Nguồn cung tăng khiến giá gạo xuất khẩu đi xuống
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam giảm trong tuần qua, do nhu cầu thấp hơn và nguồn cung tăng, trong khi giá gạo của Ấn Độ ổn định nhờ nhu cầu của các nước châu Phi được duy trì.
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu là đi ngang. Nguồn cung lúa gạo đang tăng lên nhờ vào vụ Hè Thu. Điều này khiến cho giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ.
Nguồn cung gạo Việt khá dồi dào. Thêm vào đó, giá gạo xuất khẩu đang điều chỉnh sau một thời gian dài tăng cao. Cùng với đó, đầu vụ Hè Thu năm nay gặp mưa nên chất lượng giảm, nhiều khách hàng đang chờ chứ chưa mua lại nên giá gạo quay đầu giảm.
Ông Nguyễn Việt Anh Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông
Về xuất khẩu, theo các nhà giao dịch, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức giá từ 580 - 585 USD/tấn vào ngày 30/5, giảm so với mức từ 585 - 590 USD/tấn của tuần trước đó. Một nhà giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh cho biết giá gạo giảm khi nguồn cung tăng, do nông dân thu hoạch vụ Hè Thu nhiều hơn.
Trong đợt đấu thầu gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog) Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã trúng thầu 100.000 tấn gạo trên tổng số 300.000 tấn. Công ty Lộc Trời trúng thầu với mức giá 563 USD một tấn, thấp hơn 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD.
Ngoài Lộc Trời, các doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng cho biết giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng giảm không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, gạo có thể còn giảm thêm nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại.
Ông Đinh Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho rằng, giá gạo còn tùy thuộc vào cung cầu, lượng hàng tồn kho gạo trong doanh nghiệp còn lớn nên đẩy giá đi xuống. Theo dự báo của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), nguồn cung lúa gạo trên toàn cầu có xu hướng tăng nên sẽ tác động lên giá lúa gạo xuất khẩu.
Còn theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, nguồn cung gạo Việt khá dồi dào. Thêm vào đó, giá gạo xuất khẩu đang điều chỉnh sau một thời gian dài tăng cao. Cùng với đó, đầu vụ Hè Thu năm nay gặp mưa nên chất lượng giảm, nhiều khách hàng đang chờ chứ chưa mua lại nên giá gạo quay đầu giảm.
Nhu cầu gạo trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá lúa gạo giảm trong thời gian qua chỉ là tạm thời. Sắp tới, khi nhu cầu từ các thị trường chính tăng, chất lượng cải thiện trở lại, giá gạo sẽ quay đầu đi tăng.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Bộ Công Thương đã gửi công văn hỏa tốc về việc xuất khẩu gạo vào Indonesia. Bộ này chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai và xác minh một số nội dung liên quan đến giá gạo xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ cho rằng hành vi xuất khẩu gạo giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Theo Bộ này, Indonesia là thị trường xuất khẩu truyền thống và trọng điểm của Việt Nam nên có những biện pháp bảo vệ thị trường và hiệu quả xuất khẩu.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,6 triệu tấn, kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 34,8% về giá trị. Hiện nhu cầu gạo trên thị trường thế giới vẫn duy trì ở mức cao, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam.
Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT khẳng định nguồn cung lúa gạo Việt Nam đang ổn định. Tại các tỉnh phía Nam, vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong và cho năng suất tốt. Vụ Hè Thu các tỉnh đang xuống giống. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,2 triệu ha, sản lượng ước khoảng 0,5 triệu tấn thóc.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, tính đến trung tuần tháng 5, cả nước đã gieo cấy được 4,2 triệu ha lúa, bằng 99% so với cùng kỳ. Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 2,64 triệu ha, bằng 100,3%. Sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt trên 17,84 triệu tấn, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích lúa từ nay đến cuối năm dự kiến gieo cấy khoảng 2,89 triệu ha; diện tích thu hoạch dự kiến đạt 4,45 triệu ha, sản lượng lúa dự kiến thu được khoảng 25,56 triệu tấn.