Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Gia Hội thay đổi hành động, gìn giữ môi trường

PV - 16:07, 13/09/2021

Tình trạng ô nhiễm môi trường do thói quen xả rác bừa bãi, tập quán chăn nuôi thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà… là một thực tế tồn tại lâu nay ở không ít vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã Gia Hội, huyện Văn Chấn (Yên Bái) với trên 90% dân tộc thiểu số sinh sống cũng từng như vậy.

Người dân xã Gia Hội, huyện Văn Chấn thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò chứa công cộng
Người dân xã Gia Hội, huyện Văn Chấn thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò chứa công cộng

Cùng với việc hạ tầng giao thông được đầu tư khang trang, chính quyền và các hội, đoàn thể tại địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức về môi trường, bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng như tập quán chăn nuôi.

Trước hết, các cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, nói trước, làm trước. Xã còn mời cán bộ y tế xã trực tiếp đến tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ về tác hại của việc nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, kết hợp với việc trực tiếp cảm nhận và đánh giá môi trường sống tại những hộ gia đình đã xây dựng chuồng trại xa nhà ở để thấy rõ lợi ích. Nhờ đó, đến nay, 100% hộ gia đình xây dựng chuồng trại, không còn tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn.

Việc xử lý rác thải sinh hoạt được thực hiện bằng cách đào hố, phân loại và chôn lấp đã dần trở thành thói quen, hạn chế hẳn tình trạng xả rác bừa bãi trước kia. Đến Gia Hội hôm nay, có thể thấy những bể chứa rác sinh hoạt được xây dựng dọc Quốc lộ 32.

Chị Đinh Thị Hường - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Hội cho biết: "Xã không có điểm xử lý rác tập trung, nên việc xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 18 bể chứa rác công cộng. Mỗi bể này được phân công cho 1 hộ gia đình quản lý, nhằm bảo quản và sử dụng đúng mục đích. Hội cũng phân công các chi hội tổ chức hướng dẫn chị em cách phân loại rác tại nhà, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh nhà. Rác thải được thu gom để tiêu hủy, tuyệt đối không vứt rác ra suối. Đồng thời, định kỳ hàng tháng tổ chức hội viên vệ sinh đường làng, ngõ xóm gắn với thực hiện phong trào 5 không, 3 sạch”.

Việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được xã Gia Hội đặc biệt quan tâm, không chỉ giữ gìn môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ năm 2017, việc hỗ trợ, hướng dẫn, vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đã trở thành một phần việc của Hội Phụ nữ xã đăng ký thực hiện, với chỉ tiêu mỗi năm xây dựng ít nhất 8 nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo đó, Hội đã nhận ủy thác cho các hộ hội viên vay vốn làm nhà vệ sinh từ nguồn vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Với những hộ nghèo đăng ký thoát nghèo trong năm, sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà vệ sinh từ Đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2021, đã có 22 nhà vệ sinh được xây dựng, nâng tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm 3 sạch đạt 56%, 100% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Anh Hoàng Văn Luân ở thôn Minh Nội chia sẻ: "Năm vừa rồi, gia đình tôi được hỗ trợ kinh phí 5 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh. Gia đình tôi đã quyết định dù không có hỗ trợ cũng phải cố gắng xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, bởi những tiện ích và lợi ích về sức khỏe. Quả thực, xây dựng xong nhà vệ sinh này, sinh hoạt sạch sẽ, tiện lợi hơn hẳn. Mọi người trong gia đình ai cũng mừng”.

Bên cạnh những mái nhà sàn, những ngôi nhà mới khang trang đang được dựng xây, xã Gia Hội nay đã có những tuyến đường bê tông sạch đẹp, rác thải được thu gom gọn gàng, những hàng cây xanh, những bồn hoa khoe sắc được bà con vun trồng, chăm sóc… Dù tất cả chỉ mới bước đầu nhưng sự khởi đầu tốt đẹp này sẽ làm nên một diện mạo mới cho xã vùng cao Gia Hội trong nay mai./.