Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Đồi thông hai mộ” - Một biểu tượng tình yêu nơi xứ Mường

Hồng Minh - 07:44, 24/02/2022

“Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ?/ Anh của em yêu quý nhất đời/ Anh đi, mù mịt xa khơi/ Phượng hoàng tung cánh phương trời mải bay…”. Đó là những dòng thơ mở đầu truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của tác giả Tùng Giang - Vũ Đình Trung. Bài thơ được sáng tác dựa trên một tích truyện minh chứng cho câu chuyện tình yêu đẹp, thiêng liêng của cộng đồng người Mường tỉnh Hòa Bình. Câu chuyện đó đã, đang và mãi trở thành biểu tượng tình yêu của xứ Mường nơi đây.

Hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung mãi trở thành biểu tượng đẹp cho tình yêu của người Mường
Hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung mãi trở thành biểu tượng đẹp cho tình yêu của người Mường

Từ câu chuyện tình đẹp xứ Mường…

Bấy lâu nay, khi nhắc tới địa danh “Đồi thông hai mộ” người ta sẽ nghĩ tới Đà Lạt. Nhưng ít ai biết rằng, tại xứ Mường tỉnh Hòa Bình cũng có một địa danh như thế, gắn liền với câu chuyện tình yêu cảm động.

Để tường tận hơn về câu chuyện này, chúng tôi đã được Nhà văn Nguyễn Hữu Duyên - một người từng được gặp và nghe tác giả bài thơ “Đồi thông hai mộ” kể về câu chuyện.

Ông Duyên kể lại, năm 1946, chàng thanh niên Vũ Đình Trung - sau trở thành văn sĩ Tùng Giang, cùng với gia đình rời Hà Nội trong phong trào “tiêu thổ kháng chiến” tản cư vào Chương Mỹ, rồi từ đây đi tiếp về phía Tây Bắc đến một vùng núi non thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tại đây, tác giả Tùng Giang gặp và đi theo một ông già người địa phương về nhà. Ông già kể cho nghe chuyện về hai ngôi mộ bên đồi thông, gần đó có dòng suối Ngang. Hai nhân vật trong hai ngôi mộ là: Chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung. Đinh, Quách là hai trong 4 dòng họ quan lang quyền quý của người Mường Hòa Bình thời bấy giờ (Đinh, Quách, Bạch, Hà).

Theo tích chuyện, chàng trai vì không cưới được người yêu nên đã quyết tâm học xa để trở về khẳng định chính mình, phục vụ bản làng. Nhưng ngày về, biết rằng người yêu đã mất, chàng lại một lần nữa ra đi, tham gia chiến trận và qua đời. Thể theo nguyện vọng của chàng, người dân đưa được thi thể chàng về chôn bên cạnh người yêu.

Cho đến nay, mộ của cặp đôi này vẫn còn nằm trên đồi, nơi có con đường mòn vắt qua rừng, mà người dân thường đi chợ từ Kim Bôi sang Chợ Đồn ở Lương Sơn.

Cảm động trước mối tình sắt son mà bi thảm của đôi trai tài gái sắc xứ Mường, nhà thơ Tùng Giang đã  viết truyện thơ “Đồi thông hai mộ”, một tuyệt tác thi phẩm dài tới 1.044 câu thơ, theo thể song thất lục bát trong quãng thời gian năm 1947- 1948.

Bìa tác phẩm này cũng được minh họa bằng tranh cô gái Mường bên ngôi nhà sàn. Điều này một lần nữa khẳng định, tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” là từ câu chuyện đôi trai gái người Mường.

Mối nhân duyên với tập thơ “Đồi thông hai mợ” của ông Duyên không chỉ dừng lại ở đó. Mà ông cũng không ngờ rằng, người vợ của ông là bà Nguyễn Thị Hoàng cũng thuộc lòng hơn 1.000 câu thơ trong bài thơ.

Bìa tác phẩm “Đồi thông hai mộ” được minh họa bằng tranh cô gái Mường bên ngôi nhà sàn
Bìa tác phẩm “Đồi thông hai mộ” được minh họa bằng tranh cô gái Mường

… đến truyện thơ "Đồi thông hai mộ"

Với những giá trị của câu chuyện tình yêu đẹp, sau gần 70 năm, năm 2019, UBND huyện Kim Bôi phối hợp với Ban Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam đã có một tọa đàm khoa học: “Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản”.

Đã vài chục năm trôi qua dù trải qua nhiều thăng trầm, “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang - Vũ Đình Trung vẫn có đời sống riêng trong lòng độc giả. Nhân chứng như bà Nguyễn Thị Hoàng vợ của Nhà thơ Nguyễn Hữu Duyên hơn 80 tuổi vẫn đọc vanh vách nhiều đoạn trong truyện thơ này, hay cụ Đinh Công Sắc chép tay toàn bộ tác phẩm “Đồi thông hai mộ”…

Nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đã từng nói: “Lần đầu tiên khi nhìn thấy tập truyện thơ “Đồi thông hai mộ”, chúng tôi, đại diện cho giới văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, không khỏi ngạc nhiên vì hình ảnh người con gái trẻ với khăn trắng, áo cón, váy đen cùng đôi mắt đang dõi vào xa thẳm, đích thị là một người con gái Mường. Hai nhân vật chính trong thiên tình sử người trai Mường Đinh Lăng người gái Quách Mỵ Dung hẳn là xuất thân từ hai họ Đinh và họ Quách của người Mường. Những hình ảnh minh họa trong tập truyện thơ chủ yếu là của xứ Mường đã mang đến cho chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong niềm xúc động khó giãi bày”.

Thông qua tập truyện thơ, có thêm một bằng chứng sinh động: Người Mường Hòa Bình đã đồng hành cùng đất nước đi qua các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Việc tìm ra và tôn tạo hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung không chỉ là sự khẳng định về một địa danh, chứng tích hiện hữu trong lịch sử, là nơi phát tích của một tác phẩm văn học giá trị, mà còn mang lại cho người đời nay một danh thắng ý nghĩa để thưởng ngoạn và chiêm nghiệm. Với những giá trị ấy, chắc chắn sẽ còn khơi gợi nhiều hướng nghiên cứu, tiếp cận để “Đồi thông hai mộ” xứng đáng với kỳ vọng thành di sản văn hóa.

Đặc biệt hơn, nơi đây như trở thành một biểu tượng cho tình yêu đôi lứa của cộng đồng người Mường tỉnh Hòa Bình. Được biết, ngày nay nhiều đôi trai gái thường đến thăm hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung để thề thốt và nguyện cầu cho tình yêu của họ cũng khăng khít, đẹp đẽ.

Hy vọng rằng, trong thời gian sớm nhất, các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư cùng chung tay để xây dựng nơi này thành một điểm du lịch văn hóa, tâm linh xứ Mường, phát triển  như tiếng vang của tác phẩm “Đồi thông hai mộ”.

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Hát Aday- Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời. Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã và đang ưu tiên nguồn kinh phí để các địa phương, nghệ nhân thực hiện những hoạt động thiết thực đối với loại hình nghệ thuật này.