Dang Kang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, có hơn 58% dân số là đồng bào DTTS. Năm 2017, xã Dang Kang được Hội LHPN huyện Krông Bông chọn làm thí điểm mô hình “Thực hành tiết kiệm từ nguồn phân loại rác thải tái chế tại hộ gia đình”.
Chị H’Len Byă, buôn Cư Păm (xã Dang Kang) chia sẻ: “Từ xưa đến nay, bà con chúng tôi không để ý gì đến việc thu gom rác thải sinh hoạt, trước thì vứt ngoài vườn, sau được các hội viên tuyên truyền biết bỏ thùng rác nhưng không biết cách phân loại. Từ khi tham gia vào mô hình, tôi đã biết cách phân loại rác và hạn chế sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần”.
Chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Bông cho biết: Với mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, năm 2017 thí điểm mô hình “Thực hành tiết kiệm từ nguồn phân loại rác thải tái chế tại hộ gia đình” được đông đảo người dân hưởng ứng. Các hộ dân thu gom, phân loại rác tại nhà và giữ lại rác có thể tái chế đến ngày định kỳ mang đến một điểm để bán phế liệu. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán phế liệu sẽ được bỏ vào quỹ của chi hội để thăm hỏi hội viên, phụ nữ nghèo vào các dịp lễ, tết.
Được biết, ngoài mô hình “Thực hành tiết kiệm từ nguồn phân loại rác thải tái chế tại hộ gia đình” của Hội LHPN huyện Krông Bông, các cấp Hội LHPN của tỉnh Đăk Lăk cũng đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Đó là mô hình “Đường hoa đô thị” của Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố 1, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột); mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường, tái chế vỏ hộp sữa, chống rác thải nhựa” của Hội LHPN phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột); hay chương trình đổi rác thải nhựa lấy quà tặng “Vì một môi trường không rác thải nhựa” tại xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông… Nhờ đó, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân từ nông thôn đến thành thị được nâng lên rõ rệt.