Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đón chờ những bộ phim Tết hấp dẫn

H. Anh - 12:07, 23/12/2022

Mới đây, liên tiếp 2 bộ phim Việt: "Chị chị em em 2" (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), "Siêu lừa gặp siêu lầy" (đạo diễn Võ Thanh Hòa) đã có buổi họp báo công bố tham gia thị trường phim Tết Nguyên đán 2023. Trước đó, "Nhà bà Nữ" (đạo diễn Trấn Thành) cũng cho biết sẽ chiếu rạp từ mùng 1 Tết Quý Mão (tức ngày 22/1/2023).

Poster bộ phim Tết “Nhà bà Nữ” do Trấn Thành sản xuất và đạo diễn
Poster bộ phim Tết “Nhà bà Nữ” do Trấn Thành sản xuất và đạo diễn

Nửa cuối năm 2022, điện ảnh trong nước đánh dấu sự bùng nổ của thể loại phim hành động, kinh dị và hài xoay quanh đề tài gia đình, tình yêu, khát vọng tuổi trẻ. Phim “Chị chị em em 2” chọn kể về giai thoại của hai mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn những năm 1930 là Ba Trà và Tư Nhị, hứa hẹn tính giải trí bởi sự góp mặt của những gương mặt là ca sĩ, người mẫu.

“Nhà bà Nữ” do Trấn Thành sản xuất và đạo diễn xoay quanh gia đình của bà Nữ (nghệ sĩ Lê Giang đảm nhận) làm nghề bán bánh canh ở Sài Gòn. Nội dung phim khắc họa mối quan hệ phức tạp, đa chiều xảy ra trong một gia đình với thông điệp: Mỗi gia đình đều có những bí mật. Năm 2021, phim “Bố già” của Trấn Thành đã làm nên kỷ lục phòng vé Việt với doanh thu 400 tỷ đồng, do vậy, nhiều khán giả chờ đợi vào dự án lần này của nam nghệ sĩ.

Phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” là tác phẩm ấp ủ thực hiện suốt bốn năm của đạo diễn Võ Thanh Hòa cùng nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc. Ðạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ, việc tự sản xuất những bộ phim thuần Việt do mình biên kịch là ước mơ của anh từ rất lâu, nhưng đến nay mới tích góp đủ kiến thức, tài chính, uy tín, kinh nghiệm để làm ra tác phẩm này.

Poster bộ phim Tết "Siêu lừa gặp siêu lầy"
Poster bộ phim Tết "Siêu lừa gặp siêu lầy"

Bên cạnh các dự án phim điện ảnh, thị trường phim Tết còn tạo sức hút ở những bộ phim truyền hình và phim hài. Hầu hết dự án phim hài đã đóng máy, chuyển sang giai đoạn hậu kỳ và quảng bá. Trên các nền tảng mạng xã hội hiện đã rầm rộ thông tin về các phim hài nên xem dịp Tết. Tuy nhiên, điều băn khoăn với khán giả vẫn là sự tiếp diễn của hài nhảm. Những năm qua, nhiều phim hài vẫn lạm dụng khai thác tiếng cười kiểu tạo hình răng vẩu, nói ngọng, chọc cười đời tư... và nhất là quảng cáo trá hình cho một số nhãn hàng, sản phẩm. Nhiều phim hài khai thác văn hóa làng, nhưng trái với sứ mệnh quảng bá cần phát huy, họ lại đưa phong tục truyền thống ra bôi bác, giễu nhại.

Tết năm 2022, không có phim Việt nào vượt doanh thu 100 tỷ đồng. Nhiều nhà làm phim hy vọng, vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, đây là dịp để phim Việt có chất lượng quay trở lại, chinh phục khán giả. Theo dõi hành trình thực hiện phim Tết năm nay, có thể thấy sự dụng công của các ê-kíp. Dù không tiết lộ cụ thể kinh phí, nhưng nhiều nhà sản xuất xác nhận mức đầu tư cao hơn những năm trước. Thí dụ, “Chị chị em em 2” của nhà sản xuất Will Vũ đầu tư kinh phí cao hơn hai dự án “Hai Phượng” và “Mắt biếc”.

Từ trái qua: nhà sản xuất Will Vũ, Minh Hằng, Ngọc Trinh, Vũ Ngọc Đãng trong buổi ra mắt đoàn phim với báo giới
Từ trái qua: nhà sản xuất Will Vũ, Minh Hằng, Ngọc Trinh, Vũ Ngọc Đãng trong buổi ra mắt đoàn phim với báo giới

Theo các chuyên gia điện ảnh, có nhiều yếu tố để lạc quan vào thị trường phim dịp Tết năm 2023, trong đó uy tín của đạo diễn, nhà sản xuất và mức độ đầu tư là một cơ sở để dự đoán. Đạo diễn Trấn Thành nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tạo thói quen khán giả ra rạp mùa Tết để xem phim hay chứ không phải chỉ xem phim cho vui”.

Tuy nhiên, tình trạng ảm đạm của phim Việt khi ra rạp từ tháng 7 đến nay là một cảnh báo. Trừ phim “Cô gái từ quá khứ” có doanh thu khả quan, tám bộ phim khác, gồm: “Kẻ đào mồ”, “Là mây trên bầu trời của ai đó”, “Dân chơi không sợ con rơi”, “Vô diện sát nhân”, “Duyên ma”, “Trò chơi tử thần”, “Mười: Lời nguyền trở lại”... đều khiến các nhà sản xuất lao đao vì doanh thu thấp. Điều đó đồng nghĩa với những sản phẩm phim trong nước sau đó sẽ phải đối diện với đánh giá khắt khe từ khán giả.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.