Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Ninh Thuận: Nâng cao vị thế, bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Hà Anh - 07:50, 30/11/2023

Chính sách về bình đẳng giới, bảo vệ quyền và nâng cao vị thế cho phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong đó Chương trình MTQG 1719 đã có riêng một dự án thành phần về công tác này. Việc quan tâm và hỗ trợ tích cực cho bình đẳng giới sẽ nâng cao vị thế của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS.

Một hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thuận Bắc tại sự kiện truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình
Một hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thuận Bắc tại sự kiện truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình

Vợ chồng hạnh phúc nhờ thực hiện bình đẳng giới

Xã Phước Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Tổng số hộ dân trong xã có khoảng trên 1.200 hộ. Năm 2023, tổng số hội viên Hội Phụ nữ trong toàn xã là hơn 900. Từ xa xưa, định kiến xã hội và tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã tồn tại và ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái DTTS rất nhiều. Những người phụ nữ thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng kép, nguyên nhân là từ môi trường sống của họ.

Trong bối cảnh đó, bình đẳng giới trở thành một ưu tiên, tập trung vào sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và quyền lợi của phụ nữ so với nam giới. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, tham gia và hưởng lợi từ các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Thông qua các đề án, thời gian qua, phụ nữ ở xã Phước Chiến đã tham gia vào các hoạt động của Hội Phụ nữ, nhận vốn phát triển sản xuất, tham gia vào làm việc với chính quyền xã và nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Cùng với đó, các hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa và hỗ trợ quân đội tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng. Đầu tháng 7 vừa qua, Hội Phụ nữ xã Phước Chiến đã tổ chức lễ ra mắt 6 tổ truyền thông cộng đồng tại 5/5 thôn trên địa bàn xã, với sự tham gia của 56 thành viên. Những hoạt động thiết thực này đã từng bước đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã Phước Chiến, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS.

Trong những năm qua, xã Phước Chiến nói riêng và huyện Thuận Bắc nói chung, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp hội đã chú trọng nâng cao kiến thức cho chị em phụ nữ về bình đẳng giới thông qua các mô hình, câu lạc bộ ở cơ sở. Điều này, giúp chị em phát huy vai trò của bản thân, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và tích cực tham gia công tác xã hội.

Chị Katơr Thị Hương, ở thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải cho biết: Trước đây, vợ chồng chị thường xuyên cãi nhau, nhiều khi mâu thuẫn gia đình đẩy lên đỉnh điểm dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Sau khi tham gia CLB “Địa chỉ tin cậy dựa vào cộng đồng” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Thuận khởi xướng, chị Hương đã được trang bị nhiều kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, nhờ vậy vợ chồng tôn trọng yêu thương nhau, cuộc sống gia đình đến nay đã hòa thuận, hạnh phúc hơn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Ninh Thuận năm 2023
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Ninh Thuận năm 2023

Huyện Thuận Bắc là nơi có gần 70% người Chăm và người Raglai sinh sống. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 481 lượt hội viên phụ nữ tham gia các chương trình về bình đẳng giới, các kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới. Đồng thời, Hội Phụ nữ huyện đã giới thiệu phụ nữ tiêu biểu được kết nạp Đảng. Qua đó, phát huy vai trò tiềm năng và nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.

Nhiều chương trình nâng cao vị thế của phụ nữ

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 DTTS, trong đó hộ nghèo DTTS là gần 7.000 hộ, chiếm tỷ lệ 17,73% so với tổng số hộ DTTS. Với mục tiêu phát triển bình đẳng, đồng đều ở tất cả các vùng, miền, các nhóm xã hội, lãnh đạo các cấp của tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ DTTS tiếp cận các nguồn lực xã hội, đảm bảo tính công bằng và toàn diện hơn.

Đến nay, Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận đã hướng dẫn xây dựng, thành lập được hơn 100 CLB phòng, chống bạo lực gia đình; 242 “Địa chỉ tin cậy dựa vào cộng đồng” tại 65/65 xã, phường, thị trấn. Thông qua những mô hình, CLB, Hội Phụ nữ đã tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các thành viên tham gia. Từ đó, phát huy tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý cho hội viên trên các lĩnh vực, giúp hội viên nắm bắt, cập nhật kiến thức về pháp luật cũng như kiến thức về xã hội, gia đình để tự bảo vệ mình.

Hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh không ngừng được hoàn thiện, luôn ưu tiên bố trí huy động các nguồn lực để thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống cho đồng bào DTTS nói chung trong đó có phụ nữ DTTS mà còn mở ra cho họ nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội…

Công tác cán bộ nữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ cán bộ người DTTS được chú trọng, bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác quản lý, trong hệ thống chính trị của tỉnh; tỷ lệ tăng lên qua các nhiệm kỳ. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập, đặc biệt là tạo điều kiện cho phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác nhau.

Phụ nữ dân tộc Chăm tại làng nghề gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận
Phụ nữ dân tộc Chăm tại làng nghề gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

Đáng chú ý, thực hiện Dự án 8, thuộc Chương trình MTQH 1719, Ninh Thuận đã triển khai tại 71 thôn thuộc 23 xã của 6 huyện. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS.

Dự án hoạt động với 4 nội dung: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.