Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tự hào truyền thống

Đồng bào vùng thượng du Thanh Hóa khắc ghi lời dặn của Bác Hồ

Quỳnh Trâm - 15:30, 02/03/2022

Cách đây đã 75 năm ( ngày 20/2/1947), Bác Hồ viết thư gửi đồng bào vùng thượng du Thanh Hóa. 75 năm trôi qua, đồng bào các DTTS Thanh Hóa luôn nhớ những lời căn dặn yêu thương của Người, phấn đấu phát triển kinh tế, xã hội, làm giàu cho quê hương để xứng đáng với niềm tin và lời căn dặn của Bác.

Đường vào bản làng vùng núi xứ Thanh xanh, sạch đẹp
Đường vào bản làng vùng núi xứ Thanh xanh, sạch đẹp

Kiên cường trong thời chiến

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm đặc biệt. Bác đã 4 lần về thăm Thanh Hóa. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cam go, mặc dù việc chỉ đạo kháng chiến vô cùng bộn bề, nhưng ngày 20/2/1947, Bác vẫn quyết định về thăm Thanh Hóa.

Sau ngày đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dự định lên thăm đồng bào vùng thượng du, nhưng Bác có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Bởi vậy, Bác đã viết thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa.

Trong thư Bác viết: “Cùng đồng bào yêu quý! Tôi đến thăm Thanh Hóa, tôi định lên thăm đồng bào, nhưng có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Tôi lấy làm tiếc. Lần sau có dịp tôi sẽ lên thăm các đồng bào. Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc...”.

Bức thư ngắn gọn nhưng chứa đựng tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào thượng du Thanh Hóa. Đó là một nguồn động lực to lớn để đồng bào vùng thượng du đoàn kết, đồng lòng cùng với cả nước góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh chống giặc cứu nước ở thời chiến và hăng say dựng xây đất nước ở thời bình.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Theo đó, trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đồng bào đã phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, phối hợp với bộ đội, dân quân du kích tiêu diệt nhiều đồn bốt của giặc, tích cực tham gia tiếp lương, tải đạn, chi viện cho tiền tuyến. 

Sự đóng góp của những con em đồng bào các DTTS xứ Thanh, đã góp phần cùng với đồng bào cả nước làm nên “chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với Nhân dân trong tỉnh, đồng bào vùng thượng du Thanh Hóa đã anh dũng, kiên cường, là hậu phương vững chắc đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam.

Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lập lại đã hơn 40 năm. Khắc ghi lời Bác dạy, đồng bào vùng thượng du Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, đóng góp cho sự nghiệp kiến thiết, xây dựng đất nước. Đến nay, nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất được tiến hành thường xuyên, mang lại hiệu quả lớn lao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo ở các huyện miền núi.

Đến nay khu vực miền núi Thanh Hóa có 809 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 149 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu
Đến nay khu vực miền núi Thanh Hóa có 809 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 149 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

Nỗ lực trong thời bình

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tại các huyện miền núi Thanh Hóa, đã trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong đời sống xã hội, với nhiều phong trào thi đua liên tục, sôi nổi, thiết thực, lan tỏa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực…

Điển hình như huyện miền núi Quan Sơn, sau 5 năm “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu có thành tích xuất sắc ở các lĩnh vực.

Nổi bật là, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được người dân nhiệt tình hưởng ứng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực hiện có hiệu quả, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu như mô hình trồng rau an toàn ở xã Trung Hạ; mô hình nuôi và bảo tồn giống vịt địa phương ở các xã Sơn Hà, Trung Xuân; mô hình trồng cây sa nhân ở xã Sơn Điện; mô hình trồng cây đinh lăng ở xã Sơn Thủy.

Đến nay, huyện đã có 55 bản được công nhận NTM, 7 bản đạt NTM kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn NTM. Kết quả rà soát năm 2021, số hộ nghèo toàn huyện là 3.693 chiếm tỷ lệ 40,04%,hộ cận nghèo 2.653 chiếm tỷ lệ 28,76%.

Tại huyện vùng cao biên giới Mường Lát, từ phong trào Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã xuất hiện nhiều cá nhân tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong đồng bào DTTS. Như ông Lâu Văn Chá, Trưởng ban Công tác mặt trận, Người có uy tín bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát). Với ông Chá, chưa bao giờ được gặp Bác, nhưng những lời căn dặn của Người trong thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa mà nhiều năm ông được nghe, được học tập, luôn là “ngọn đuốc” soi đường. 

“Pù Toong có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Bác Hồ, chúng tôi luôn một lòng tin yêu theo ánh sáng soi đường của Đảng và những lời căn dặn mến yêu của Người, để bản làng ngày một giàu đẹp, văn minh hơn nữa”, ông Chá chia sẻ.

Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng nỗ lực của những người như ông Chá và rất nhiều dân bản, đến nay Pù Toong là bản người Mông đầu tiên của huyện về đích NTM, đời sống người dân được nâng cao mọi mặt.

Tính đến tháng 1/2022, toàn khu vực miền núi Thanh Hóa có 809 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 149 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Diện mạo quê hương các địa phương đổi thay từng ngày, kinh tế phát triển, đời sống không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là minh chứng về sự đoàn kết nỗ lực của đồng bào vùng thượng du Thanh Hóa, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Tin cùng chuyên mục
Ký ức hào hùng về "những ngày không quên"

Ký ức hào hùng về "những ngày không quên"

70 năm trôi qua nhưng những ký ức về “một thời hoa lửa” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí các cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây chính là niềm tự hào, để giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục cống hiến.