Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào Mông ở Cao Minh bảo tồn văn hóa truyền thống

Tuyết Mai-Thúy Hồng - 08:05, 15/08/2021

Xã Cao Minh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) là địa phương có hơn 60% hộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục của đồng bào Mông, chính quyền và người dân nơi đây đang có nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Trang phục truyền thống của dân tộc Mông ở xã Cao Minh
Trang phục truyền thống của dân tộc Mông ở xã Cao Minh

Khơi dậy niềm tự hào

Đến thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định, những ngày đầu tháng 7/2021, thăm gia đình chị Trịnh Thị Đối, đúng lúc chị đang thêu trang phục truyền thống. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, từng mũi kim, đường chỉ tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo rất đẹp mắt…

“Trước đây, tôi cũng không biết cắt may trang phục dân tộc, nhưng khi về làm dâu (năm 2011), tôi được mẹ chồng dạy cách làm trang phục truyền thống để mặc vào các dịp lễ, tết. Tôi rất vui khi tự tay làm được những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình cho các thành viên trong gia đình” chị Đối vui vẻ cho biết.

Dù mới chỉ 10 tuổi, nhưng em Dương Thu Huế đã được bà hướng dẫn cách thêu thùa, làm trang phục. Em Huế kể, hằng ngày, bà thường nói tiếng dân tộc, dạy em thêu thùa trang phục. Ngoài thời gian đi học, lúc rảnh em tự học thêu, may, học cách làm trang phục dân tộc. Em sẽ học để tự tay làm được bộ trang phục truyền thống cho mình.

Được biết thôn Khuổi Làm có 54 hộ, với 220 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Hằng năm, người dân trong thôn thường xuyên được tuyên truyền, khuyến khích tự may thêu trang phục và mặc trang phục dân tộc trong những sự kiện như cưới, hỏi, lễ hội văn hoá diễn ra ở thôn, xã…

Bà Trịnh Thị Khén, thôn Khuổi Làm cho biết: Hiện nay, quần áo được may sẵn bày bán nhiều và đẹp mắt nên thế hệ trẻ không còn muốn làm trang phục truyền thống nữa. Vì vậy, những người già trong thôn như chúng tôi thường truyền dạy cho con cháu biết thêu thùa làm trang phục của dân tộc, để trang phục dân tộc được lưu giữ và bảo tồn.

Không riêng Khuổi Làm, hầu hết người Mông trong xã Cao Minh đều có ý thức bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống. Ngoài việc bảo tồn trang phục truyền thống thì bà con còn lưu giữ những làn điệu dân ca, kỹ năng nấu rượu, làm khèn lá, sáo bốn lỗ; các món ẩm thực như: Rượu men lá, thịt treo gác bếp và những trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, ném pao, múa khèn…

Trang phục truyền thống của dân tộc Mông ở xã Cao Minh
Trang phục truyền thống của dân tộc Mông ở xã Cao Minh

Nỗ lực bảo tồn

Ông Trịnh Thế Truyền, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, tranh thủ phát huy vai trò của Người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc; đưa công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Mông vào nghị quyết Đảng bộ xã; triển khai đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

“Trong năm 2020, UBND xã đã khuyến khích bà con thành lập CLB khôi phục bản sắc và trang phục dân tộc Mông với 20 thành viên. CLB đã huy động nguồn lực xã hội hóa, vận động các hội viên khôi phục nghề làm trang phục truyền thống cũng như truyền dạy các làn điệu dân ca” ông Truyền cho biết.

Bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Tràng Định cho biết: Cao Minh là xã tập trung đông đồng bào Mông sinh sống nhất trên địa bàn huyện. Đây cũng là xã tiêu biểu của huyện trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống; đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các hoạt động văn hoá của người Mông ở Cao Minh.

Tin cùng chuyên mục
Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có một số cuốn sách cổ viết bằng chữ Thái hệ Lai Pao trên lá cây khá độc đáo. Tuy nhiên, những cuốn sách cổ này còn rất ít và số người biết đọc chữ Thái cũng không còn nhiều. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái là điều hết sức cần thiết.