Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng bào Mông ở Cốc Phương làm giàu từ cây dứa

Trọng Bảo - 08:09, 09/04/2024

Đầu những năm 1990, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ các xã cùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con dân tộc thiểu số định canh, định cư, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huyện Mường Khương (Lào Cai) đã động viên các hộ ở xã vùng cao Dìn Chin chuyển về sinh sống tại thôn biên giới Cốc Phương, thuộc xã Bản Lầu huyện Mường Khương. Hôm nay, sau chặng đường định cư ở vùng đất mới, đồng bào Mông không chỉ ổn định về đời sống, kinh tế, mà còn học được cách làm giàu từ trồng cây dứa.

Mỗi năm, ông Dìn thu hàng trăm triệu đồng tiền bán dứa, chuối
Mỗi năm, ông Dìn thu hàng trăm triệu đồng tiền bán dứa, chuối

Thào Dìn là một trong 34 hộ người Mông tiên phong định cư đến vùng đất mới. Ông Dìn nhớ lại: Thời điểm ấy, cái tên Cốc Phương còn xa lạ với ngay cả những người trong huyện, bởi thôn nằm cách xa trung tâm, giao thông cách trở, lại nằm sát biên giới, như cách biệt với bên ngoài. Ngày mới xuống định cư ở Cốc Phương, ông cùng nhiều bà con sang bên kia biên giới làm thuê đổi công lấy gạo nuôi gia đình; công việc làm thuê bên đó là đi bẻ dứa thuê.

“Ngày đi làm, đêm về tôi trăn trở với suy nghĩ người ta chỉ cách mình một con suối, đồi núi của họ cũng chẳng khác đồi núi của mình, thế mà họ làm giàu hết cây dứa sang cây chuối, còn dân bản mình bao năm vẫn nghèo đói phải sang làm thuê… Tôi vừa làm vừa quan sát, học hỏi kỹ thuật trồng dứa nhất là cách pha chế thuốc sinh học để kích thích quả dứa phát triển to đều và đẹp. Khi tin chắc mình cũng sẽ trồng được dứa như họ, tôi dành dụm số tiền công làm thuê để mua dứa giống”, ông Dìn chia sẻ.

Vụ dứa đầu tiên (cuối năm 1994), ông Dìn mua hơn 1 vạn gốc dứa rồi huy động vợ con anh em gùi lên đồi trồng. Khi dứa bén rễ, ông thuê người trong thôn làm cỏ, bón phân theo đúng quy trình đã học được. Hơn 1 năm sau, khi đồi dứa cho quả chín, cả gia đình khấp khởi mừng. Nhưng mùa thu hoạch đến, một trở ngại lại đến bởi lúc đó từ trung tâm xã vào Cốc Phương chỉ có đường mòn, xe tải không thể vào tận đồi để mua. Thế là ông phải thuê người gùi từng gùi dứa nặng đi vài cây số mới bán được. Trừ chi phí đầu tư, tiền công còn lại chẳng lãi được bao nhiêu.

Sau nhiều lần thất bại, ông Dìn đã có những vụ "dứa ngọt"
Sau nhiều lần thất bại, ông Dìn đã có những vụ "dứa ngọt"

Vụ thứ hai, ông dành dụm hết số tiền trong nhà, rồi mượn thêm tiền trồng thêm 1 vạn gốc nữa, nhưng hình như ông trời muốn thử lòng người. Khi vừa thu hoạch 10 tấn dứa thì trời đổ mưa liên tục khiến phần lớn dứa chín bị thối. Vụ ấy, ông Thào Dìn lỗ hơn 10 triệu đồng. Khó khăn một thì Thào Dìn lại cố gắng gấp 5 gấp 10 lần. Năm tiếp theo, ông Dìn bàn với vợ vay thêm tiền ngân hàng mua 3 vạn gốc dứa giống. 

Vụ này, ông Thào Dìn tính toán kỹ thời điểm trồng để dứa chín đúng thời điểm không gặp thời tiết bất lợi. Dứa được mùa lại được giá, nhờ vậy ông vừa trả được hết nợ và có tiền để đầu tư mở rộng diện tích. Sau cây dứa, ông Thào Dìn cũng học hỏi kỹ thuật trồng chuối mô và áp dụng thành công ở dải đất ven suối Cốc Phương, Na Lốc. Giờ đây, gia đình ông Dìn có diện tích trồng chuối, dứa nhiều nhất nhì trong xã, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.

Khởi đầu từ Cốc Phương, giờ tất cả các thôn ở Bản Lầu đều trồng dứa, chuối, trở thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với hơn 1.500 ha, mỗi năm, mang lại nguồn thu cho các hộ dân trên địa bàn hàng chục tỷ đồng. Cốc Phương giờ không còn hộ nghèo, 70% là hộ khá, giàu, trong đó nguồn thu nhập của các hộ phần lớn là nhờ trồng dứa. Đời sống ấm no, giúp bà con yên tâm cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên mốc giới.

Thôn Cốc Phương còn là nơi ghi dấu điểm kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung và trở thành điểm sáng trong thực hiện kết nghĩa thôn bản hai bên biên giới. Từ khi thực hiện kết nghĩa tháng 8/2013, giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá (huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bà con hai bên biên giới luôn gắn kết. Nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy định về biên giới, cùng thỏa thuận giải quyết mọi vấn đề trên tinh thần xây dựng hữu nghị và hợp tác.

Từ cây dứa, chuối đến nay Cốc Phương đã có 70% hộ khá, giàu
Từ trồng cây dứa, chuối đến nay Cốc Phương đã có 70% hộ khá, giàu

Vui mừng hơn khi vùng dứa Cốc Phương nói riêng và Bản Lầu nói chung, hiện nay đã có đầu ra ổn định, khi Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu đặt tại xã Lùng Vai chính thức đi vào hoạt động. Người dân Bản Lầu bây giờ đã có thể làm chủ toàn bộ kỹ thuật từ khâu làm giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Hy vọng về một vùng sản xuất gắn với chế biến đã trở thành hiện thực, nỗi lo được mùa mất giá của nông dân đã được giải quyết. Những dự án, chương trình hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm dứa vẫn đang tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Ước mong của “vua dứa” Thào Dìn và những người từng tâm huyết, kỳ vọng đưa vùng dứa Bản Lầu vươn lên ngang tầm bất cứ một vùng sản xuất chuyên canh rau quả nào trên cả nước sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa…

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.