Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Đưa di sản Nón lá vào trường học qua giáo dục STEAM

Minh Nhật - 16:23, 28/02/2024

Giáo dục STEAM và STEM là chương trình giáo dục hiện đại, phổ biến tại nhiều nước phát triển. Tại Việt Nam, phương pháp giáo dục này đã được ứng dụng trong chương trình giảng dạy của nhiều trường học, giúp học sinh được trải nghiệm môi trường sáng tạo, phát triển tư duy và ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.

Đưa di sản Nón lá vào trường học qua giáo dục STEAM
Nghệ nhân Triệu Thị Nhường dạy học sinh Gia Thanh làm nón lá

Nhiều sáng kiến hay tại các trường học vùng đồng bào DTTS đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các em cởi mở chia sẻ quan điểm, góc nhìn của bản thân không chỉ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học mà còn cả văn hóa truyền thống và lịch sử của dân tộc, điển hình như sáng kiến đưa nón lá Việt Nam vào trường học của Trường THCS Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Nghề làm nón lá ở xã Gia Thanh thuộc huyện miền núi Phù Ninh, Phú Thọ đã có truyền thống gần 100 năm, tạo việc làm cho người dân trong xã. Ít ai ngờ, chiếc nón lá giản dị ấy còn mang lại giải thưởng trị giá 1.000 USD cho cô trò Trường THCS Gia Thanh (Phù Ninh) khi là 1 trong 6 trường học trên thế giới được UNESCO vinh danh. Sáng kiến đưa nón lá vào trường học thông qua giáo dục STEM không chỉ giúp bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống làng nghề, mà còn góp phần đưa hình ảnh nón lá Việt Nam ra thế giới.

Cô giáo Trần Thị Minh Tâm dạy môn Ngữ văn, kiêm phụ trách Câu lạc bộ STEM nón lá của trường THCS Gia Thanh chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ nhà trường giao, bản thân tôi phấn khởi vì được nhà trường tin tưởng giao trọng trách nhưng cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được sự hướng dẫn, chỉ đạo của ban giám hiệu, cùng với đồng nghiệp và tổ chuyên môn, chúng tôi nghiên cứu, tìm tòi và mọi việc được triển khai khá thuận lợi. 

STEM không chỉ tạo hứng thú cho học sinh mà ngay cả giáo viên cũng được thúc đẩy sự sáng tạo. Bài giảng STEM nón lá tập trung vào thay đổi nhận thức việc sử dụng nón và phát triển làng nghề. Về góc độ giáo viên, việc đưa những thứ gần gũi, quen thuộc, thiết thực vào bài giảng vừa tiết kiệm, mở ra những hướng đi mới trong giảng dạy vừa hướng nghiệp cho người học. Học sinh rất hào hứng, say mê với các bài học. Các em được truyền cảm hứng và có thêm các ý tưởng để phát huy, bảo tồn những giá trị di sản của địa phương, tính tương tác thầy cô với học sinh khá nhịp nhàng, hiệu quả.

Đưa di sản Nón lá vào trường học qua giáo dục STEAM 1
Cô Trần Thị Minh Tâm và các em Câu lạc bộ STEM nón lá của trường. Sáng kiến nón lá Việt Nam của Trường THCS Gia Thanh, huyện Phù Ninh nhận giải thưởng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của UNESCO.

Với việc vận dụng STEM nón lá vào giảng dạy, các tiết học trở nên hấp dẫn, sinh động hơn. Học sinh được tìm hiểu quy trình sản xuất nón lá, các thông số đặc trưng của nón lá Việt Nam; tìm hiểu về loại lá cây truyền thống dùng để làm nón, khám phá các phản ứng hóa học khi xử lý lá cây làm nón... Ngoài ra, việc khuyến khích học sinh thảo luận về ý nghĩa văn hóa, xã hội, thời trang và nguyên liệu xanh của chiếc nón lá giúp học sinh mở rộng kiến thức, cởi mở chia sẻ quan điểm, góc nhìn của bản thân.

Đối với môn Toán, thông qua hoạt động thiết kế và thực hành, học sinh áp dụng kiến thức toán học để tính toán kích thước, tỷ lệ, diện tích liên quan đến nón lá, sử dụng nón lá để rút ra kiến thức liên quan đến việc vẽ hình, tưởng tượng, tư duy khám phá hình học và phương pháp tính toán trong toán học.

Với môn Mỹ thuật, học sinh thực hành vẽ phong cảnh làng quê trang trí nón, từ đó hình thành cho các em tình yêu quê hương, đất nước. Ở môn Hoạt động giáo dục địa phương, môn Ngữ văn, Lịch sử, các em được tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc của nón lá ở các làng quê Việt Nam, được tiếp cận ca dao, dân ca, các bài thơ, bài hát có hình ảnh nón lá... Qua đó, thấy được vai trò, ý nghĩa, nguồn gốc và vì sao cần gìn giữ giá trị sản phẩm làng nghề.

Đưa di sản Nón lá vào trường học qua giáo dục STEAM 2
Hình ảnh chiếc nón lá được đưa vào bài học tại Trường THCS Gia Thanh

Sáng kiến nón lá Việt Nam của Trường THCS Gia Thanh, huyện Phù Ninh nhận giải thưởng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Trường THCS Gia Thanh đã đưa chiếc nón vào bài giảng môn Toán, môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội lớp 6, lớp 7, môn Ngữ văn, Lịch sử, môn Công nghệ, môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). 

Trường THCS Gia Thanh cũng là 1 trong 6 trường học trên thế giới nhận được tài trợ 1.000 USD để thí điểm các bài học sử dụng di sản sống của UNESCO. Cô giáo Trần Thị Minh Tâm còn đưa sản phẩm nón lá vào các đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn học sinh vận dụng thành công nội dung nón lá trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. 

Với đề tài “Bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống nón lá Gia Thanh thông qua hoạt động giáo dục STEM”, em Hán Phương Thảo và Lưu Thị Thanh Hằng, học sinh lớp 8B của Trường THCS Gia Thanh đã đoạt giải Nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022 - 2023.

Năm học 2023 - 2024, nón lá được đưa vào giảng dạy ở hầu hết các bộ môn. Nội dung của các bài học STEM nón lá được xây dựng chặt chẽ, theo chương trình học và liên kết với di sản ở địa phương. Điều này giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp nhận, ứng dụng kiến thức vào thực tế thông qua các hoạt động học tập cụ thể, đồng thời kích thích khả năng sáng tạo của học sinh. 

Thầy giáo Ngô Ngọc Thụy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc đưa nón lá, đưa “di sản sống” vào giảng dạy ở các môn học là giải pháp đổi mới đem lại hiệu quả tích cực, tạo hứng thú, khơi gợi sự say mê, sáng tạo cho người học. Đặc biệt, qua đó góp phần lan tỏa để sản phẩm nón lá truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ và bạn bè thế giới.

Đưa di sản Nón lá vào trường học qua giáo dục STEAM 3
Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THCS Gia Thanh

Ông Bùi Tuấn Long - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Ninh chia sẻ: “Giáo dục STEM không còn là điều xa lạ đối với cộng đồng giáo viên và học sinh ở Phù Ninh, đặc biệt là ở cấp trường trung học cơ sở. STEM với việc sử dụng nón lá tại Trường THCS Gia Thanh không chỉ đóng góp vào việc bảo tồn mà còn thúc đẩy giá trị văn hóa của nón lá Gia Thanh. Qua việc tiếp xúc với nón lá thông qua STEM, học sinh được trải nghiệm một cách toàn diện hơn, hiểu sâu hơn và trân trọng hơn nghề thủ công truyền thống của quê hương”.

Việc đưa di sản  nón lá Gia Thanh vào dạy học STEM tại Trường THCS Gia Thanh là một bước tiến quan trọng. Nó không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn về di sản văn hóa mà còn kích thích sự tò mò, sáng tạo, học hỏi và nâng cao ý thức giữ gìn di sản. Sự kết hợp này giúp học sinh xây dựng kỹ năng không chỉ làm giàu kiến thức mà còn là kỹ năng sống và hiểu biết văn hóa, tạo ra những công dân toàn cầu có bản lĩnh.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.