Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào Gia Rai bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa

Ngọc Chí - 12:45, 06/08/2023

Xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) hiện có 7 làng, trong đó có 4 làng là người Gia Rai sinh sống. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, đồng bào Gia Rai trên địa bàn xã luôn có ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống.

Ông A Lưng ở làng Lung, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy thường xuyên truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Ông A Lưng ở làng Lung, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy thường xuyên truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Đến với xã Ya Xiêr hôm nay, ngoài những con đường bê tông trải dài khắp các làng, những ngôi nhà xây kiên cố thì còn có những vườn cây công nghiệp xanh tốt. Diện mạo cho thấy cuộc sống của bà con nơi đây đang từng ngày đổi thay. 

Ông A In, già làng làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy chia sẻ: “Đồng bào Gia Rai ở xã Ya Xiêr có được cuộc sống ấm no, sung túc như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước đã đầu tư cho bà con về mọi mặt. Cuộc sống ổn định thì các giá trị văn hóa luôn được bà con gìn giữ, phát huy, không còn tình trạng bán cồng chiêng, bán ghè và các vật dụng mang biểu tượng văn hóa như trước nữa”.

Già A Hiếu giới thiệu về bộ cồng chiêng quý mà gia đình đang lưu giữ
Già A Hiếu giới thiệu về bộ cồng chiêng quý mà gia đình đang lưu giữ

Theo chân già làng A In, chúng tôi đến nhà già A Hiếu, người còn lưu giữ bộ chiêng quý của người Gia Rai. Già A Hiếu niềm nở và đem bộ cồng chiêng quý được cất giữ kỹ trong nhà ra giới thiệu: Bộ chiêng này có lịch sử gần 100 năm rồi, từ thời ông cố để lại cho bố ông và đến ông bây giờ. Hồi đó, ông cố ông phải đổi hơn 20 con trâu mới có được bộ chiêng này. Nó quý bởi có một chiếc cồng mua từ bên Lào, khi đánh lên âm thanh rất trầm hùng, vang vọng cả núi rừng. Giờ đây tôi giữ bộ chiêng này và xem như là tài sản quý giá nhất của gia đình, chỉ khi nào làng có lễ hội thì mới đem ra đánh.

Người Gia Rai đã sinh sống lâu đời trên địa bàn xã Ya Xiêr với những đặc trưng văn hoá truyền thống cơ bản. Nhất là các nghề truyền thống vẫn được gìn giữ đến ngày hôm nay. Bên hiên những ngôi nhà sàn truyền thống, những người phụ nữ Gia Rai vẫn đang miệt mài bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.

Bà Y Mỹ ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy luôn dành nhiều thời gian để gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Bà Y Mỹ ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy luôn dành nhiều thời gian để gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Bà Y Mỹ ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy cho hay: Các sản phẩm thổ cẩm của người Gia Rai rất đa dạng và phong phú, gồm nhiều thể loại và màu sắc khác nhau. Có loại dùng trong sinh hoạt hằng ngày, đi rẫy, đi rừng và có loại chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội của gia đình cũng như cộng đồng làng. Hiện nay tôi vẫn đang gìn giữ cách làm nghề dệt truyền thống từ ngày xưa và truyền dạy lại cho các con của mình.

Ở xã Ya Xiêr, những người phụ nữ Gia Rai miệt mài bên khung cửi thì những người đàn ông Gia Rai cũng dành nhiều thời gian để đan lát, tạo ra những vật dụng phục vụ cuộc sống hằng ngày. Trước đây, phương tiện vận chuyển phổ biến nhất của người Gia Rai là gùi đeo trên vai. Người Gia Rai có rất nhiều loại gùi khác nhau, gồm: Gùi dùng cho việc cõng lúa, gùi dùng đựng quần áo thổ cẩm, gùi dùng để cõng củi… Hiện, ở xã Ya Xiêr có rất nhiều người biết đan gùi. Đặc biệt có nhiều người còn biết đan những chiếc gùi quý, giá trị, như: Gùi hla grong, gùi korh (loại gùi có nắp đậy và rất nhiều hoa văn). Hoa văn trên mỗi chiếc gùi rất tinh tế, phản ánh cuộc sống, phong tục, bản sắc văn hóa của người Gia Rai.

Nghề đan lát luôn được những người đàn ông Gia Rai ở xã Ya Xiêr gìn giữ
Nghề đan lát luôn được những người đàn ông Gia Rai ở xã Ya Xiêr gìn giữ

Cùng với việc giữ gìn các nghề truyền thống, văn hóa cồng chiêng, múa xoang và trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống cũng được người Gia Rai ở xã Ya Xiêr gìn giữ, lưu truyền. Lớp lớn tuổi dạy cho những thanh niên, thiếu niên trong làng. Cứ như thế, âm thanh cồng chiêng luôn vang vọng khắp các làng người Gia Rai.

Ông A Lưng ở làng Lung, xã Ya Xiêr chia sẻ: Cồng chiêng luôn được sử dụng trong các lễ hội của người Gia Rai, như lễ hội mừng nhà rông mới, cúng yàng lúa, mở nước giọt. Cồng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, vì vậy, tôi cùng với già làng và các nghệ nhân thường xuyên tổ chức tập đánh cồng chiêng cho những thanh, thiếu niên trong làng, để sau này chúng biết hết cồng chiêng của mình.

Ông A Tuyn trình diễn đàn goong cho thế hệ trẻ trong làng học theo
Ông A Tuyn trình diễn đàn goong cho thế hệ trẻ trong làng học theo

“Những năm qua, chính quyền xã luôn quan tâm tuyên truyền, vận động người dân duy trì các lễ hội, phong tục, nghề truyền thống đã được phục dựng; mở các lớp truyền dạy các kỹ năng thực hành diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, nhạc cụ truyền thống. Theo đó đã làm chuyển biến ý thức của người Gia Rai trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống vào đời sống. Toàn xã hiện còn lưu giữ được 43 bộ cồng chiêng, 4 làng người Gia Rai sinh sống đều có nhà rông và mỗi làng đều thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang”, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết.

Chia tay những nghệ nhân người Gia Rai ở xã Ya Xiêr khi mặt trời đã lùi xa vào những cánh rừng ở dãy núi Chư Mom Ray hùng vĩ, trong tôi luôn ấp ủ một suy nghĩ sẽ sớm trở lại vùng đất này một lần nữa để được cảm nhận những nghề truyền thống và thanh âm của cồng chiêng nơi đây. Bởi đó là một phần của cuộc sống và chính là những giá trị làm nên hồn cốt văn hóa của đồng bào Gia Rai nơi đây.

Những năm qua, chính quyền xã luôn quan tâm tuyên truyền, vận động người dân duy trì các lễ hội, phong tục, nghề truyền thống đã được phục dựng; mở các lớp truyền dạy các kỹ năng thực hành diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, nhạc cụ truyền thống. Theo đó đã làm chuyển biến ý thức của người Gia Rai trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống vào đời sống...”

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.