Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những bản Mông trù phú trên Cao nguyên Lâm Đồng

Thảo Linh - 11:57, 10/02/2024

Những nếp nhà ấm cúng, thấp thoáng giữa các rẫy cà phê, đồi chè, vườn cây ăn trái tươi tốt. Trên các nẻo đường, học sinh thả sức nô đùa sau buổi tan trường... Những âm thanh, hình ảnh đầy sức sống ấy, chúng tôi bắt gặp và cảm nhận được trong những ngày đầu Xuân khi đến với các bản làng dân tộc Mông ở tỉnh Lâm Đồng.

Thu hoạch chè của đồng bào dân tộc Mông dưới chân núi Chúa
Thu hoạch chè của đồng bào dân tộc Mông dưới chân núi Chúa

Mưu sinh trên vùng đất mới

Trước đây, khó có thể diễn tả hết nỗi gian truân, nhọc nhằn trên bước đường mưu sinh của bà con đồng bào dân tộc Mông tại thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Cuộc sống túng quẫn, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mọi nóc nhà suốt tháng này, qua năm nọ, buộc bà con người Mông phải rời bản quán từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai… vào Tây Nguyên lập nghiệp.

Năm 2002, bà con người Mông được tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện định canh, định cư tại thôn 5, xã Rô Men. Nhằm ổn định cuộc sống cho người dân, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng các công trình dân sinh cho bà con. Những ngày đầu, người dân trồng mì, trồng bắp và làm lúa nước. Dần dần, người Mông học hỏi, chuyển đổi dần sang trồng cà phê.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nguồn nước tưới đảm bảo nên cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao. Toàn thôn hiện có 178 hộ, với trên 800 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nhà ít cũng có trên 1ha cà phê, nhà nhiều 3 đến 4ha. Bà con còn trồng xen nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, bưởi trên rẫy cà phê, nên hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất được nâng lên rõ rệt.

Người dân xã Rô Men thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn
Người dân xã Rô Men thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn

Trong căn nhà mới khang trang, ông Hoàng Xuân Tháy, Bí thư Chi bộ thôn 5 hồ hởi: “Nhờ tỉnh quan tâm đầu tư mọi thứ, nên đến nay đời sống của người dân đã có bước phát triển. Từ chỗ cả bản thuộc diện nghèo, nay chỉ còn hơn 20 hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều gia đình xây được nhà cửa kiên cố, sắm được các đồ dùng tiện nghi.”.

Ông Doãn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết: “Bà con người Mông thôn 5 chấp hành rất tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bà con rất chịu khó học hỏi, chăm chỉ làm ăn nên kinh tế gia đình phát triển mạnh”.

Bản Mông dưới chân núi Chúa

Ấn tượng đầu tiên khi đến với bản Mông, thôn 10, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là những nếp nhà khang trang, thấp thoáng giữa những rẫy cà phê, nương chè, vườn cây ăn trái xanh mướt dưới chân núi Chúa yên bình.

Ông Thào Hùng Khải, Người có uy tín của bản thông tin: “Sau hơn 30 năm định cư tại đây, bản Mông hiện có 54 hộ, với 270 nhân khẩu. Bà con rất chịu khó làm ăn trên vùng đất mới. Đến nay, bình quân mỗi hộ có trên 1,5ha cà phê, gần 1ha chè và trồng xen cây ăn trái. Thu nhập từ nông sản, hộ ít cũng thu được trên 150 triệu đồng, hộ nhiều được 300 - 400 triệu đồng/năm. Đời sống kinh tế của bà con giờ đây rất khá giả, trong bản không còn hộ nghèo.

Luyện tập khèn chuẩn bị hội Xuân dưới chân núi Chúa
Luyện tập khèn chuẩn bị hội Xuân dưới chân núi Chúa

Nghệ nhân Thào Văn Dí, tròn 80 tuổi chia sẻ: “Mình và nghệ nhân Hoàng Văn Mười nhiều năm nay truyền dạy cho lớp trẻ bản Mông về thổi sáo, thổi khèn. Mình phải có trách nhiệm truyền lại cho con cháu cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống ấy. Để tiếng khèn, tiếng sáo luôn tồn tại và ngân vang giữa bản làng”...

Chia tay bản Mông, chia tay những người con mộc mạc chân chất nhưng rất giàu nghị lực, xe đưa chúng tôi bon bon chạy quanh những đồi chè xanh mướt, cà phê đang trổ hoa tỏa hương thơm ngào ngạt. Chúng tôi không quên hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Mông đang cần mẫn thêu những họa tiết cuối cùng lên chiếc váy mới cho kịp đón Xuân. Đàn ông tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm đãi khách khi Tết đến. Lũ trẻ hăng say tập luyện thổi sáo, múa khèn chuẩn bị hội Xuân...

Những âm thanh và gam màu tươi vui ấy như càng tô thắm thêm sắc Xuân đang về trên mọi nẻo bản làng, giữa đại ngàn trùng điệp vùng Nam Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.