Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đồng bào Cống ở Điện Biên: Cuộc sống đã khác xưa: Tháo dỡ rào cản để bước tới ( Bài 2 )

H.Minh - T.Hồng - 10:13, 16/10/2020

Trong số báo 1665, ra ngày 14/10, Báo Dân tộc và Phát triển đã đề cập đến cuộc sống của đồng bào dân tộc Cống đã có những thay đổi tích cực nhờ triển khai Đề án Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 - 2020. Tuy nhiên, đi cùng với những kết quả đáng mừng thì vẫn còn những trăn trở, những vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án.

Đồng bào Cống ở Điện Biên: Cuộc sống đã khác xưa: Tháo dỡ rào cản để bước tới ( Bài 2 )
Người dân bản Si Văn mong sớm xây được nhà trên nền đất mới để ổn định cuộc sống.
Người dân bản Si Văn mong sớm xây được nhà trên nền đất mới để ổn định cuộc sống.

Rào cản đất định cư

Là 1 trong 5 hạng mục thuộc Ðề án Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2013 - 2020, Dự án san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn, xã Pa Thơm, có tổng mức đầu tư 5,765 tỷ đồng. Dự án nhằm mục đích tạo mặt bằng bố trí sắp xếp đất ở cho 30 hộ dân tộc Cống làm nhà theo mô hình chuẩn nông thôn mới để ổn định cuộc sống, tránh tình trạng di dân tự phát, bảo tồn và phát triển người dân tộc Cống tại xã Pa Thơm. Theo quy hoạch Dự án sẽ được thiết kế chia ô theo diện tích 400m2/hộ.

Đồng thuận với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tháng 10/2018, người dân bản Si Văn đã chủ động tháo dỡ nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi… chuyển đến ở xen ghép tạm với bản Púng Bon. Tuy nhiên, do Dự án chậm tiến độ, đã gần 3 năm nay, hàng chục hộ dân bản Si Văn, xã Pa Thơm, vẫn chưa có nhà ở ổn định, phải ở nhờ nhà người thân, hàng xóm, số khác thì phải sống tạm trong căn nhà tranh tre, lụp xụp, cuộc sống của người dân bị xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Là 1 trong 30 hộ được bố trí đất ở tại điểm định cư Si Văn, gia đình anh Quàng Văn Sam vẫn đang từng ngày sống trong trong ngôi nhà tạm, thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống tạm bợ. “Do không tìm được vị trí ở xen ghép tại bản Púng Bon nên gia đình tôi đành phải dựng lán trong khu vực Dự án. Khi Dự án thi công gần tới điểm dựng lán thì nhà tôi phải di chuyển sang chỗ khác. Ðến nay, tôi đã 4 lần chuyển lán mà vẫn chưa xây được nhà trên nền đất mới”, anh Sam chia sẻ.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án

Theo Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 30/10/2017, Dự án san nền, giao thông thoát nước điểm dân cư Si Văn, xã Pa Thơm được triển khai thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019. Dự án do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, Công ty CP Xây dựng Nam Giang là đơn vị thi công.

Tháng 3/2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án. Theo đó, cuối tháng 9/2020, Chủ đầu tư phải hoàn thành các hạng mục công trình bàn giao cho người dân làm nhà. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện Dự án đến nay mới chỉ đạt hơn 60% khối lượng công việc... Trong khi đó, người dân vẫn phải sống vất vả trong những căn lều tạm bợ mong từng ngày được ổn cư tại nơi ở mới.

Bên cạnh đó, Dự án công trình san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn lại tồn tại bất cập là nhiều hạng mục đã bị hư hỏng. Cụ thể là mặt đường giao thông lên bản bị đứt gãy, sụt lún, rãnh thoát nước bị rạn nứt, còn kè bảo vệ ta luy âm bị sạt lở, gây bức xúc trong Nhân dân.

Ông Quàng Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: Sau khi người dân phản ánh, UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế tại điểm di dân Si Văn. Người dân và chính quyền rất mong Dự án sớm khắc phục được những khó khăn trong quá trình triển khai để người dân có thể xây dựng nhà, ổn định đời sống.

Có thể nói, Ðề án Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2013 - 2020 đã mang lại cho đồng bào dân tộc Cống nhiều kết quả nổi bật. Việc triển khai thực hiện Đề án đang ở giai đoạn cuối, tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm nghẽn cần được tháo gỡ để sớm ổn định cuộc sống của người dân. Đây là thời điểm những hạn chế cần được khắc phục, những vướng mắc cần được tháo gỡ để Đề án thực sự trở thành một “cú huých” tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của đồng bào dân tộc Cống, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hy vọng rằng với sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân tỉnh Điện Biên, các chương trình, đề án đối với đồng bào các dân tộc rất ít người trong cả nước nói chung, đồng bào dân tộc rất ít người tỉnh Ðiện Biên nói riêng sẽ về đích đúng hẹn với những kết quả tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Chưa thể thi công, có nguy cơ vỡ tiến độ… là thực tế đang diễn ra tại một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An. Những dự án này, chủ yếu là còn vướng mắc diện tích đất rừng nhưng chưa chuyển đổi xong mục đích sử dụng, chưa hoàn thiện đánh giá tác động môi trường…