Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Minh Thu - 18:05, 16/04/2024

Hằng năm, cứ đến ngày 10/3 Âm lịch, mọi người dân Việt Nam dù đang ở đâu thì vẫn cùng nhau hướng về nguồn cội của dân tộc.

Các đội kiệu tiến vào sân trung tâm lễ hội tại Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các địa phương vùng ven Khu di tích
Các đội kiệu tiến vào sân trung tâm lễ hội tại Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các địa phương vùng ven Khu di tích

Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, có gốc rễ từ lòng biết ơn, sự trân trọng quá khứ, nguồn cội. Từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, cộng đồng cư dân ở vùng trung tâm tụ cư và phát triển của người Việt Cổ, nơi hợp lưu của ba dòng sông: Sông Hồng, sông Lô và sông Đà, trung tâm là khu vực Đền Hùng ngày nay đã chọn núi Nghĩa Lĩnh - Đền Hùng làm nơi thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ thần tự nhiên (thờ Trời, Đất).

Tại vùng đất cội nguồn này (Phú Thọ ngày nay) đã ra đời truyền thuyết về “Cha Rồng, Mẹ Tiên”, “Bọc trăm trứng” để nói về nguồn gốc của cộng đồng dân tộc Việt Nam. 18 đời Hùng Vương được truyền nối đã dựng lên nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc. Truyền thuyết Hùng Vương đã xây dựng hình ảnh các Vua Hùng là hình tượng văn hoá, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Là cội nguồn sức mạnh tạo nên điểm tựa tinh thần bất tử trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là nhu cầu văn hóa tâm linh, có sức sống lâu bền trong đời sống của người dân Việt, là điểm tựa tinh thần, là sợi dây gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ông Lê Trường GiangGiám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội của dân tộc, hàng triệu người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng hành hương về vùng Đất Tổ linh thiêng để dâng nén tâm hương lên Tổ tiên của mình.

Tín ngưỡng Hùng Vương là sự kết hợp của hội tụ và lan tỏa (từ trung tâm thực hành Tín ngưỡng - Đền Hùng - Phú Thọ đến các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước), lan tỏa và hội tụ (tất cả các di tích thờ Hùng Vương đều thống nhất tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính), trở thành tín ngưỡng của cả cộng đồng người dân Việt.

Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng: Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong dòng chảy văn hóa truyền thống, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa được triển khai sâu rộng, thu hút nhiều nguồn lực xã hội, khẳng định di sản do cộng đồng sáng tạo và nắm giữ, trao truyền, lan tỏa, cộng đồng thực sự là chủ nhân của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là nhu cầu văn hóa tâm linh, có sức sống lâu bền trong đời sống của người dân Việt, là điểm tựa tinh thần, là sợi dây gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội đền Hùng 2024

Năm 2024, Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2024 sẽ diễn ra tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong 10 ngày với hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Theo truyền thống, phần lễ gồm Lễ Giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” diễn ra vào ngày 18/4 (đúng ngày 10.3 Âm lịch); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh từ ngày 9 – 18/4 (từ 1 - 10/3 Âm lịch).

Cùng với đó, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ sẽ có chuỗi hoạt động gắn kết với du lịch, góp phần quảng bá tài nguyên du lịch của Phú Thọ, thu hút khách du lịch thập phương. Người dân và du khách có thể khám phá văn hóa và lịch sử vùng đất tổ thông qua các hoạt động trưng bày hiện vật, di sản tư liệu, sách báo, tư liệu ảnh tại Thư viện tỉnh Phú Thọ (tại TP. Việt Trì), Bảo tàng Hùng Vương (Khu di tích lịch sử Đền Hùng); chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tại trung tâm TP Việt Trì; Chương trình âm nhạc đường phố Việt Trì Live music tại Công viên Văn Lang, TP. Việt Trì. Bên cạnh đó là Hội trại văn hóa và trưng bày sản phẩm đặc trưng; Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; đánh trống đồng, đâm đuống tại Nhà công quán tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trình diễn Hát Xoan làng cổ tại các phường Xoan gốc trên địa bàn TP. Việt Trì…

Linh thiêng lễ hội Đền Hùng.
Linh thiêng lễ hội Đền Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 góp phần giáo dục truyền thống yêu nước; giáo dục truyền thống về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên. Đây cung là dịp tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ.

Không chỉ thể hiện truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, Lễ hội Đền Hùng còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2007, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được công nhận là Quốc lễ của người Việt.


Tin cùng chuyên mục
Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Từ nhiều năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh gia cao; trong đó, kết quả giảm nghèo đa chiều đặc biệt ấn tượng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thành quả giảm nghèo ở địa bàn này xuất phát từ hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.