Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tết sớm ở Chi Ma

Tuấn Trình - 09:00, 25/01/2022

Khi mọi người, mọi nhà đang quây quần bên mâm cơm tất niên chào đón năm mới, thì nơi biên cương, những người lính lại đang chắc tay súng, vững đôi chân canh giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bao năm rồi, những ngày Tết cổ truyền đã trôi qua như vậy với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn)…

Trong cái rét tê tái của miền biên ải, những chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cùng người dân vẫ tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên giới.
Trong cái rét tê tái của miền biên ải, những chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cùng người dân vẫ tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên giới

Mùa Xuân trên biên giới

Chúng tôi đã có nguyên một ngày đêm ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) để cảm nhận hết về một cái Tết sớm nơi vùng biên ải. Mùa này, những Tú Mịch, Yên Khoái, hay Mẫu Sơn… mới nghe thôi, đã thấy rét rồi. Bản tin thời tiết ngày nào cũng nhắc đến Mẫu Sơn với nền nhiệt độ thấp, có thời điểm băng giá, tuyết rơi nhiều.

Mặc chiếc áo bông xù xì, Thiếu tá Bùi Thành Trung, Trạm trưởng Trạm KSBP cửa khẩu Chi Ma vừa nói vừa run lập cập bởi quá lạnh. Thiếu tá Trung rành rẽ: Nhiều chiến sĩ đã 2-3 năm chưa về đón Tết cùng gia đình đấy. Mình thương anh em lắm, nhưng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới không thể lơ là, nên phải gác tình riêng lại.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma quản lý địa bàn biên giới 3 xã Tú Mịch, Yên Khoái và Mẫu Sơn thuộc huyện Lộc Bình. Đường biên giới trải dài trên 16km, tiếp giáp với Trung Quốc; có địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn. Dọc theo đường biên giới thuộc địa bàn của Đồn quản lý là các lán trại dã chiến được dựng lên nằm cheo leo trên các mỏm đồi, khe suối. Mặc mưa rét, gió lạnh, mỗi lán vẫn thường trực hai chiến sĩ, ngày đêm canh gác. Những bước chân không mỏi, những ánh mắt không ngủ của người lính đã góp phần để vùng biên cương trở nên yên bình. Những tổ, chốt được dựng lên, là cột mốc sống để các anh vừa làm nhiệm vụ chống dịch, vừa ngăn chặn buôn bán hàng lậu, hàng cấm.

Với người lính biên thùy, đón Tết trên điểm chốt… đã không còn là chuyện hiếm. Đó dường như cũng đã trở thành những kỷ niệm khó quên, theo suốt quãng đời quân ngũ của những người lính. Trong thời khắc giao thừa, có bâng khuâng đấy, diết da đấy… nhưng tất cả đã qua nhanh để nhường chỗ cho một suy nghĩ, một mệnh lệnh duy nhất: vững tay súng vì sự bình yên của Tổ quốc.

Trung tá Lý Văn Tý, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma trải lòng: Năm nào, công tác chuẩn bị cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết tại biên cương cũng được đơn vị tổ chức chu đáo, đầm ấm. Ngoài tự gói bánh chưng, cán bộ chiến sĩ còn được thưởng thức thêm nhiều nhu yếu phẩm mang hương vị Tết. Quan trọng nhất, đơn vị đã làm tốt công tác động viên tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ xác định rõ nhiệm vụ, yên tâm bám chốt.

Cán bộ Đồn Biên phòng Chi Ma kể: Năm nào, đơn vị cũng tổ chức đón Tết cổ truyền sớm cho cán bộ, chiến sĩ. Bởi thời điểm giữa Tết, nhiều đối tượng xấu lợi dụng vượt biên, buôn bán hàng cấm… nên 100% quân số đều ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Mặc mưa rét, gió lạnh, mỗi lán trại vẫn thường trực hai chiến sĩ, ngày đêm canh gác không để các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.
Mặc mưa rét, gió lạnh, mỗi lán trại vẫn thường trực hai chiến sĩ, ngày đêm canh gác không để các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép

Thấm đẫm tình quân dân

Từ bao giờ, đồn đã là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các DTTS là anh em ruột thịt. Với người lính ở Đồn Biên phòng Chi Ma, địa bàn đóng quân đã là quê hương thứ hai, thấm đẫm kỷ niệm với những đồng bào Tày, Dao, Nùng… nơi biên giới Việt - Trung.

Thiếu tá Bùi Thành Trung, Trạm trưởng Trạm KSBP cửa khẩu Chi Ma trải lòng: Đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tập quán canh tác của đồng bào còn lạc hậu chưa được xóa bỏ. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và Nhân dân còn hạn chế... Thế nên, công tác dân vận, “bốn cùng” rất quan trọng.

Chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân nơi đây. Trước hết, để xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu; cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” với bà con. Mưa dầm thấm lâu, những nghĩa cử, việc làm, hành động của cán bộ chiến sĩ đã gieo lên những niềm tin, hy vọng về cuộc sống mới của đồng bào qua những mô hình kinh tế, chương trình an sinh hiệu quả.

Chưa lúc nào như ở thời điểm này, tôi lại cảm nhận rõ một tình cảm sâu bền giữa cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma với bà con dân bản đến vậy. Hơn 10 trẻ là con, em của đồng bào Dao, Tày, Nùng… có hoàn cảnh khó khăn đã được Đồn nhận nuôi, đỡ đầu. Nghĩa cử trân quý ấy của những chiến sĩ quân hàm xanh đã mở rộng cánh cửa học tập, cánh cửa vào đời cho những đứa trẻ miền sơn cước vốn đang quá nhiều khó khăn và thiệt thòi.

Ngoài những ngày bám chốt, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi xuống tận mỗi bản làng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng bà con. Việc của dân bản cũng là việc của Đồn, dân bản ốm đau được cấp thuốc và khám bệnh… những phần việc của bà con dân bản tự bao giờ đã là việc chung của cả những người lính biên phòng Chi Ma. Những công trình như 21 nhà vệ sinh của người Dao ở thôn Lặp Pịa, 250m đường bê tông ở thôn Trà Ký xã Mẫu Sơn; hay ở xã Yên Khoái và Tú Mịch là nhà văn hóa thôn Long Đầu, 1.300m đường bê tông liên thôn Long Đầu, Nà Tẩu, Cốc Nhãn… không chỉ thấm đẫm mồ hôi, công sức của người lính mà còn thắt chặt hơn tình quân dân vùng đất phên giậu. Rồi, tập tục nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới nhà sàn, sát khu vực nhà ở… đã được cán bộ, chiến sĩ vận động bà con di dời ra xa, đảm bảo vệ sinh.

Một cái Tết nữa lại về. Sắc xuân miền biên viễn dường như ấm áp hơn, vui tươi hơn… bởi trong bao hương sắc ấy là những nhọc nhằn, gian khổ, hy sinh của những người lính quân hàm xanh ngày đêm canh giữ. Xin được mượn ca từ của bài hát “Hát về anh” để thay cho lời kết như một niềm tri ân tha thiết: “Xin hát mãi về anh người chiến sĩ biên cương”.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Quý I/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 7.536 tỷ đồng

Đắk Lắk: Quý I/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 7.536 tỷ đồng

Vừa qua, ngày 17/4 Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Đắk Lắk đã tổ chức phiên họp đánh giá kết quả hoạt động trong quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì phiên họp. Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh.