Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Đồng Hỷ (Thái Nguyên) quan tâm thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo

Thảo Khánh - 3 giờ trước

Thời gian qua, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) luôn quan tâm thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc triển khai đồng bộ các chính sách. Nhờ đó, đời sống của người nghèo được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm.

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thăm thăm mô hình HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thăm thăm mô hình HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có 1.341 hộ nghèo (chiếm 5,5%) và 1.084 hộ cận nghèo (chiếm 4,45%), tập trung ở vùng núi, vùng đồng bào DTTS. Năm 2024, Đồng Hỷ phấn đấu giảm 387 hộ nghèo và giảm 130 hộ cận nghèo. 

Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tập trung vào những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Theo đó, Huyện tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); huy động nguồn lực từ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ người nghèo. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi đối với người nghèo; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn.

Ghi nhận tại xã Văn Lăng, xã vùng cao khó khăn của huyện Đồng Hỷ, với tỷ lệ đồng bào DTTS rất nhiều. Trước đây, các mô hình kinh tế tập thể ở đây chưa được phát triển một cách bài bản. Từ khi Hợp tác xã (HTX) Bò Mông số 11 được thành lập vào năm 2019, đến nay HTX đã tận dụng nguồn đất đai của gia đình để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, kết hợp trồng cây, trồng cỏ và chăn nuôi bò.

Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX Bò Mông số 11, chia sẻ: HTX Bò Mông số 11 được thành lập từ năm 2019 với 8 thành viên. Trước đây, HTX chủ yếu chăn nuôi bò kết hợp với trồng chè. Từ năm 2022, HTX mở rộng thêm một số ngành nghề chăn nuôi, như: Nuôi gà thả đổi, chim cút, lợn rừng và trùn quế.

Được sự hỗ trợ của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, thông qua Tập đoàn VinGroup hỗ trợ cho vay con giống, với mục đích liên kết giữa HTX với các hộ nghèo, để tạo cơ hội việc làm cho các hộ tham gia. Bước đầu mô hình đã tạo việc làm và thu nhập cho một số bà con nghèo.

Là một trong những thành viên của HTX Bò Mông số 11, bà Trần Thị Thái phấn khởi, cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi bò và nuôi trâ,u nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2019 khi HTX bò Mông số 11 được thành lập, gia đình tôi đã tham gia HTX, với công việc trồng cỏ cung ứng cho HTX và chăm sóc đàn bò.

Cơ sở sản xuất tăm hương của gia đình ông Triệu Tiến Học, dân tộc Dao, ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm thường xuyên cho lao động tại địa phương.
Cơ sở sản xuất tăm hương của gia đình ông Triệu Tiến Học, dân tộc Dao, ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm thường xuyên cho lao động tại địa phương.

Hiện gia đình tôi vẫn đang cung cấp cỏ voi bán cho HTX với giá 8.000 đồng/kg. Theo bà Thái, kể từ khi tham gia HTX, điều kiện kinh tế của gia đình bà được nâng lên rõ rệt vì có thêm nguồn thu nhập ổn định. "Nếu làm đủ ngày công, trung bình mỗi tháng tôi thu nhập 6 triệu đồng". Bà Thái, chia sẻ.

Còn đối với xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, địa phương có trên 1.800 hộ, hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó có gần 70% là đồng bào dân tộc Dao, Hợp Tiến là xã khu vực I của huyện Đồng Hỷ. Hàng năm, huyện dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, để thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững. Năm 2024, xã Hợp Tiến xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chung trên địa bàn xã từ 26,05%, xuống còn dưới 13%.

Một trong những nhiệm vụ cụ thể được xã triển khai đó là thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, cải thiện điều kiện đời sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, đảm bảo 100% người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội khi có kế hoạch và nhu cầu sử dụng vốn phù hợp.

Ông Lê Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời gian qua, địa phương đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh; đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn... Xã đã giao nhiệm vụ cho từng bộ phận chuyên môn và các tổ chức chính trị, xã hội đảm nhiệm việc hỗ trợ, quản lý nguồn đầu tư, nhận ủy thác của các ngân hàng, để bảo đảm sử dụng và thụ hưởng các nguồn đầu tư hiệu quả.

Từ năm 2023 đến nay, xã đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, mở trên 4km đường bê tông liên xóm, kết nối giao thương với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Giao thông mở đến các cụm dân cư tạo đà phát triển trồng rừng sản xuất, kinh tế gia trại…

Hiện nay, trong xã đã hình thành trên 30 mô hình kinh tế gia trại tổng hợp vườn rừng, chăn nuôi. Các tổ chức hội, đoàn thể của xã, như: Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Nông dân đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp cho các hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS vay vốn trên 110 tỷ đồng, tăng trên 30 tỷ đồng so với đầu năm 2023.

Ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, khẳng định:Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện thời gian qua, đã được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, được triển khai thực hiện trên địa bàn khá đồng bộ và hiệu quả. Hộ nghèo, cận nghèo được hưởng đầy đủ các chính sách giảm nghèo. Các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo như nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập... đã được giải quyết kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Bác Ái (Ninh Thuận): Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Bác Ái (Ninh Thuận): Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Với đặc thù là huyện miền núi có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, do đó những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bác Ái rất chú trọng thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) để nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.