Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Làng Le - Nơi lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất tỉnh Kon Tum

P.Nguyên - T.Nhân - 19:35, 19/06/2023

Cùng với việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã tích cực tham gia bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện, đồng bào Rơ Măm ở làng Le còn lưu giữ 3 bộ cồng chiêng tập thể và 34 bộ cồng chiêng của cá nhân. Đây là ngôi làng còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất hiện nay ở Kon Tum.

Đồng bào Rơ Măm ở làng Le tấu chiêng đón Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang đến thăm và làm việc hồi tháng 5/2023.
Đồng bào Rơ Măm ở làng Le tấu chiêng đón Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang đến thăm và làm việc hồi tháng 5/2023

Làng Le là địa bàn cư trú của 178 hộ, với 536 nhân khẩu người Rơ Măm (1 trong 5 dân tộc rất ít người ở nước ta). Trước đây, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự tận tình giúp đỡ của cán bộ địa phương, bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, kinh tế ngày một phát triển. Đặc biệt, bà con rất ý thức trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Dẫn chúng tôi tham quan làng, ông A Thái - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Le phấn khởi cho hay: Cả làng còn giữ được 3 bộ cồng chiêng tập thể và 34 bộ cồng chiêng của cá nhân. Dù rất nhiều người đã lân la đến hỏi mua, nhưng dân làng không ai bán những bộ chiêng quý cả. Cồng chiêng là linh hồn của các lễ hội, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc Rơ Măm nên các gia đình đều một lòng gìn giữ để duy trì lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Cũng như cộng đồng các DTTS ở Kon Tum, dân tộc Rơ Măm có kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc với những câu chuyện cổ; hát ru, hát giao duyên, sử thi; diễn tấu cồng chiêng, múa xoang và nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Người Rơ Măm quan niệm, mọi sự vật, hiện tượng đều có thần linh ngự trị, vì vậy mọi phong tục, tập quán của người Rơ Măm đều gắn kết với hệ thống lễ nghi, nổi bật là Lễ cúng cơm mới, Lễ tạ Thần lúa…

Người dân làng Le luôn giữ gìn các nghề truyền thống của dân tộc như dệt thổ cẩm, đan lát thủ công... Ảnh: VH
Người dân làng Le luôn giữ gìn các nghề truyền thống của dân tộc như dệt thổ cẩm, đan lát thủ công... Ảnh: VH

Ông Ngô Công Phương - Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai cho biết: Để văn hóa truyền thống của người Rơ Măm không bị mai một, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, đồng bào Rơ Măm ở làng Le đã nâng cao nhận thức, tích cực tham gia bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, như: Phục dựng lại Lễ hội mở kho lúa (đây là lễ tục lớn của người Rơ Măm); tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ đâm trâu, Lễ mừng lúa mới.

Công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại làng Le được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sa Thầy quan tâm và chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức truyền dạy kỹ năng biểu diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng, dân vũ tại xã Mô Rai với sự tham gia của 30 nghệ nhân và 160 học viên tham gia; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng Lễ mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm; mở 1 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; phối hợp với Ban Dân tộc hỗ trợ 2 bộ cồng chiêng. Đồng thời, tổ chức truyền dạy nhạc cụ và kỹ năng biểu diễn cồng chiêng cho 40 nghệ nhân, trang thiết bị nhà rông (ti vi và bộ âm ly, tủ - kệ ti vi) từ nguồn vốn Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Già làng A Blong chia sẻ: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm và phát huy vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân cao tuổi, đồng bào Rơ Măm đã lưu giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: Cồng chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi… Đồng bào đã lưu giữ và phát triển được các nghề truyền thống như đan lát nông cụ, vật dụng sinh hoạt, dệt vải thổ cẩm. Đặc biệt, phần lớn phụ nữ Rơ Măm đều biết dệt thổ cẩm và họ đang nỗ lực truyền dạy lại cho thế hệ con cháu.

Đồng bào Rơ Măm trình diễn cồng chiêng trong các ngày hội của làng.
Đồng bào Rơ Măm trình diễn cồng chiêng trong các ngày hội của làng

Đặc biệt, trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng bào Rơ Măm đã mạnh dạn thay đổi, xóa bỏ hoàn toàn những hủ tục, phong tục không còn phù hợp như: Kiêng cữ cái chết xấu, hôn nhân cận huyết thống, thả rông gia súc; sinh đẻ tại nhà; trả nợ miệng; ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội; cúng ốm đau và khấn cầu thần linh.

Nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Rơ Măm, mới đây, khi đến thăm làng Le của đồng bào Rơ Măm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Rơ Măm. Đồng thời, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Sa Thầy tiếp tục quan tâm và định hướng phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai nhằm giúp đồng bào Rơ Măm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.