Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đưng K’Nớ - ngày ấy, bây giờ

Thảo Linh - 07:25, 01/05/2024

Ngày ấy, Đưng K’Nớ là một vùng đất lọt thỏm giữa những cánh rừng nguyên sinh của dãy Bidoup – Núi Bà. Cuộc sống giữa chốn rừng già, tự cung tự cấp, bà con người Cơ Ho chỉ nghĩ đến kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày cũng đã khó… nhưng nay, Đưng K’Nớ đã thay da đổi thịt, cuộc sống no ấm đang về trên vùng đất này.

Từ ngày trồng hoa hồng, đời sống gia đình Kơ Đưng Ha Biêng được nâng lên rõ rệt.
Từ ngày trồng hoa hồng, đời sống gia đình Kơ Đưng Ha Biêng được nâng lên rõ rệt.

Đổi thay ở vùng đất “khỉ ho, cò gáy”

Cách đây 19 năm, tôi còn nhớ rõ lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù, địa phương này cách thành phố Đà Lạt không xa, nếu tính theo đường chim bay khoảng 30km. Nhưng thực tế, muốn đến được Đưng K’Nớ phải đi vòng mất cả nửa ngày trời.

Ngày ấy, Đưng K’Nớ là một vùng đất lọt thỏm giữa những cánh rừng nguyên sinh của dãy Bidoup – Núi Bà. Cuộc sống giữa chốn rừng già, tự cung tự cấp, bà con người Cơ Ho chỉ nghĩ đến kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày đã khó, huống gì lo đến việc làm nhà cao cửa rộng. Chúng tôi men theo những con đường đất ngoằn ngoèo bên mép thung lũng là những nếp nhà cheo leo, tạm bợ như tổ chim chênh vênh ngó xuống miệng vực. Nhìn bữa cơm của người dân, chỉ có ít rau rừng, cơm trắng chưa đủ no, cũng hiểu được nỗi khổ của họ…

“Đưng K’Nớ giờ đã khác xưa rất nhiều rồi anh ạ. Đường sá đi lại thuận lợi. Con em người Cơ Ho được học hành đàng hoàng trong những lớp học khang trang, Đời sống của người dân đã có của ăn của để, nhiều gia đình làm được nhà cửa kiên cố khang trang”, đó là lời tâm sự của ông Bon Niêng Ha K’Rai, Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ khi dẫn chúng tôi đi tìm hiểu một số mô hình kinh tế trên vùng đất này.

Điểm dừng chân đầu tiên là vườn hoa hồng trên 1 sào được trồng trong nhà kính trông thật bắt mắt. Anh Kơ Đưng Ha Biêng (sinh năm 1987, dân tộc Cơ Ho ở thôn Lán Tranh) chủ nhân của khu vườn này đang cắt hoa cho biết: Trước đây, vùng đất này trồng cà phê; sau đó gia đình chuyển đổi 1 sào sang trồng hoa hồng. Ngoài số tiền tích góp được, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lạc Dương còn tạo điều kiền cho vay vốn 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để trồng hoa hồng. Nhờ trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật như cán bộ khuyến nông hướng dẫn, nên vườn hoa hồng của gia đình Ha Biêng phát triển tốt. Đến nay, vườn hoa cho thu hoạch được 14 tháng, tư thương vào tận vườn thu mua với giá dao động từ 2 đến 5 ngàn đồng/bông hồng; trừ chi phí, cho thu nhập trên 120 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, vườn hoa hồng này sẽ cho thu hoạch trên 10 năm. Từ ngày có thu nhập từ hoa hồng, đời sống của gia đình được nâng lên rõ rệt.

Không riêng gia đình Ha Biêng, mà nhiều hộ dân Cơ Ho nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi những vườn tạp, sang trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Hiện, toàn xã có 760ha cà phê, 110ha cây ăn quả, 88ha cây mác ca, 5ha chuối la ba và trên 6ha rau hoa thương phẩm… giúp đời sống của người dân nâng lên rõ rệt.

Một trong những lợi thế nữa của Đưng K’Nớ là điều kiện thiên nhiên và khí hậu rất thích hợp để phát triển nghề nuôi cá tầm. Đến nay, toàn xã có 4 trang trại nuôi cá tầm với quy mô khoảng 1ha/trang trại, đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương…

Nghệ nhân ưu tú Bon Niêng K’Glòng dù tuổi cao vẫn miệt mài bên khung dệt thổ cẩm.
Nghệ nhân ưu tú Bon Niêng K’Glòng dù tuổi cao vẫn miệt mài bên khung dệt thổ cẩm.

Xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng

Xã Đưng K’Nớ có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng, phát triển Làng văn hóa gắn liền với du lịch cộng đồng. Với khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, được bao bọc bởi những cánh rừng già, có nhiều thác nước và thắng cảnh đẹp như Thác Liêng T’rang, Thác Liêng Đang, Hồ Thủy điện Krông Nô, Thủy điện Ya Ta Sien. Hơn nữa, là địa bàn cư ngụ lâu đời của dân tộc Cơ Ho, nên các giá trị văn hóa truyền thống như, không gian văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, nghề ăn ong rừng… được bà con lưu giữ và phát huy từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Trong ngôi nhà khang trang, Nghệ nhân Ưu tú Bon Niêng K’Glòng (80 tuổi, dân tộc Cơ Ho ở thôn K’Nớ 1) vẫn miệt mài dệt thổ cẩm. Mặc dù trong buôn làng có rất nhiều phụ nữ biết dệt thổ cẩm, nhưng những sản phẩm của bà K’Glòng vẫn bắt mắt và đắt khách hơn cả. Theo lý giải của ông Bon Niêng Ha K’Rai, Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ: Sở dĩ sản phẩm của bà K’Glòng mắc hơn và được nhiều người ưa chuộng hơn là vì từ việc tạo sợi, đến việc dùng vỏ cây rừng để pha chế, nhuộm màu đều làm thủ công rất công phu. Còn nhiều người khác lấy sợi công nghiệp đủ màu sắc về dệt nên giá thành thấp hơn.

Khi tôi hỏi bà K’Glòng: “Khách tham quan có thường ghé bà mua thổ cẩm không?”. Bà K’Glòng vui vẻ đáp: “Nhiều khi họ hỏi mua với số lượng nhiều, nhưng mình không đủ hàng giao cho người ta. Bình quân một tuần, mình dệt được 1 tấm thổ cẩm, bán với giá 2 triệu đồng nên cũng có thu nhập”. Nghe nghệ nhân Bon Niêng K’Glòng nói, chúng tôi cũng thấy vui, với nguồn thu nhập như thế ở địa bàn Đưng K’Nớ cũng đủ trang trải cuộc sống cho gia đình.

Ông Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ thông tin thêm nhiều điều thật đáng mừng: Năm 2024, địa phương sẽ đầu tư xây dựng một nhà bảo tồn văn hóa Cơ Ho, với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng. Đồng thời, kêu gọi một số doanh nghiệp xây dựng, chỉnh trang các điểm tham quan du lịch; tuyên truyền vận động Nhân dân sửa sang nhà cửa, vệ sinh môi trường, trồng nhiều cây xanh, chỉnh trang buôn làng; xây dựng đội cồng chiêng sinh hoạt đều đặn, quy củ, khuyến khích bà con lưu giữ và phát huy nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần... Khi Làng văn hóa du lịch cộng đồng đi vào hoạt động sẽ giúp Đưng K’Nớ có thêm ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xã Đưng K’Nớ được đầu tư tổng kinh phí trên 176 tỷ đồng, để xây dựng nhiều hạng mục công trình như điện, đường, trường học, trạm y tế, hệ thống nước sinh hoạt,… Trong đó, vốn Nhà nước đầu tư trên 134 tỷ đồng, vốn Nhân dân đóng góp trên 9 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 23,7 tỷ đồng và số còn lại là vốn doanh nghiệp đóng góp. Năm 2021, xã Đưng K’Nớ được công nhận là xã nông thôn mới.