Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Đưa nước sạch về với đồng bào Raglai

Minh Thu - 11:13, 21/12/2023

Nhờ sự đầu tư từ các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà nước sạch đã được đưa đến tận vùng sâu, vùng xa, giúp đời sống của đồng bào DTTS được đổi thay, không còn cảnh thiếu nước, mua nước sạch vào mỗi mùa khô hạn, sức khỏe người dân được đảm bảo, kinh tế cũng dần được nâng lên.

Huyện Bác Ái là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Nình Thuận với 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai.
Huyện Bác Ái là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Nình Thuận với 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai.

Bác Ái là huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận với 9/9 xã đều thuộc khu vực III đặc biệt khó khăn, nơi đây có 7 DTTS sinh sống. Trước đây, đồng bào DTTS ở huyện Bác Ái phải sử dụng nước từ sông, suối, kênh, mương để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Mỗi mùa khô đến, lượng nước cạn kiệt, bà con luôn phải sống trong cảnh thiếu nước. Hơn nữa, việc sử dụng nguồn nước từ sông, suối, kênh, mương… để nấu ăn, dùng làm nước uống không đảm bảo vệ sinh khiến bà con hay bị nhiễm bệnh. Nhiều người dân tự đào giếng hoặc đi lấy nước từ các khe suối về dùng cũng không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và việc nhà máy nước Phước Hòa được đưa vào sử dụng, đời sống của bà con dân tộc ở Bác Ái đã thay đổi rõ rệt. Có hệ thống ống nước sạch về tận buôn làng, khu vực công trình phụ như bếp ăn, nhà vệ sinh, tắm, giặt của các gia đình đều được sửa sang sạch đẹp hơn rất nhiều. Gia đình chị Chama Léa Thị Thảo, thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa vui mừng vì không phải sống trong cảnh thiếu nước sạch, đi mua nước vào mùa khô hạn như trước kia. Nhờ có nước sạch, chất lượng cuộc sống của bà con được tốt hơn, sức khỏe được đảm bảo, cả làng ai cũng vui, chị Thảo chia sẻ.

Không chỉ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt ổn định cho bà con, huyện Bác Ái cũng chú trọng đến các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước ổn định trong mùa khô hạn, cung ứng đủ nước cho bà con sản xuất. Trong đó, huyện ưu tiên các khu vực khan hiếm nước hoặc vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước bị ô nhiễm…

Hơn 10 năm trước, người Raglai ở huyện Bác Ái gặp rất nhiều khó khăn do thói quen canh tác lạc hậu, hệ thống thủy lợi yếu kém. Thời gian gần đây, khi hệ thống thủy lợi được cải thiện, lại được chính quyền hỗ trợ vốn sản xuất, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, đời sống đồng bào Raglai thay đổi rõ rệt.

Ông Lê Thành Mười, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: Đồng bào dân tộc Raglai chiếm 90% dân số toàn xã, chủ yếu sinh sống ở hai thôn Tà Lọt và Chà Panh. Thời gian tới, hơn 2,4km đường ống thủy lợi thuộc công trình đấu nối nhánh phụ của hệ thống trạm bơm Chà Panh chuẩn bị được đưa vào sử dụng. Công trình này sẽ phục vụ nước sản xuất cho hơn 50ha đất nông nghiệp của bà con trên địa bàn xã. Từ đó, hiệu quả kinh tế cũng mang lại tốt hơn cho bà con nông dân.

Vườn bưởi da xanh 1ha của gia đình ông Pi Năng Thiên sắp có nước dẫn vào tận vườn để phục vụ sản xuất.
Vườn bưởi da xanh 1ha của gia đình ông Pi Năng Thiên sắp có nước dẫn vào tận vườn để phục vụ sản xuất.

Ông Pi Năng Thiên, thôn Chà Panh trồng 1ha bưởi da xanh, mỗi năm phải tốn từ 5-7 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm nước chăm sóc cây rất tốn kém. Cả gia đình ông đều mong chờ ngày nước về tới tận vườn. Nếu dự án đường ống nước Chà Panh được đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân không cần sử dụng máy bơm mà vẫn đảm bảo được nước tưới cho diện tích trồng cây nông nghiệp, giảm bớt được sức lao động.

Không chỉ giúp bà con có đủ nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, xã Phước Hòa còn hỗ trợ các hộ gia đình DTTS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Gia đình Chị Chamaléa Thị Dem, thôn Chà Panh trước đây hoàn cảnh khó khăn, lại là hộ đồng bào DTTS nên rất ngại vay vốn, sợ làm ăn kém hiệu quả. Gia đình chị có 3 nhân khẩu mặc dù có diện tích rẫy nhưng do khí hậu khắc nghiệt nên sản xuất kém hiệu quả lại không có nguồn vốn để đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất. Được sự động viên, hướng dẫn và hỗ trợ của chính quyền, gia đình chị đã mua 2 con bò sinh sản và được hỗ trợ kiến thức chăm sóc tận tình của cán bộ địa phương. Thấy việc chăn nuôi hiệu quả, gia đình chị vay vốn để mở rộng mô hình, đến nay gia đình đã có 15 con bò, trong đó có 10 con bò sinh sản. Kinh tế gia đình chị đã ổn định hơn trước, xây được nhà cửa khang trang.

Huyện Bác Ái cũng là địa phương giúp đồng bào DTTS thoát nghèo nhờ các mô hình trồng bắp lai, mì cao sản, măng tây, các loại cây ăn quả… với diện tích gần 2.500ha ở các xã đồng bào DTTS.

Đối với những vùng đất gò, đồi không chủ động được nguồn nước tưới, huyện Bác Ái vận động bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây hợp với thổ nhưỡng như: bắp lai, cây mỳ. Gia đình bà Kadá Thị Phương, thôn Suối Rớ, xã Phước Chính được chính quyền hỗ trợ mở rộng mô hình trồng 7 sào mì giống Cút Xanh. Còn gia đình anh Chamaléa Phương, thôn Tham Dú, xã Phước Trung cũng được hướng dẫn mở rộng sản xuất trồng 3 sào đậu xanh vào vụ Hè - Thu.

Với sự quan tâm, đầu tư hiệu quả về cơ sở hạ tầng, giao thông đồng thời triển khai nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, đến nay vùng đồng bào DTTS và miền núi của Ninh Thuận đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng cao, hòa cùng nhịp sống mới với các dân tộc anh em trong toàn tỉnh.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.