Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đồng bào các dân tộc ở Lai Châu chuẩn bị đón Tết Độc lập

Hà Minh Hưng - 06:32, 27/08/2023

Những ngày này, khắp các bản làng vùng cao Lai Châu rực rỡ cờ hoa, bà con phấn khởi, nhà nhà tập trung quét dọn vệ sinh đường ngõ. Các cụ cao niên trang trọng treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác, trang trí ban thờ… ; các bà, các mẹ chuẩn bị những bộ trang phục đẹp nhất cho Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập 2/9.

Treo cờ Tổ quốc chào mừng Tết Độc lập 2/9 là niềm tự hào của bà con “đất gió” Than Uyên.
Treo cờ Tổ quốc chào mừng Tết Độc lập 2/9 là niềm tự hào của bà con “đất gió” Than Uyên.

Không khí Tết Độc lập năm nay đến sớm hơn với bà con các dân tộc huyện Tam Đường. Ông Phàng A Dơ, xã Khun Há chưa khi nào vui như dịp này, từ hôm nhận được thông báo năm nay huyện tổ chức giải đua ngựa tại thung lũng Thèn Pả (xã Tả Lèng), lòng ông lúc nào cũng như trống giục. Ông quyết định đăng ký tham gia cho đứa con trai út Phàng A Chùa. Qua câu chuyện mới thấy, ông kỳ vọng vào giải đua ngựa này lắm. Cả ngày, hai bố con ông chăm chút cho chú ngựa chiến, hết cỏ sữa, ngô ủ mầm, tắm và chải chuốt như người bạn tri kỉ, giờ ông Dơ trở thành huấn luyện viên đặc biệt của A Chùa. 

Năm nay, các huyện Tam Đường và Than Uyên có nhiều sự kiện và hoạt động sôi nổi chào mừng Tết Độc lập 2/9 như: Màn trình diễn múa khèn Mông liên thế hệ, sự kết hợp giữa các nghệ nhân và học sinh trên địa bàn huyện Tam Đường; đua ngựa, tham gia gia các trò chơi dân gian tại mùa vàng bản Thèn Pả (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường).

“Thời trẻ, vó ngựa người Mông Khun Há là niềm kiêu hãnh trong những chuyến săn, những giải đua các vùng. Sự hãnh diện của người con trai Mông trong mắt các thiếu nữ là tài cưỡi ngựa, bắn cung, đẩy gậy và cả sự khéo léo khi bắt quả pao bên kia ném. Nay mình già rồi, nhưng đã có con cháu tham gia”, ông Dơ vui vẻ kể.

Năm nay, ngoài những hoạt động thường niên như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, huyện Tam Đường tổ chức giải đua ngựa và múa khèn ngay tại bản Thèn Pả, nơi có bãi đất rộng như thung lũng, hai bên là những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín rộ. Nghe các cụ cao niên người Mông ở Tả Lèng kể, ngày trước nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của ngày 2/9, chỉ biết rằng đó là ngày hội, ai ai cũng quần áo đẹp xuống huyện vui chơi. Sau này, lớn lên được ông bà kể lại, đến trường được thầy cô giảng, mới hiểu và càng yêu ngày thiêng liêng, ngày Tết Độc lập của dân tộc mình.

Trên các nẻo đường, mái nhà ở vùng cao Lai Châu, không khí Tết Độc lập đang tràn ngập bởi sắc cờ Tổ quốc.
Trên các nẻo đường, mái nhà ở vùng cao Lai Châu, không khí Tết Độc lập đang tràn ngập bởi sắc cờ Tổ quốc.

Rời Tam đường về huyện Tân Uyên, khung cảnh chào mừng ngày Quốc khánh là sắc cờ đỏ khắp trên mỗi mái nhà của bà con nơi đây. Ông Vàng A Lử dân tộc Mông (54 tuổi) xã Hố Mít đang bận rộn lựa những cành tre đực cẩn thận vót những cây tên đẹp, có độ chính xác cao để cho con trai Vàng A Páo tham dự thi bắn nỏ trong ngày Tết Độc lập sắp tới diễn ra ở huyện. Tạm ngơi tay, ông Vàng A Lử cười trải lòng: “Xã mình có 6 bản, gần 100% là đồng bào Mông sống quây quần bao đời. Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Độc lập là cả xã mình đi gần hết, chỉ có những người già yếu ở nhà thôi. Khi nào cái mắt còn tỏ, đôi chân còn khỏe là khắc đi thôi!”.

Tết Độc lập không chỉ để vui chơi, xem múa hát mà còn là dịp tâm sự, gửi trao. Cũng vào dịp tết Độc lập của 38 năm trước, nhờ có ngày này mà A Lử đã bén duyên rồi “bắt” được người yêu về trình bố mẹ, họ hàng. “Ăn đời ở kiếp” với nhau đến nay đã có tới 4 mặt con, 12 đứa cháu, đi đâu mình và vợ cũng như “đũa có đôi”.

Qua đất chè Tân Uyên là tới Than Uyên, tại sân vận động thị trấn huyện chật kín những vòng tròn, tay cầm tay, các diễn viên chuyên và không chuyên say sưa tập luyện văn nghệ. Cô gái trẻ Lò Thị Thim, bản Cang Mường (xã Mường Cang) cho biết: “Năm nào cũng thế, Tết Độc lập diễn ra nhiều hoạt động. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là vòng xòe đoàn kết. Năm nay, Than Uyên chúng em vinh dự được phục vụ du khách chương trình nghệ thuật. “Lung linh sắc màu Tây Bắc” trong điệu xòe đoàn kết dự kiến trên 2.000 người tham gia”.

Bà con Bản Mè, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) tập luyện văn nghệ chuẩn bị cho Tết Độc lập.
Bà con Bản Mè, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) tập luyện văn nghệ chuẩn bị cho Tết Độc lập.

Tại chợ huyện Than Uyên, hòa trong cảnh tấp nập mua bán trao đổi các mặt hàng thiết yếu là tiếng nói, cười của bà con người Thái, Mông, Khơ Mú cứ xốn xang, làm cho ngày Tết Độc lập như đến gần hơn. Nếu như trước đây, người dân các xã Mường Kim, Ta Gia, Tà Mung, Pha Mu xuống được chợ huyện cũng mất vài giờ đồng hồ thì nay, đường nông thôn mới rải nhựa, bê tông phẳng lỳ đến từng ngõ mỗi nhà, giờ chạy xe máy khoảng 30 phút là đến nơi rồi. Hôm nay, về chợ huyện, 4 thành viên gia đình Vàng A Anh, xã Ta Gia đang phấn khởi bên bát phở nóng hổi. Qua câu chuyện được biết, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2/9, hai vợ chồng Anh lại sắp xếp công việc đưa các con xuống huyện vui Tết mấy ngày liền.

Tết Độc lập năm nay huyện Than Uyên tổ chức nhiều hoạt động, lễ hội truyền thống như: Mừng cơm mới của người Khơ Mú, Lễ hội Kin Pang của đồng bào Thái; thi đua thuyền đuôi én, vòng xòe đoàn kết trên 2000 người; trải nghiệm chợ phiên Nậm Pắt (xã Tà Mung), chợ đêm Ta Gia; trao giải logo (biểu trưng) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Than Uyên...

Có lẽ vui nhất là anh chàng dân tộc Thái - Vàng Văn Thượng, xã Tà Mung. Mỗi lần đi chợ, anh có thói quen mua quà cho bố, nay anh mới mua được chiếc mũ nồi bê rê về tặng bố, chắc ông vui lắm. Nghe Thượng kể, bố anh là ông Vàng Văn Ón (79 tuổi) thương binh hạng 4/4. Những năm 70 của thế kỷ trước, ông Ón là một trong những người lính Việt Nam góp phần làm nên chiến thắng tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. 

Ông Ón khoe: “Không khí Tết Độc lập đến gần, cái bệnh trái gió, trở trời bao năm trong người bố mình như vơi hẳn, nên ngày nào bố cũng giục anh xuống chợ mua sắm quần áo mới cho mọi người để đi vui Tết...”.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Từ lâu, với người Lai Châu, Tết Độc lập là nơi hội tụ, khơi dậy nét đẹp văn hóa, thể thao, gắn với quảng bá phát triển du lịch, giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất, con người Lai Châu, vùng đất nơi cuối trời Tây Bắc của Tổ quốc. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.