Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Huyền - 15:00, 30/12/2024

Nhằm góp phần đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhanh, bền vững, ngày 19/7/2021, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Bộ KH&CN đã ký Chương trình phối hợp số 1900/CTr-BKHCN-UBDT (CTPH) giai đoạn 2021-2030. Việc phối hợp đã góp phần tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về KH&CN để góp phần triển khai tổ chức thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi...

UBDT và Bộ KH&CN thảo luận về xây dựng Chương trình KH&CN đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn II.
UBDT và Bộ KH&CN thảo luận về xây dựng Chương trình KH&CN đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn II


Cung cấp luận cứ khoa học hoàn thiện chính sách dân tộc

Một trong những nội dung phối hợp rất thành công giữa UBDT và Bộ KH&CN, đó là nghiên cứu KH&CN – đây là một trong những trọng tâm của CTPH. Những kết quả nghiên cứu cấp quốc gia, cấp bộ đã và đang triển khai góp phần quan trọng để cung cấp luận cứ khoa học, từ đó hoàn thiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 - giai đoạn II vừa được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 3151/QĐ-BKHCN ngày 02/12/2024 (gọi tắt là Chương trình KH&CN giai đoạn II).

Mục tiêu của Chương trình KH&CN giai đoạn II là nhằm bổ sung luận cứ khoa học nhằm nhận diện, đánh giá toàn diện hơn các vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn mới; đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc xây dựng Chiến lược công tác dân tộc và khung chính sách phát triển bền vũng vùng đồng bào DTTS đến năm 2045. Đồng thời, Chương trình sẽ xây dựng, thí điểm các mô hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa, tri thức cộng đồng của các DTTS và đặc thù địa phương kết hợp với các giải pháp khoa học và công nghệ; xây dựng, chuẩn hóa khung dữ liệu về các DTTS; cập nhật, bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu về các DTTS và công tác dân tộc.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Chính, giảng viên cao cấp Khoa Nhân học, Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), nội hàm trong Chương trình KH&CN giai đoạn II đã tương đối đầy đủ; đặc biệt đã đặt ra vấn đề nghiên cứu văn hoá như một nguồn nội lực phát triển bền vững của các DTTS.

“Trong giai đoạn I (2016 – 2020), Chương trình KH&CN đã thực hiện 50 đề tài, nhưng mới tập trung vào vấn đề xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự ở vùng DTTS và chỉ có một đề tài về biến đổi văn hoá ở vùng DTTS. Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các nhóm dân tộc cụ thể như người Hoa, người Thái, người Mông... mà chưa có cái nhìn tổng thể về sự giao thoa và hội nhập văn hóa”, GS.TS Nguyễn Văn Chính cho biết.

Những đánh giá, kiến nghị của các chuyên gia đã được lượng hóa bằng các chỉ tiêu cụ thể trong Chương trình KH&CN giai đoạn II được phê duyêt tại Quyết định số 3151/QĐ-BKHCN ngày 02/12/2024 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Theo đó, Chương trình KH&CN giai đoạn II đặt chỉ tiêu có ít nhất 20% nhiệm vụ có sản phẩm khoa học được gửi đến cơ quan của Đảng cấp Trung ương và địa phương phục vụ xây dựng các dự thảo văn kiện của Đảng.

Chương trình KH&CN cũng đặt chỉ tiêu có ít nhất 40% nhiệm vụ có sản phẩm được gửi đến UBDT và các cơ quan Nhà nước có liên quan cấp Trung ương và địa phương phục vụ xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc; ứng dụng, sử dụng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân và cộng đồng; bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS.

Hội thảo khoa học xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 (giai đoạn II)”
Hội thảo khoa học xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 (giai đoạn II)”

Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 - giai đoạn II” là một trong những kết quả nổi bật trong công tác phối hợp giữa UBDT và Bộ KH&CN giai đoạn 2021 – 2030 theo Chương trình số 1900/CTr-BKHCN-UBDT ngày 19/7/2021 đã ký kết giữa hai cơ quan. Chương trình khung này là sản phẩm từ sự nỗ lực, quyết tâm cao của UBDT và Bộ KH&CN.

Theo báo cáo của UBDT, để đảm bảo nhiệm vụ KH&CN phục vụ cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, ngày 30/11/2023, UBDT đã tổ chức làm việc với Bộ KH&CN; đồng thời, căn cứ Công văn số 433/BKHCN-XNT ngày 15/02/2024, UBDT đã có Công văn số 252/UBDT-TH ngày 19/02/2024 gửi Bộ KH&CN thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình KH&CN cấp Quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 (giai đoạn II)”, thời gian thực hiện Chương trình: 2024 – 2030.

Sau khi xây dựng Dự thảo Khung Chương trình gửi Bộ KH&CN, UBDT đã phối hợp tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến các bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học. Gần đây nhất là hội thảo tham vấn tổ chức ngày 24/10/2024.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà ghi nhận và bày tỏ vui mừng khi Chương trình KH&CN cấp quốc gia về lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc đã nhận được sự quan tâm, tham gia của rất nhiều các nhà khoa học, các nhà quản lý ở các lĩnh vực. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà tin tưởng, trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các nhà khoa học.

Tăng cường tính ứng dụng vào thực tiễn

Cùng với Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 - giai đoạn II”, thực hiện Chương trình phối hợp số 1900/CTr-BKHCN-UBDT ngày 19/7/2021, thời gian qua, UBDT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN để triển khai nhiều đề tài KH&CN cấp bộ.

Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN UBDT, từ năm 2021 đến nay, về cơ bản hoạt động KH&CN cấp bộ của UBDT từ khi Chương trình phối hợp được ký kết luôn được Bộ KH&CN quan tâm, tạo điều kiện trong việc xây dựng kế hoạch hàng năm cũng như kinh phí được cấp, chênh lệch không đáng kể so với số kinh phí đề xuất của UBDT. Theo đó, năm 2022 bố trí 6,2 tỉ đồng; năm 2023 là 6,25 tỉ đồng và năm 2024 là 5,87 tỉ đồng.

“Sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN, các bộ, ngành liên quan đã giúp cho UBDT cơ bản đảm bảo kinh phí để tổ chức thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành nói chung và xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc nói riêng”, báo cáo của Hội đồng Khoa học và Công nghệ UBDT khẳng định.

Cùng với cấp Trung ương, đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng, triển khai thực hiện chính sách dân tộc cũng được tăng cường hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Nhiều Ban Dân tộc đã đề xuất và trực tiếp chủ trì triển khai thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN. Sở KH&CN nhiều địa phương đã tích cực nghiên cứu xây dựng và ưu tiên đề xuất các đề án, đề tài ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ngoài ra, Ban Dân tộc và Sở KH&CN của các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu hiệu quả cho UBND cấp tỉnh trong xây dựng, ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng KH&CN, thực hiện lồng ghép trong triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình sản xuất mới; tổ chức nghiên cứu phát hiện và lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả để tổ chức cộng đồng và người dân được tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm... tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất tích cực, từ đó tăng tính ứng dụng trong thực tiễn của các nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Ứng dụng mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn VietGap ở Sóc Trăng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Ứng dụng mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn VietGap ở Sóc Trăng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Nhiều thành công trong hoạt động KH&CN

CTPH cũng đạt nhiều thành công trong các hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ nhằm phát triển KT-XH, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi; phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN vùng DTTS và miền núi; tăng cường tiềm lực KH&CN cho các đơn vị nghiên cứu thuộc cơ quan UBDT; thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.

Có thể khẳng định, các mục tiêu và nội dung của CTPH đã cơ bản được triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Một số nội dung thực sự nổi bật, có hiệu quả cao trong hoạt động KH&CN như: hoạt động nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách dân tộc; hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS và miền núi...Giai đoạn 2025-2030, hai cơ quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, từ đó tiếp tục thúc đẩy trong phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. 


Tin cùng chuyên mục
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà thăm và tặng quà Tết đồng bào tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà thăm và tặng quà Tết đồng bào tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Ngày 2/1, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc (UBDT) do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà làm Trưởng đoàn đã tới thăm và tặng quà Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho Người có uy tín, hộ gia đình đồng bào DTTS nghèo, gia đình chính sách tại xã Keo Lôm và xã Phìng Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Cùng tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Vụ Tuyên truyền (UBDT). Về phía tỉnh Điện Biên, có lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh.