Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Đồng Văn, trong năm 2024, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (TB&XH) huyện thường xuyên tuyên truyền giới thiệu việc làm, giới thiệu các công ty có nhu cầu tuyển dụng đến người lao động trên địa bàn. Theo đó, Phòng Lao động TB&XH huyện đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Hà Giang tổ chức 16 Hội nghị trên địa bàn với 667 lao động tham gia; Phối hợp với Trường cao đẳng Than - Khoáng Sản Việt Nam tổ chức 24 Hội nghị tư vấn việc làm tại 19 xã, thị trấn với tổng số 1.080 người tham gia; Chủ động tổ chức tổ chức 11 Hội nghị tư vấn hướng nghiệp với sự tham gia của 319 người.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, huyện Đồng Văn đã giải quyết việc làm cho 7.560 lao động, trong đó giải quyết việc làm mới cho 3.862 lao động, nhất là người lao động thuộc đồng bào DTTS, đạt 101,6% kế hoạch được giao.
Để đạt được kết quả trên, công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người lao động được các cấp, các ngành của huyện Đồng Văn đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Chiểu, Trưởng Phòng Lao động TB&XH huyện thông tin: Trong quá trình thực hiện Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động TB&XH huyện Đồng Văn đã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX mở 31 lớp đào tạo nghề với 1.077 học viên; Phòng Lao động - TB&XH cũng triển khai đặt hàng 40 lớp đào tạo nghề với 1.391 học viên.
Tới nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn toàn huyện là 51,36% đạt 108,13% kế hoạch UBND huyện giao. Hiệu quả sau đào tạo 80% học viên được giải quyết việc làm sau đào tạo, tự tạo việc làm tại nhà nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trở thành công nhân của Công ty Than Khe Chàm thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sau Hội nghị tư vấn việc làm do huyện Đồng Văn tổ chức, anh Mua Mí Lình (thôn Mỏ Xí, xã Lũng Thầu) chia sẻ: Sau khi tham gia Hội nghị tư vấn việc làm tôi được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ chỗ ở và các chế độ phúc lợi cho công nhân ở xa. Với công việc hiện tại, mức thu nhập hàng tháng của tôi trên 30 triệu đồng, đây cũng là mức thu nhập cao hơn nhiều so với những công việc khác mà tôi đã từng làm. Nhờ có việc làm và mức thu nhập ổn định đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho bản thân tôi và gia đình.
Được trang bị kiến thức từ lớp học nghề nấu ăn, do Phòng Lao động TB&XH huyện Đồng Văn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) tổ chức, sau 2 tháng tốt nghiệp khóa học, chị Ly Mí Say (thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là) đã trở thành đầu bếp của một nhà hàng trên địa bàn.
Nói về sự thay đổi trong cuộc sống từ khi có việc làm ổn định, chị Say cho biết: Tại lớp học nghề tôi đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản như: Cắt tỉa, trang trí, chế biến nhiều món ăn. Nhận thấy du lịch vốn là thế mạnh của địa phương nên sau khi tốt nghiệp lớp học nấu ăn, tôi và gia đình đã mở một hàng ăn phục vụ du khách. Điều này vừa tạo công ăn việc làm cho cá nhân tôi mà còn được thực hành đúng lĩnh vực chuyên môn mà mình đã được đào tạo.
Việc thực hiện hiệu quả, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình cuối năm 2024, trên địa bàn huyện Đồng Văn đã có những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, trên địa bàn toàn huyện có 7.098 hộ nghèo, với hơn 37 ngàn nhân khẩu, chiếm 41,27%; giảm 1.684 hộ (10,14%) so với năm 2023; 2.200 hộ cận nghèo, với 11 ngàn 600 nhân khẩu, chiếm 12,79%; giảm 221 hộ (1,38%) so với năm 2023. Hộ không nghèo là 7.900 hộ, với hơn 39 ngàn nhân khẩu chiếm 45,94%.Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều đạt 1.905 hộ đạt 11,53%.
Thời gian tới, huyện Đồng Văn sẽ tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động, nhất là người lao động là đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo; chú trọng thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ít đất sản xuất.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động tham gia thị trường lao động; đổi mới công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.