Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào Tày "giữ hồn quê hương" ở vùng đất mới

T.Nhân - N.Triều - 07:40, 30/03/2023

Điệu hát then với đàn tính là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng ở vùng núi phía Bắc. Khi di cư vào Phú Yên, đồng bào dân tộc Tày xem việc lưu giữ nét văn hóa này chính là "giữ hồn của quê hương" ở vùng đất mới.

Các thành viên CLB hát then xã Ea Ly đang biểu diễn
Các thành viên CLB hát then xã Ea Ly thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa

Những người tâm huyết với hát then

Mặc dù đã định cư ở vùng đất mới, có thể nói là “không ăn nhập” gì với điệu hát then, nhưng trong tâm khảm của đồng bào Tày, tình yêu dành cho Then vẫn luôn bùng cháy. 

Vì cuộc mưu sinh, gia đình bà Lương Thị Hỷ phải di cư từ Cao Bằng vào Phú Yên, nhưng không vì thế mà bà quên hát Then. Đối với bà, việc gìn giữ và lưu truyền hát then như là một cách "giữ hồn quê hương” mình trên vùng đất mới. 

Bà bảo, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cao Bằng, từ nhỏ, bà đã nghe các mẹ, các chị hát then và dần thấm sâu trong tâm hồn mình. Rời quê vào Phú Yên lập nghiệp, hàng chục năm qua, cây đàn tính cùng điệu hát này vẫn theo bà trong những lúc nông nhàn, vào mỗi dịp lễ, Tết. Và rồi tình yêu với hát Then của bà Hỷ đã lan tỏa đến những người con xa quê, gắn kết họ với nhau, để từ đó CLB Hát then xã Ea Ly ra đời vào năm 2014.

Đến nay, CLB đã có 16 thành viên ở độ tuổi từ 40 - 60, sinh hoạt định kỳ vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Vậy là, cứ khi xong việc nhà, việc đồng áng, đặc biệt là vào những dịp lễ tết, các bà, các cô lại cùng nhau hát cho nhau nghe và tập trung ôn luyện các câu ca, điệu nhạc chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội của cộng đồng. Bà Hỷ chia sẻ: Ở Cao Bằng chúng tôi, đá nhiều hơn đất nên cuộc sống cũng rất khó khăn. Thế nhưng nhờ âm thanh đàn tính và lời hát Then vang vọng mà bao nhiêu thế hệ cha ông đã vượt qua nhiều khó khăn để trường tồn và phát triển. Chính vì vậy, khi đi đến vùng đất mới, chúng tôi cũng không quên mang theo món ăn tinh thần này.

Một buổi tập hát của CLB hát then xã Ea Ly
Một buổi tập hát của CLB hát then ở xã Ea Ly

Ông Nguyễn Đình Sao, dân tộc Tày (67 tuổi ), cũng là một người dành tình yêu đặc biệt  cho điệu hát Then và cây đàn tính. Ông Sao tâm sự: Ông sinh ra và lớn lên tại tỉnh Lạng Sơn. Từ nhỏ, ông thường xuyên được nghe những lời hát Then của bà, tiếng đàn tính của mẹ. Cứ như vậy, những câu hát và tiếng đàn theo ông lớn dần và ngấm vào máu thịt. “Tôi vào xã Ea Ly lập nghiệp cũng được 31 năm rồi. Sau khi làm xong công việc, hễ có thời gian rảnh là tôi lại ngân nga những câu then và say cùng âm điệu của cây đàn tính”, ông Sao chia sẻ thêm.

Bà Dương Thị Nga - thành viên CLB hát then xã Ea Ly, cho biết: Khi tham gia CLB, được sự tận tình truyền dạy các kiến thức, kinh nghiệm về hát Then, đàn tính của bà Hỷ và ông Sao, bây giờ bà đã biết luyến láy đúng nhịp. "Ở đây, mọi thành viên như được lời then gắn kết, gần gũi với nhau, giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ quê nhà Lạng Sơn. Biết được việc này nên gia đình, chồng con rất ủng hộ, luôn tạo điều kiện để chúng tôi tham gia sinh hoạt CLB".

Giữ lửa Then trên vùng đất mới

Là một người dành tình yêu lớn cho hát Then, hơn ai hết, ông Sao hiểu rằng, nếu không có người giữ lửa và trao truyền thì sẽ bị mai một. Chính vì thế, ông dành nhiều thời gian  chỉ dạy các học viên trong CLB hát Then. Theo ông Sao, để có thể hát Then đúng điệu cần khá nhiều thời gian và công sức luyện tập. Muốn học hát Then phải thật sự đam mê nó, người học phải mắt thấy, tai nghe, tay sờ, cảm nhận được âm thanh của cây đàn tính thì mới hát được.

Ông Nguyễn Đình Sao đang say sưa bên cây đàn tính
Ông Nguyễn Đình Sao đang say sưa bên cây đàn tính

Cũng như ông Nguyễn Đình Sao, với vai trò là Chủ nhiệm CLB hát then, bà Hỷ càng nỗ lực hướng dẫn kỹ thuật đánh đàn tính, các bài múa then cho các thành viên và những người có mong muốn theo học. 

“Xuất phát từ tình yêu đối với hát Then, đàn tính nên khi tham gia CLB, mọi chi phí trang phục, đi lại, các thành viên đều chủ động thực hiện. Việc tập luyện thường xuyên, với những làn điệu then mang đậm hơi thở cuộc sống đã tạo sân chơi tinh thần cho người dân trong thôn, xóm. Vậy nên cứ đúng giờ tập, không chỉ thành viên CLB mà người dân, trẻ em trong thôn cũng đến tham gia, thưởng thức. Chúng tôi rất vui vì qua gần 10 năm duy trì và phát triển, nhiều thế hệ người dân tộc Tày, Nùng đã lưu truyền, gìn giữ hát then, đàn tính”, bà Lương Thị Hỷ tâm sự.

Ông Phan Ngọc Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh cho hay: Giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ được du nhập mạnh mẽ, những việc làm của bà Lương Thị Hỷ, ông Nguyễn Đình Sao đang góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, nhất là việc lưu giữ những làn điệu hát Then với cây đàn tính trên quê mới. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền và cùng chung tay với xã Ea Ly duy trì, nhân rộng, để hát hhen, đàn tính đến được với nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.