Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Đời sống phát triển từ thay đổi tư duy

Nghĩa Hiệp - 14:47, 09/11/2020

Thói quen canh tác mỗi năm một vụ, sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên khiến cuộc sống người dân thôn Bản Ba 2, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nông dân Nông Quý Thọ, Người có uy tín thôn Bản Ba 2 đã quyết tâm đi đầu thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, được bà con tin tưởng, học tập làm theo...

Nhiều người dân xã Trung Hà có thu nhập ổn định từ trồng cam
Nhiều người dân xã Trung Hà có thu nhập ổn định từ trồng cam

Tìm giải pháp để thích ứng

Nhớ lại hơn chục năm về trước, khi ấy thôn Bản Ba (cũ) là nơi sinh sống của 26 hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao. Để xây dựng nhà máy thủy điện, những người dân thôn Bản Ba đã phải di dời về vùng đất mới và đặt tên thôn mới là Bản Ba 2.

Tại thôn Bản Ba 2, điều kiện canh tác không còn được như quê cũ, ông Nông Thái Sơn, người dân trong thôn chia sẻ: “Ngày trước, người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, mỗi năm trồng một vụ lúa. Nếu thiếu ăn thì ra sông đánh bắt, vào rừng hái măng, hái rau... Nhưng về vùng đất mới, điều kiện canh tác có phần khó khăn hơn, nhiều gia đình muốn bỏ thôn, bản đi đến nơi khác sinh sống”.

Nắm bắt được nguy cơ này, ông Nông Quý Thọ, Người có uy tín thôn Bản Ba 2 ra sức khuyên ngăn, tập hợp bà con tìm cách vượt qua khó khăn. Nhận thấy vùng đất mới có đất rừng, đất đồi và ruộng, nhưng bà con chưa biết khai thác để tạo ra sinh kế, ông Thọ cùng ông Chư Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Trung Hà đi đến từng nhà để tìm hiểu nguyện vọng của bà con rồi tạo điều kiện cho bà con đi học các lớp nông nghiệp ngắn hạn. 

“Ở vùng này có núi Cham Chu bao bọc nên mùa Đông vẫn có thể trồng ngô, cây hoa màu..., tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 2.500m2 ngô vụ Đông và nuôi 4 con trâu. Ngay vụ đầu tiên tôi đã thành công”, ông Thọ chia sẻ. 

“Không để đất trống, túi rỗng”

Với mục tiêu “không để đất trống, túi rỗng”, sau khi có được thành công ở vụ Đông, người dân thôn Bản Ba 2 cũng lần lượt làm theo ông Thọ. Ban đầu còn có những hộ bảo thủ, muốn giữ nguyên cách canh tác một vụ. Nhưng nhìn nhà nào cũng thành công và được ông Thọ vận động, nên dần dần cũng làm theo. Giờ đây, tại thôn Bản Ba 2, vụ Đông cũng đã trở thành thu nhập chính của nhiều gia đình. Tổng diện tích vụ Đông của thôn Bản Ba 2 đã lên đến hơn 20,5ha. 

Có được bước đầu thuận lợi, ông Thọ lại mày mò với giống cam sành bản địa, ông tìm đến những người trồng cam lâu năm trong vùng để học, mua giống về trồng và chăm sóc. Từ 50 gốc cam ban đầu, ông Thọ tiến hành chiết cành, nhân giống và cung cấp cho bà con trong thôn. Hiện, trong thôn Bản Ba 2, người trồng ít cũng có vài chục gốc cam, người trồng nhiều có đến 400 - 500 gốc. 

Ông Lý Sành Khuyên cho biết: “Tôi học theo ông Thọ trồng cam, đến nay đã có 400 gốc cam 5 năm tuổi, ước tính năm nay sẽ thu hoạch được 8 - 10 tấn cam, lợi nhuận khoảng 60 - 70 triệu đồng”. 

Không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định hơn với cây cam, giờ đây, thôn Bản Ba 2 đã trở thành vùng trồng cam trọng điểm của xã Trung Hà. Với chất cam vỏ mỏng, mọng nước, được trồng hoàn toàn tự nhiên, cam Bản Ba đang được xã Trung Hà xây dựng, đưa vào chương trình OCOP của huyện.

Bằng những nỗ lực của ông Nông Quý Thọ, giờ đây, cuộc sống người dân Bản Ba 2 đã có sự thay đổi rõ rệt. Người dân có thêm những mô hình kinh tế mới, phát triển bền vững. Thu nhập bình quân đầu người trong bản đạt 50 triệu đồng/năm. 

“Phần lớn cuộc sống của người dân đổi thay, là nhờ ông Thọ đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân”, ông Chư Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Trung Hà khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Các loại cây họ tre nứa rất dễ trồng, dễ chăm sóc với hàng chục giống tre, trúc khác nhau và chúng được trồng hầu như khắp các địa phương vùng Tây Nam bộ. Từ lâu, sản phẩm từ cây tre gắn bó với đời sống cư dân nơi này. Dù đang chịu cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất bằng dây chuyền công nghệ, thay thế bằng những nguyên liệu công nghiệp nhưng không vì thế mà sản phẩm từ họ tre trúc “hết thời”.