Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Giá điện “nhảy múa” vì biểu giá lỗi thời

Sỹ Hào - 10:16, 01/07/2020

Giá bán lẻ điện sinh hoạt theo cách tính 6 bậc áp dụng từ đầu năm 2014 đến nay đã bộc lộ quá nhiều bất cập, đặc biệt là người dân đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Việc sửa đổi cách tính giá điện bán lẻ đang là yêu cầu gắt gao, nhưng đơn vị có trách nhiệm thì vẫn chần chừ.

Giá điện tăng cao đột biến một phần nguyên nhân do bất cập trong biểu giá điện 6 bậc. (Ảnh minh họa)
Giá điện tăng cao đột biến một phần nguyên nhân do bất cập trong biểu giá điện 6 bậc. (Ảnh minh họa)

Biểu giá 6 bậc đã lỗi thời

Từ tháng 3/2015, Bộ Công Thương đã áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc. Theo đó, bậc thấp nhất (sử dụng từ 0 - 50KWh/tháng) được tính 1.678 đồng/KWh; bậc 2 (từ 51 - 100KWh/tháng) là 1.734 đồng/KWh… Bậc cao nhất (bậc 6, từ 401KWh/tháng trở lên) là 2.927 đồng/KWh.

Theo Bộ Công Thương, đơn giá điện theo bậc thang nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm; từ đó tiết kiệm chi phí cho từng gia đình, nhất là hộ nghèo. Cụ thể, với đơn giá bậc 1 (0 - 50KWh), một gia đình tối đa mỗi tháng cũng chỉ phải trả hơn 83.900 đồng/tháng.

Chi phí sinh điện sinh hoạt hằng tháng này có thể xem là phù hợp với hàng triệu hộ nghèo vào thời điểm đó. Bởi phần lớn hộ nghèo lúc đó chỉ sử dụng điện cho thắp sáng; hộ nghèo, nhất là hộ nghèo là người DTTS, khó có thể mua sắm các thiết bị sinh hoạt như điều hòa, tủ lạnh… Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2015 của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, trong tổng số khoảng 3 triệu hộ người DTTS trên cả nước thì chỉ có 32,2% hộ có tủ lạnh, 2,9% hộ có điều hòa...

Nhưng điều kiện sinh hoạt của đa số gia đình Việt Nam, trong đó có hộ DTTS, hiện đã được nâng lên rất nhiều, các thiết bị tiêu thụ điện cũng được sử dụng rộng rãi hơn. Kết quả tổng hợp từ 63 tỉnh/thành của TCTK cho thấy, hết năm 2019, cả nước có 80,5% hộ có tủ lạnh, 31,4% hộ có điều hòa…

Do đó, hiện không nhiều gia đình, kể cả hộ nghèo, sử dụng dưới 50KWh điện mỗi tháng. Chỉ tính riêng thiết bị cắm nguồn điện thường xuyên là tủ lạnh, một thiết bị có dung tích 150 lít, công suất 100 - 150W thì bình quân tiêu thụ ít nhất 45 KWh/tháng; tủ lạnh có công suất 170 - 210W thì ít nhất sẽ “ngốn” 120 KWh/tháng.

Làm giá điện “nhảy múa”

Biểu giá điện 6 bậc không những không theo kịp sự phát triển của xã hội mà còn đi ngược với Logic tiêu dùng hàng hóa thông thường, tức là càng mua nhiều càng rẻ. Đây là lý do khiến giá điện “nhảy múa” vào những dịp cao điểm như 2 tháng gần đây.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 6/2020 có tới 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5. Mức tiêu thụ điện tăng cao nên với biểu giá điện 6 bậc, chi phí tiền điện của người dân cũng tăng đột biến.

Ví dụ, với một gia đình sử dụng hết 1.000 KWh/tháng thì 50KWh đầu tiên, số tiền phải thanh toán là 83.900 đồng; từ 51 - 100KWh tiếp theo là 174.000 đồng; từ 101 - 200KWh là 402.000 đồng; từ 201 - 300KWh là 768.000 đồng; từ 301 - 400 là 1,133 triệu đồng; từ 401 - 1.000KWh là 1,180 triệu đồng. Vị chi, trong tháng này gia đình phải nộp hơn 3,74 triệu đồng (chưa tính thuế giá trị gia tăng).

Như vậy, chỉ cần tăng thêm 1 bậc giá thì số tiền điện sẽ tăng nhanh, tăng nhiều hơn so với mức tiêu thụ điện. Trong điều kiện số hộ sử dụng điện từ 50KWh trở xuống rất hiếm như hiện nay, thì ngành Điện vẫn hưởng lợi.

Vào tháng 3/2015, sau khi biểu giá điện bán lẻ 6 bậc đưa vào áp dụng, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. Khi ấy, Bộ Công Thương và EVN đã phải tổ chức hội thảo khắp 3 miền để lấy ý kiến đóng góp cho đề án cải tiến biểu giá điện; đề án này cũng đã đưa ra 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Tuy nhiên, đến nay, bản dự thảo này chưa rõ số phận ra sao, chỉ biết biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn như cũ. Và vì vậy, giá điện vẫn cứ “leo thang” vào mỗi dịp cao điểm nắng nóng, cùng với đó là những “lùm xùm” liên quan đến ngành Điện.

Tin cùng chuyên mục