Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Đổi mới, sáng tạo trong đào tạo nghề

PV - 18:07, 07/08/2021

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường lao động, việc làm, vì vậy, để thích ứng với tình hình dịch bệnh trong thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai đào tạo bằng hình thức trực tuyến; đổi mới sáng tạo trong đào tạo, hướng nghiệp gắn với giải quyết việc làm và theo nhu cầu của xã hội… Qua đó, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Để thích ứng với tình hình hiện nay, giảng viên Khoa Điện, Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp đã chuyển đổi phương pháp dạy học trên lớp sang dạy học trực tuyến
Để thích ứng với tình hình hiện nay, giảng viên Khoa Điện, Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp đã chuyển đổi phương pháp dạy học trên lớp sang dạy học trực tuyến

“Tuyển sinh là tuyển dụng”

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh liên tục đăng tải thông báo tuyển dụng lao động với số lượng lớn trên các phương tiện truyền thông, website, trang mạng xã hội… Điển hình như Công ty TNHH Compal, Khu công nghiệp (KCN) Bá Hiến, huyện Bình Xuyên tuyển dụng 1.500 lao động; Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, KCN Khai Quang, TP. Vĩnh Yên tuyển dụng 600 lao động…

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó, nhiều đơn vị chưa tuyển đủ số lao động theo nhu cầu.

Trước tình hình đó, Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đã tận dụng cơ hội, chủ động liên kết hợp tác với các đối tác doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động về lĩnh vực liên kết đào tạo, để tư vấn và giới thiệu, tạo việc làm cho học sinh sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Thiện cho biết: "Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang cần rất nhiều lao động chất lượng với các ngành nghề như cơ khí, ôtô, điện, điện tử…".

Vì vậy, việc hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp là hướng đi phù hợp, tránh lãng phí nhân lực trong đào tạo. Đồng thời, giúp người học yên tâm khi tham gia học tập vì được bảo đảm giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Thực hiện giải pháp trên, hằng năm có hơn 95% HSSV nhà trường sau khi tốt nghiệp có việc làm, với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp đã cho HSSV nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Để thích ứng với tình hình hiện nay, nhà trường đã chuyển đổi từ phương pháp dạy học trên lớp sang dạy trực tuyến. Việc tổ chức đào tạo nghề online là cơ hội để đội ngũ giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhằm xây dựng các bài giảng dễ hiểu, dễ tiếp thu; đồng thời, tạo điều kiện cho HSSV làm quen với phương pháp học tập mới.

Để xây dựng nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới chương trình đào tạo, nhà trường căn cứ vào xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp để tập trung vào một số ngành, nghề như cơ khí, ô tô, điện, điện tử công nghiệp...

Với mục tiêu phấn đấu “tuyển sinh là tuyển dụng”, nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với 20 doanh nghiệp và ký thỏa thuận cung ứng 21.500 nguồn nhân lực chất lượng cao cho 8 tập đoàn, doanh nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2025, được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lựa chọn là mô hình điểm về việc hợp tác, liên kết với doanh nghiệp.

Nhà trường cũng đã thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài đến từ các quốc gia như Đức, Pháp, Úc... Trung bình mỗi năm, cung cấp khoảng 1.000 sinh viên đến thực tập và làm việc với các ngành nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Linh hoạt các hình thức đào tạo

Để lao động nông thôn tích cực, chủ động tham gia học nghề, Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến, huyện Yên Lạc đã mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của học viên ở địa phương như may công nghiệp, làm hoa đất, hoa lụa, thêu ren...

Với phương châm đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, trung tâm ký hợp đồng với các công ty nhận đào tạo nghề và có trách nhiệm giải quyết việc làm cho các học viên sau khi tham gia khóa học.

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết: "Tạo được việc làm cho người lao động sau đào tạo là yếu tố cốt lõi để thu hút người học, vì vậy, trung tâm chủ động đào tạo lao động tại chỗ cho các xã lân cận trên địa bàn huyện như Nguyệt Đức, Yên Phương, Tam Hồng…; đã có 95% số học viên tìm được việc làm ổn định sau đào tạo".

Hiện, Trung tâm có 1 xưởng may công nghiệp, thu hút hơn 400 lao động, thu nhập mỗi tháng ổn định từ 3 - 6 triệu đồng/người. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trước sự ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Hiện nay, toàn tỉnh có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 7 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 6 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Để hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho gần 23.000 lao động trong năm 2021, thời gian tới, nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa đào tạo nghề hiệu quả, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tuyển sinh cho phù hợp với tình hình thực tiễn; đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghề từ xa, sử dụng các thiết bị công nghệ trong công tác đào tạo nghề… Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh./.