Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đồng hành cùng đồng bào các dân tộc: Viết cho bạn đọc, viết vì bạn đọc (Bài 1)

Hiếu Anh - Hữu Trung - 09:23, 14/10/2020

Trải qua 18 năm đồng hành cùng đồng bào DTTS, từ số báo đầu tiên xuất bản 1 kỳ/tuần, 8 trang/kỳ, đến nay, Báo Dân tộc và Phát triển đã tăng lên 4 kỳ/tuần, với số lượng trên 30.000 tờ/kỳ. Với phương châm “Viết cho bạn đọc, viết vì bạn đọc”, Báo Dân tộc và Phát triển đã đến tay bạn đọc là đồng bào DTTS ở những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất trên mọi miền Tổ quốc, được các thế hệ bạn đọc gắn bó, nâng niu.

Đọc Báo Dân tộc và Phát triển là một cách để Người có uy tín tiếp nhận thêm nhiều kinh nghiệm hay, cách làm mới để tuyên truyền vận động bà con phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo
Đọc Báo Dân tộc và Phát triển là một cách để Người có uy tín tiếp nhận thêm nhiều kinh nghiệm hay, cách làm mới để tuyên truyền vận động bà con phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo

LTS: Ngày 27/10/2002, số báo đầu tiên của Báo Dân tộc và Phát triển - Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc (UBDT), diễn đàn của đồng bào các dân tộc Việt Nam đã đến tay bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước: Đây là một sự kiện rất đáng nhớ, lần đầu tiên có tờ báo mang tầm vóc quốc gia dành riêng cho đối tượng bạn đọc là đồng bào DTTS, miền núi. Kỷ niệm 18 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (27/10/2002 - 27/10/2020), Báo Dân tộc và Phát triển khởi đăng loạt bài “Đồng hành cùng đồng bào các dân tộc” như một lời khẳng định của Báo: Phụng sự bạn đọc là sứ mệnh thiêng liêng!.

Nói tiếng nói của đồng bào

Đồng bào DTTS đa phần sinh sống ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến với đồng bào đã khó, viết về đồng bào, viết cho đồng bào còn khó khăn hơn. Không quản ngại khó khăn, “dấn thân” vào vất vả thậm chí là gian nan nguy hiểm, 18 năm qua, những người làm báo của Báo Dân tộc và Phát triển đã có mặt ở khắp các địa phương, khắp các bản làng xa xôi, khó khăn trên mọi miền đất nước, kịp thời phản ánh “hơi thở” cuộc sống, những tâm tư của đồng bào qua những bài viết, hình ảnh sinh động và chân thực. 

Từ số báo đầu tiên xuất bản 1 kỳ/tuần, 8 trang/kỳ, đến nay, Báo Dân tộc và Phát triển đã tăng lên 4 kỳ/tuần, với số lượng trên 30.000 tờ/kỳ. Với những chuyên mục đã trở nên thân thuộc như: Vấn đề sự kiện, Công tác dân tộc, Chính sách dân tộc… Báo đã kịp thời chuyển tải đến bạn đọc những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, vùng DTTS và miền núi một cách đầy đủ nhất.

Để thể hiện tình cảm với đồng bào, đội ngũ người làm báo Dân tộc và Phát triển luôn hướng tới sự thay đổi, nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức để đưa các bài báo như là cẩm nang về thông tin đối với đồng bào, từ hướng dẫn, phổ biến khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm trong lao động sản xuất (qua các chuyên trang Kinh tế, Nghề nghiệp - Việc làm, Khoa học - Kỹ thuật), giới thiệu những gương người tốt, việc hay trong xã hội (chuyên trang Người tốt - Việc hay). Báo cũng là “cầu nối” trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào thông qua trang Pháp luật, Bạn đọc, Diễn đàn bạn đọc.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, với các chuyên trang Phóng sự xã hội, Văn hóa, Bản sắc dân tộc… Báo đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn, quảng bá, phát huy bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo của cộng đồng các DTTS Việt Nam.

Đặc biệt, Báo Dân tộc và Phát triển đã là người bạn thân thiết, không thể thiếu của đội ngũ những Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Báo đã trở thành một trong những “công cụ” không thể thiếu đối với những Người có uy tín trong công tác tuyên truyền tại địa phương, từ làm kinh tế, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, xóa bỏ hủ tục, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… 

Từ khi Đảng, Nhà nước phát động phong trào xây dựng Nông thôn mới, báo Dân tộc và Phát triển cũng trở thành một kênh thông tin quan trọng tuyên truyền cho sự nghiệp xây dựng Nông thôn mới trong cả nước nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. 

18 năm qua, với sự “dấn thân”, vượt lên khó khăn, bằng chính sự cảm thông, sự đồng điệu với “tiếng nói của đồng bào”, những người làm báo Dân tộc và Phát triển đã giành được sự tin yêu, trân trọng của đồng bào và đã được bù đắp bằng sự ghi nhận, tri ân của bạn đọc thông qua những lá thư đầy ắp nghĩa tình. 

Động lực từ những lá thư 

Trong suốt hành trình 18 năm qua, Báo Dân tộc và Phát triển luôn trung thành với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đồng bào DTTS và miền núi. 18 năm, hàng nghìn bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc đã tìm đến Báo Dân tộc và Phát triển để nói lên tiếng nói của mình và cũng qua Báo để tìm lẽ phải, quyền lợi hợp pháp và sự công bằng. Qua đó, nhiều sự việc bức xúc trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được tháo gỡ. 

Tiêu biểu như cuối năm 2019, Báo Dân tộc và Phát triển nhận được đơn thư kêu cứu của bà Ma Thị Bắc, dân tộc Tày, thôn Thôm Bưa, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về việc đất của gia đình bà đang tranh chấp với ông Quan Văn Nhung chưa giải quyết xong, nhưng chính quyền đã cấp sổ đỏ cho ông Nhung. 

Sau khi nhận được đơn thư của gia đình bà Bắc, Báo đã vào cuộc, cử phóng viên tìm hiểu và phản ánh sự việc lên Báo. Không lâu sau khi báo đăng bài, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc và sự việc đã được xử lý thấu đáo, dứt điểm.

Sau sự việc, bà Bắc đã gửi 1 lá thư rất cảm động đến Báo. Trong thư bà Bắc viết: “Tôi viết lá thư này xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc từ đáy lòng mình về việc Báo đã giúp gia đình tôi tìm lại được công lý sau 10 năm đội đơn đi tìm”. 

 Gần đây (ngày 16/8/2020) Báo Dân tộc và Phát triển nhận được thư cảm ơn của bà giáo Đặng Thị Huyên, sinh năm 1942, ở xóm Thông 2, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Gia đình bà Huyên là gia đình có công với cách mạng. Bản thân bà được nhận huy hiệu 50 tuổi đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Nội dung bức thư viết, mảnh đất gia đình bà đang ở được Nhà nước thu hồi năm 2010, nhưng sau không thu hồi nữa do dự án không lấy đến. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn không giao dịch được mảnh đất này, do vướng thủ tục pháp lý. Sau khi Báo về tìm hiểu, xác minh đã giúp gia đình bà giải quyết được vướng mắc. 

Trong thư cảm ơn gửi tới Báo, bà Huyên xúc động viết:“Nay tôi viết thư này gửi lời cảm ơn lãnh đạo Báo Dân tộc và Phát triển đã quan tâm tới hoàn cảnh của gia đình nhà tôi vì yêu dân mà làm việc công tâm. Kính chúc Tòa soạn Báo luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, công tâm và giúp được nhiều công dân như chúng tôi lấy lại niềm tin từ Đảng và Nhà nước”. 

Bà Ma Thị Bắc và bà Đặng Thị Huyên chỉ là 2 trong số hàng nghìn bạn đọc đã gửi thư về Báo Dân tộc và Phát triển trong 18 năm qua, những bức thư bày tỏ tình cảm, sự yêu quý của đồng bào DTTS cả nước dành cho Báo Dân tộc và Phát triển, động viên những người làm báo Dân tộc. Những bức thư ấy chính là động lực để Báo Dân tộc và Phát triển và những người làm báo Dân tộc tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ tốt hơn bạn đọc cả nước nói chung, bạn đọc vùng DTTS và miền núi nói riêng.

Tin cùng chuyên mục
Cẩn trọng khi tham gia hội, nhóm trên mạng xã hội

Cẩn trọng khi tham gia hội, nhóm trên mạng xã hội

Mạng xã hội chưa bao giờ phát triển như hiện nay, cả về mức độ phổ biến và những tính năng kỹ thuật. Từ nhiều năm qua, nhiều hội, nhóm công khai có, kín có được thành lập trên mạng, thu hút rất nhiều thành viên (có những nhóm tới hàng trăm ngàn hội viên) lan truyền những nội dung phản cảm tiêu cực, kích động, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.