Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nông dân xứ Thanh khẳng định tư duy, sáng tạo trong lao động sản xuất

Quỳnh Trâm - 11:10, 11/10/2024

5 năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Thanh Hóa đang tiếp tục phát triển mạnh và lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, qua đó làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và tư duy, khơi dậy tính chủ động sáng tạo của nông dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững.

Gương sáng lao động sản xuất giỏi

Thông qua phong trào ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, có mức thu nhập cao. Hằng năm, có gần 400 ngàn hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt hộ SXKD các cấp và có trên 200 ngàn hộ đạt SXKD giỏi các cấp. Năm 2022 có 368.432 hộ nông dân đăng ký đạt hộ SXKD giỏi các cấp, theo đó đã có 229.289 hộ đạt SXKD giỏi các cấp (đạt 62%) vượt chỉ tiêu nghị quyết ĐH. 

Từ phong trào, nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động, hình thành các chuỗi liên kết hợp tác trong SXKD và tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân huyện Cẩm Thủy thành công với mô hình trồng dứa
Nông dân huyện Cẩm Thủy thành công với mô hình trồng dứa

Một trong những gương mặt nông dân tiêu biểu, đó là anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1976), dân tộc Mường, sống tại thôn Xịa, xã Điền Trung, huyện Bá Thước. Anh Mạnh nổi tiếng với mô hình chăn nuôi gà và lợn, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương. 

Với tổng thu nhập sau chi phí hằng năm đạt 400 triệu đồng, anh Mạnh không chỉ khẳng định khả năng của mình trong lĩnh vực SXKD, mà còn tích cực đóng góp cho cộng đồng. Mỗi năm, trung bình gia đình anh ủng hộ các cuộc vận động của Nhà nước và địa phương trên 5 triệu đồng, đồng thời giúp đỡ hai gia đình hội viên khác vươn lên thoát nghèo.

Anh Mạnh cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là chìa khóa giúp nông nghiệp phát triển và người dân địa phương cải thiện đời sống kinh tế. "Nếu không ứng dụng khoa học kỹ thuật, mình sẽ mãi chỉ dừng lại ở mức sản xuất nhỏ lẻ. Mình đã tham gia nhiều khóa học về chăn nuôi và thường xuyên trao đổi với các chuyên gia để cập nhật kiến thức mới. Chính nhờ vậy, sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm của trang trại ngày càng được cải thiện, mang lại thu nhập ổn định và bền vững".

Cũng là một trong số nông dân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bá Thước, đó là anh Lục Văn Nam (SN 1986), dân tộc Mường, sống tại thôn Khuyn, xã Cổ Lũng. Mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp và kinh doanh dịch vụ của anh Nam đã thu hút sự chú ý của cộng đồng về cách ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. 

Anh Nam hiện sở hữu tài sản có giá trị lên đến 630 triệu đồng, trong đó lợi nhuận hằng năm đạt gần 250 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Điều ghi nhận nhất ở anh Nam, là sự tận tâm chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức sản xuất cho người dân trong vùng. Cụ thể, anh đã trực tiếp hướng dẫn 15 hộ dân khác làm kinh tế; giúp 3 lao động có việc làm và hỗ trợ 3 hộ nghèo thoát cảnh thiếu thốn do kiến thức kỹ thuật. Những thành tựu của anh Nam không chỉ là sự khẳng định của một nông dân SXKD giỏi, mà còn là minh chứng cho tinh thần cộng đồng, sự sẻ chia và khát khao giúp đỡ người khác.

Nhiều nông dân Bá Thước thi đua kinh doanh sản xuất giỏi được tuyên dương
Nhiều nông dân huyện Bá Thước thi đua kinh doanh sản xuất giỏi được tuyên dương

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó

Câu chuyện của ông Triệu Phúc Hiến, dân tộc Dao (SN 1964), ở tại thôn Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy cũng tạo nguồn cảm hứng, khích lệ cho hàng nghìn nông dân xứ Thanh ở địa phương học hỏi. Sự thành công của ông Hiến không chỉ đến từ sự chăm chỉ mà còn nhờ việc mạnh dạn đầu tư vào các mô hình kinh tế mới.

Hiện nay, ông Hiến sở hữu một mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn, với hơn 90ha đất lâm nghiệp trồng keo giấy và 2000m² chuồng trại chăn nuôi dê. Ông đã tạo công ăn việc làm cho 7-10 lao động thời vụ và 5 lao động thường xuyên, trong đó có 1 lao động thuộc hộ nghèo.

Chính nhờ sự giúp đỡ này mà các lao động nghèo đã có thu nhập ổn định, mỗi người nhận được mức lương 5.5 triệu đồng/tháng. Với tổng thu nhập hằng năm đạt hơn 525 triệu đồng, trong đó 400 triệu đồng từ trồng keo và 125 triệu đồng từ chăn nuôi dê.

“Ban đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn và kỹ thuật trồng rừng, nhưng tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực hết mình, không để khó khăn cản trở”, ông Hiến chia sẻ. Theo ông, trồng keo giấy và nuôi dê đều cần sự đầu tư lớn về thời gian và công sức. Tuy nhiên, trồng keo không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn cho nguồn thu nhập ổn định. Còn việc chăn nuôi dê giúp gia đinh tận dụng diện tích đất và thời gian rảnh rỗi. 

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" đã giúp khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của nông dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế hiệu quả, những nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, là minh chứng cho sự thành công của phong trào. Đó là thành quả của một quá trình lao động bền bỉ, sự đổi mới trong tư duy và khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Được biết, Hội nghị “Biểu dương nông dân tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” do Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức sắp được diễn ra. Hội nghị nhằm tôn vinh những cá nhân xuất sắc, động viên, khích lệ nông dân tiếp tục vươn lên, thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Và những gương mặt tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Mạnh, anh Lục Văn Nam, hay ông Triệu Phúc Hiến đã cho thấy, người nông dân chỉ cần có tinh thần yêu lao động; chủ động thay đổi bản thân, chịu khó tư duy học hỏi... sẽ là chìa khóa mở ra sự đổi thay và phát triển cho bản thân, gia đình và bản làng.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, 2024

Nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, 2024

Nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV - năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa như thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách người DTTS, tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi.... Chuỗi hoạt động không chỉ tôn vinh những đóng góp của đồng bào, mà còn thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm xây dựng vùng đồng bào DTTS phát triển mạnh mẽ và bền vững.