thêm hiểu hơn về cuộc sống, văn hoá của con người Tây Nguyên. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng vùng đất Gia Lai luôn để lại cho tôi ấn tượng, bởi những câu chuyện kì thú về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, luôn cuốn hút chúng tôi".

Các nghệ nhân nhí tự tin nhảy múa, trình diễn trước khán giả
Các nghệ nhân nhí tự tin nhảy múa, trình diễn trước khán giả

Chương trình Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm, là hoạt động nhằm thực hiện Chương trình hành động Quốc gia đã cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tạo điều kiện để cồng chiêng được trở về với đúng môi trường vốn có, các nghệ nhân được thoải mái, tự nhiên thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. 

Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước. Qua các đêm diễn, Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nghệ nhân và thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức và trải nghiệm.

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Hiện nay, thành phố có nhiều điểm vui chơi hiện đại, nên những điểm sinh hoạt hướng tới văn hoá dân tộc cũng dần bị ít đi. Vì vậy, địa phương đã tạo thêm một sân chơi bổ ích cho đồng bào DTTS, hướng mọi người đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc. Đồng thời, khi du khách trải nghiệm tại đây sẽ hiểu rõ, đúng hơn về không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hàng tuần, kêu gọi xã hội hoá để tạo điều kiện giúp các nghệ nhân vừa trình diễn vừa có thêm thu nhập. Hy vọng, đây sẽ là tiền đề để tạo nếp sinh hoạt thưởng thức, trải nghiệm cồng chiêng đặc sắc, hướng đến bảo tồn và nhân lên tình yêu văn hoá dân tộc ”, ông Nguyễn Quang Tuệ chia sẻ.

Các gian hàng chuẩn bị món ăn đặc trưng của dân tộc Gia Rai như gà nướng, cơm lam sẵn sàng phục vụ thực khách
Các gian hàng chuẩn bị món ăn đặc trưng của dân tộc Gia Rai như gà nướng, cơm lam sẵn sàng phục vụ thực khách

Trong những ngày diễn ra chương trình, du khách không chỉ được trải nghiệm không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, mà còn được thưởng thức ẩm thực phong phú của phố núi .Với gần 30 gian hàng cùng nhiều món ăn hấp dẫn, đặc trưng của miền đất cao nguyên nắng gió như, gà nướng, cơm lam, lá mì xào, bánh tráng, cơm cháy… chắc chắn sẽ để lại cho du khách những kỷ niệm, dấu ấn khó quên về Pleiku đậm đà bản sắc dân tộc, về một phố núi “chưa xa đã nhớ”...

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Dân tộc Lào ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở ven các con suối, những nơi có nhiều nước, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Dân số không đông nhưng đời sống văn hóa tinh thần của người Lào có nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu của người Lào là "Bun Vốc Nặm"- lễ hội té nước được tổ chức vào cuối mùa Xuân với mong ước, cầu mưa thuận, gió hòa một vụ mùa mới bội thu…