Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11 năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 220 ngàn tấn cao su, trị giá 424,3 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,8 triệu tấn cao su, trị giá 2,95 tỷ USD (giảm 6% về lượng nhưng tăng 17,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).
Mặc dù sản lượng giảm nhưng trị giá tăng cao là nhờ giá cao su xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 đạt 1.675 USD/tấn (tăng 24,6%, tương đương tăng 412 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023).
Về thị trường, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 với thị phần chiếm 67,6%, tiếp theo là Ấn Độ chiếm 7,7% thị phần, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) chiếm 6% thị phần và Hàn Quốc chiếm 2,5% thị phần. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cao su tăng ở tất cả các thị trường, trong đó mạnh nhất là Malaysia tăng 5 lần và Srilanca tăng 3,7 lần.
Trong năm 2024, ngành cao su đã gặp phải thách thức lớn bởi quy định không phá rừng của EU. Theo đó, EU yêu cầu các sản phẩm cao su nhập khẩu vào thị trường này phải chứng minh rõ nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Nhưng với việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm đã giúp ngành xuất khẩu cao su tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), kim ngạch xuất khẩu cao su của nước ta trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt 3-3,2 tỷ USD, cao hơn khoảng 100-300 triệu USD so với năm 2023.
Bên cạnh đó, năm 2025 dự kiến sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ hơn của ngành cao su Việt Nam. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt trên 11 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, khai thác tối đa giá trị bền vững từ nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường và tái chế.