Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Gặp những người lính biên phòng ở Ma Lù Thàng

Hà Minh Hưng - 09:00, 31/01/2022

Những ngày giáp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi có dịp ngược tuyến biên giới phía Bắc địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu). Điểm dừng chân là Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Một điểm sáng trong bảo vệ bình yên biên giới; đặc biệt là trong thời gian qua đã làm tốt công tác kiểm soát phòng chống xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, không để dịch bệnh lây nhiễm vào địa bàn, quyết giữ vững “vùng xanh” nơi tuyến đầu…

Cán bộ ĐBP Ma Lù Thàng tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cán bộ ĐBP Ma Lù Thàng tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Xây dựng đường biên vững chắc

Đón chúng tôi là Đồn trưởng ĐBP Cửa khẩu Ma Lù Thàng, Thượng tá Đào Quang Hồng. Bên ấm trà nóng hổi đượm vị ngai ngái hương trà cổ của núi rừng Phong Thổ, chúng tôi như quyện vào câu chuyện 45 tuổi đời, 30 năm tuổi quân của người lính quân hàm xanh quê hương đất Tổ.

Được biết, Xuân này là năm thứ 31 Thượng tá Hồng sống với bà con biên giới Lai Châu. Dấu chân anh trải khắp các bản làng Tây Bắc hết Huổi Luông, Dào San, rồi cả thực hiện nhiệm vụ quốc tế ngoại biên tại Lào, nơi đâu với anh “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt”. Không biết bao mùa Xuân anh xa quê ăn Tết cùng anh em chiến sĩ và bà con dân bản.

Có được bản lĩnh vững vàng trong mọi điều kiện hoàn cảnh, một phần là nhờ hậu phương vững chắc; “một nửa thế giới” của anh là cô giáo ở quê nhà đã sát cánh, chu toàn việc nhà, là điểm tựa để anh an tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Thượng tá Đào Quang Hồng, bộc bạch, với các chiến sĩ Biên phòng, bất kể thời tiết, cứ đến lịch là lên đường. Bởi công tác tiến hành tuần tra khép kín đoạn biên giới Việt - Trung là nhiệm vụ trọng yếu. Địa bàn ĐBP Ma Lù Thàng phụ trách có những điểm cao, mốc giới xa nhau. Nhiều điểm phải đi bộ xuyên rừng, lội suối, đường đi lại gặp nhiều khó khăn, nhiều đêm tuần tra bất chợt mưa rừng suối lũ ùa về, khi ấy lều, võng luôn sẵn bên người, lại thành nhà, thành giường ngay tại chỗ.

Những đêm như thế, anh em lại thao thức với rừng, với núi cốt để kịp đúng hẹn với lực lượng Biên phòng nước bạn. Và chỉ khi kết quả không có dấu hiệu mốc giới bị xê dịch, không có điểm bất thường xảy ra tại đường biên giữa hai nước, không vi phạm quy chế, xâm nhập, không có đối tượng vượt biên trái phép, khi ấy những bước chân người lính quân hàm xanh mới vững vàng trở về.

Ngoài nhiệm vụ phối kết hợp với các lực lượng trên địa bàn xã trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thì công tác tuần tra bảo vệ biên giới luôn là nhiệm vụ hàng đầu.
Ngoài nhiệm vụ phối kết hợp với các lực lượng trên địa bàn xã trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thì công tác tuần tra bảo vệ biên giới luôn là nhiệm vụ hàng đầu.

Cùng dân bản bảo vệ biên cương

Thiếu tá Trần Huy Huỳnh, Phó Chính trị viên của Đồn dẫn chúng tôi về bản Nậm Cúm (xã Ma Ly Pho) thăm “bố” bản Lý A Nhị. Bố Nhị được bà con người Dao đỏ nơi đây kính trọng như cây thông già trên đỉnh núi. Ông Nhị có hơn 30 năm cùng với các chiến sĩ Biên phòng băng rừng, lội suối, giúp các anh phân định và chính ngay tại sân nhà ông có cột mốc 67(2), cột mốc bao năm qua, gia đình ông và người dân Hùng Pèng bao năm bảo vệ, trông giữ.

Năm nay ở tuổi thất thập, nhưng mỗi khi nói chuyện về chủ đề biên giới, trong ông lại ánh lên niềm tự hào về truyền thống bảo vệ biên cương. Ông Nhị nói: “Địa hình Ma Lù Thàng rộng, phải là người thông thổ bản địa mới nắm vững địa phận. Tuy cái chân không còn mạnh, nhưng bất kể thời điểm nào, cứ các anh cần đến là mình có mặt ngay, khi nào đôi chân yếu hẳn đã có con cháu người Dao tiếp nối sứ mệnh này”.

Vốn thông thạo địa bàn, với già Nhị mỗi con suối, gốc cây, bìa rừng có dấu hiệu thay đổi khó có thể qua mắt ông được. Ngoài công tác tuần tra biên giới, những vấn đề khó cần tháo gỡ trong các đợt tuyên truyền già Nhị luôn sát cánh cùng các anh. Mỗi khi có dịp quây quần, ông thường dặn con cháu và bà con dân bản phải nâng cao ý thức bảo vệ biên giới, không nghe lời kẻ xấu xúi giục mà làm điều có hại cho bản, cho nước.

Gặp những người lính biên phòng ở Ma Lù Thàng… 2

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, các chiến sĩ BĐBP Ma Lù Thàng thành lập 5 tổ chốt cố định và 1 tổ kiểm soát lưu động; trực 24/24, tuần tra, chốt chặn các đường mòn, lối mở, ngăn chặn và chống các nguồn lây dịch Covid-19 vào nội địa. Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, các chiến sĩ BĐBP Ma Lù Thàng còn tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều cách làm sáng tạo như tuyên truyền bằng loa lưu động, thông qua các buổi tuần tra ngay tại rẫy, vườn của người dân.

Tại tổ chốt 65 phòng, chống Covid-19 Đồn Ma Lù Thàng, chúng tôi gặp Thượng úy Nguyễn Văn Đức, Tổ trưởng Tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cùng với 3 chiến sĩ đang gia cố bờ rào khu tăng gia. Nhìn những luống rau xanh mơn mởn, mới thấy cuộc chiến này với các anh không kém phần cam go, sẽ là lâu dài nên phải căn cơ tại chỗ. Chỉ cần sơ sẩy, mất cảnh giác, để lọt đối tượng xuất nhập cảnh trái phép cũng có thể mang dịch vào nội địa, khi ấy mức độ sẽ nguy hại như thế nào.

Có lẽ với các chiến sĩ BĐBP Lai Châu ngoài việc tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc giới, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy, buôn người... thì cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, cũng như đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép là một “nhiệm vụ kép” chưa khi nào nguôi./.

Tin cùng chuyên mục
Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Trong quá trình thi công Thủy điện Plei Kần, Công ty Cổ phần Tấn Phát cam kết tài trợ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) 3 tỷ đồng để làm cầu treo qua sông Pô Kô phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất. Tuy nhiên, cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã gần 3 năm mà Công ty vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ. Việc này khiến cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ngọc Hồi - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư, bỗng dưng “mang nợ”. Bởi chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công.