Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Gặp người lính trong đoàn binh Tây Tiến

Thiên Đức - 07:20, 25/04/2021

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” là câu thơ nổi tiếng trong bài "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng. Bất ngờ và đầy thú vị, trong một chuyến công tác, chúng tôi có may mắn gặp được 1 trong những người lính trong binh đoàn Tây Tiến năm xưa. Đó là cụ Bùi Văn Sự, dân tộc Mường, ở xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Cụ Bùi Văn Sự - người lính trong binh đoàn Tây Tiến năm nào
Cụ Bùi Văn Sự - người lính trong binh đoàn Tây Tiến

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh…”

Mặc dù đã tuổi đã cao, nhưng cụ Bùi Văn Sự vẫn còn rất tỉnh táo khi nhớ về quãng đời chiến đấu trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Cụ Sự vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ lam lũ, khi còn nhỏ cụ phải đi ở cho dòng dõi quan lang. 

Được sự giác ngộ của cách mạng, cụ Sự đã tham gia binh đoàn Tây Tiến ngay từ khi mới thành lập. Trong kí ức của người lính già Bùi Văn Sự, những năm tháng trong binh đoàn Tây Tiến là khoảng thời gian đẹp đẽ, thiêng liêng và hào hùng nhất.

Theo cụ Sự, thành phần của “đoàn quân không mọc tóc” khá phong phú, có cả những người là sinh viên, tạm gác bút nghiên lên đường chiến đấu; lại có những người dân tộc thiểu số quen đi nương, đi rẫy cùng tụ họp về đây để sống và chiến đấu cho một nhiệm vụ thiêng liêng, mang lại sự độc lập tự do cho nước nhà. Chính sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi đó đã khiến họ trở thành tri kỉ của nhau. 

Cụ Sự nhớ lại những cuộc hành quân trong rừng rậm, dưới những cơn mưa rừng xối xả lạnh buốt, thú dữ luôn rình rập khắp nơi, cùng điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Quân trang khi đó của những người lính Tây Tiến, chỉ là những bộ quần áo sờn và đã bạc màu để chống chọi lại với cái lạnh đến tê buốt thịt da của núi rừng. Trang thiết bị vũ khí thì thiếu thốn, đơn sơ. 

Nguồn thực phẩm khi đó của binh đoàn chủ yếu lấy từ rừng như rau, củ quả. Hiếm hoi lắm, mới có thực phẩm là thịt muối (7 phần muối trộn 1 phần thịt), gạo cũng không đủ no. Chính vì thế, chỉ trong khoảng thời gian vài tháng hành quân, cụ Sự đã đau lòng tận mắt chứng kiến gần 200 đồng đội ngã xuống.

Đời sống vật chất tuy gian khổ, thiếu thốn là thế, nhưng vượt lên tất cả là tình đồng đội, đồng chí, đặc biệt là tình cảm quân dân cá nước. Trong hồi ức của cụ Sự, tình cảm của đồng bào đối với các chiến sỹ vô cùng ấm áp. Nhiều trạm y tế do chính người dân lập ra để chữa trị cho căn bệnh sốt rét quái ác hành hạ các chiến sỹ. Những ngôi nhà sàn của người dân xứ Mường khi đó đều trở thành địa điểm nuôi giấu và chữa trị cho những người lính. 

Do điều kiện thuốc thang khi đó vô cùng thiếu thốn, lại khó khăn trong quá trình vận chuyển, nên nhiều bài thuốc dân gian từ cây cỏ rừng đã được đồng bào sử dụng để cứu giúp các chiến sỹ trong binh đoàn. Gian khổ, thiếu thốn là vậy, nhưng vẫn không thể làm nhụt ý chí chiến đấu của những chiến sỹ anh hùng. Họ vẫn hành quân và giành nhiều chiến công vang dội. 

Miền núi Hòa Bình hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt
Miền núi Hòa Bình hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt

Cho đến bây giờ, cụ Sự vẫn nhớ như in chiến công oanh liệt của người đồng chí và cũng là người đồng hương Bùi Văn Chơ. Đó là một ngày đầu năm 1948, cụ Chơ được cho nghỉ phép, nhưng trước sự tấn công dồn dập của địch, cụ Chơ vẫn quyết tâm ở lại đánh giặc.

Bằng sự mưu trí và dũng cảm của mình, một mình cụ Chơ đã giật mìn giết chết 24 tên địch. Mùng 2/9 năm đó, cụ Chơ đã được vào gặp và báo công với Bác Hồ kính yêu. Chính tay Bác đã tặng cụ chiếc áo rét trấn thủ làm kỉ niệm.

Nhắc đến người bạn của mình, cụ Sự không khỏi trầm ngâm. Cụ Sự tâm sự: “Nhanh thật, thấm thoắt mà đã qua 3/4 thế kỷ, cụ Chơ cùng nhiều anh em đồng chí khác giờ đã thành người thiên cổ hết rồi”.

Giữ vững tinh thần

Sau khi rời quân ngũ với quân hàm thượng úy, cụ Sự tiếp tục về công tác và đóng góp cho địa phương ở Ban Tuyên giáo huyện Lạc Sơn (nay được tách ra là Tân Lạc và Lạc Sơn). Trong thời kỳ đó, cụ đã không ngừng động viên thanh niên lên đường nhập ngũ chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Hòa bình lập lại, cụ Sự vẫn luôn trăn trở với việc tìm tòi và lưu giữ tài liệu về binh đoàn Tây Tiến. Chia sẻ với phóng viên, cụ Sự đã cho chúng tôi xem chồng tài liệu ố vàng ghi chép tỉ mỉ về ngày tháng thành lập và những chiến công của binh đoàn Tây Tiến. Tiếc rằng, những dòng chữ chép tay này đang bị phôi pha theo thời gian.

Cụ Sự chia sẻ thêm, sau hòa bình lập lại, cụ cũng tích cực tham gia Ban Liên lạc của binh đoàn Tây Tiến năm xưa. Sau nhiều nỗ lực, những người lính trong binh đoàn Tây Tiến ở Hòa Bình đã có nhiều dịp được gặp nhau năm 2004. Trong lần gặp mặt đó có 365 người, riêng huyện Tân Lạc có 22 người và xã Ngọc Mỹ là 6 người.

Giờ đây, tóc cụ Sự cùng đồng đội của mình đã bạc trắng màu thời gian. Nhưng những ký ức hào hùng cùng tinh thần của cụ sẽ luôn là điểm tựa để lớp lớp thế hệ thanh niên noi gương tự hào.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.