Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Thương nhớ kơ nia

Tiêu Dao - 08:13, 19/05/2022

Lừng lững và cô độc giữa nắng gió cao nguyên, cùng với khan, cồng chiêng, tượng gỗ nhà mồ... kơ nia trở thành biểu tượng của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Nhưng giờ đây, họa hoằn lắm mới tìm thấy một vài cây ở típ tắp những làng xa.

Kơ nia là cây “mồ côi” bởi loài này không mọc tập trung thành rừng mà rải rác, đơn lẻ.
Kơ nia là cây “mồ côi” bởi loài này không mọc tập trung thành rừng mà rải rác, đơn lẻ.

Lừng lững một biểu tượng bất diệt

Có lẽ, ai cũng từng nghe đến một loài cây đặc trưng ở miền cao nguyên, ít nhất là qua lời bài hát “Bóng cây kơ nia" của nhà thơ Ngọc Anh. Nhưng tượng hình, dáng cây, thế đứng như thế nào, chắc chẳng mấy người mường tượng ra. Cả người trẻ Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng, Ba Na... của vùng đất này cũng ít còn được thấy nữa.

Amí Toan (gần 70 tuổi, người làng Ah, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) ngồi ghếch chân lên cầu thang nhà sàn, mắt chỉ về phía gần nhà mồ của làng bảo làng chỉ còn một cây kơ nia đó, nó là cây kơ nia con, mọc lên từ gốc cây kơ nia mẹ đã chết mấy chục năm trước.

Có lẽ chính vì sức sống bền bỉ, mãnh liệt, bốn mùa không thay lá mà kơ nia trở thành huyền thoại, biểu tượng của đồng bào Tây Nguyên. Cây kơ nia chẳng biết vì sao lại là loài cây cô độc, thường mọc một mình giữa cánh rừng, giữa triền đồi cao, hay trong những lũng sâu. Họa hoằn lắm mới thấy kơ nia mọc đôi, mọc ba, nhưng rất ít. Amí Toan bảo, kơ nia trên những triền thảo nguyên nắng gió không mọc nhiều bao giờ, nó lừng lững vươn cao lên hẳn so với những cây rừng khác. 

(BÀI CTV) Thương nhớ kơ nia 1

Nắng lửa sáu tháng mùa khô đằng đẵng, cây vẫn một màu xanh thủy chung. Càng nắng, cây càng xanh tốt hơn. Cây thẳng tắp vươn cao giữa đại ngàn. Những cành cây như những cánh tay gân guốc giang rộng giữa trời xanh. Giông bão bao phen, bom đạn chiến tranh bao phen quật đổ bao loài cây, riêng kơ nia vẫn hiên ngang, sừng sững. Có phải vì thế mà cây được ví như người Tây Nguyên, ngay thẳng, kiên trung, bất khuất.

NGià Rơ Châm Chuck (làng Phung, Xã Ia mơ nông) mơ màng nhớ: “Ngày đó, tôi còn thấy cây kơ nia có mặt ở khắp nơi: chân núi, ven đồi, đầu buôn, bờ suối… Nhưng người ta đã ngả cây, đốn gỗ, phá rừng làm nương rẫy. Những cây kơ nia cũng chịu chung số phận của những cánh rừng. Có một dạo, người ta còn muốn chặt hạ cả mấy cây kơ nia đầu buôn để lấy đất xây nhà, dựng quán. Nhưng già làng đã không cho phép ai được làm điều đó. Bởi kơ nia là người thân của buôn làng, là hồn cốt của buôn làng, phải giữ lấy!”. Bây giờ, kơ nia thân thương của làng Phung vẫn đó, giang rộng tay nơi bến nước, xòa bóng mát bên đường buôn cho người làng nghỉ chân mỗi lúc mệt nhoài.

Thao thiết gió triền đồi

Kơ nia phát triển hết cỡ có thể cao đến 30 - 40 mét, đường kính vòng thân trên dưới nửa mét. Tán lá luôn vun hình bầu dục, vươn thẳng lên trời, xanh tốt quanh năm vì không có mùa thay lá.

Mùa kơ nia rụng quả, người dân có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ hạt đặc sản của núi rừng Tây Nguyên.
Mùa kơ nia rụng quả, người dân có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ hạt đặc sản của núi rừng Tây Nguyên.

Cuối tháng 4, cũng là cuối mùa khô Tây Nguyên, gió vẫn thao thiết triền đồi, nắng vẫn hừng hực vàng, những rừng cao su, cà phê, tiêu vẫn đang xanh ngăn ngắt một màu, nhưng dường như đều đặn và bình lặng quá đỗi trong những cánh rừng cây trồng công nghiệp ấy. Chẳng còn mấy cây kơ nia ở vùng đất này nữa. Già Rơ Châm Chuck vẫn nhớ ngày xưa vùng này nhiều kơ nia lắm, ngó hướng mặt trời mọc có kow nia, hướng mặt trời lặn có kow nia, hướng núi Păh có kow nia, hướng nào cũng có kơ nia. Kơ nia thấp thoáng xa xa, cao hẳn lên trên tán rừng, đó là điểm đánh dấu cho những buôn làng. Nhìn về hướng đó, già Chuck biết đó là làng Kep, hướng kia là làng Ah, hướng kia nữa là làng B’loi, hay làng Mun. Hay xa xa hơn nữa nơi dòng Sê San mà nay thành lòng hồ thủy điện Ialy, thì có làng Yã, hay các làng khác nữa. Chỉ cần nhìn thấy cây, là biết ở đó có làng.

Không chỉ già Chuck, mà những người làng khác, ở những vùng đất khác, trên cao nguyên Kon Tum, hay cao nguyên Lâm Viên, hay dưới vùng thung lũng Ayun, dưới vùng An Khê, của những tộc người Ê Đê, Xê Đăng, Ba Na... đều thao thiết với kơ nia. Không chỉ là cây bóng mát, kơ nia đã soi bóng xuống hai cuộc chiến tranh tàn khốc và anh dũng của vùng cao nguyên này. Trong những ngày tháng chiến đấu cam go mất còn với kẻ thù, hẳn đã có rất nhiều người tựa nương vào kơ nia tránh lửa đạn, đập hạt kơ nia ăn chống đói. Hay những lúc im tiếng súng lại có những người như già Chuck lại ngồi tựa đầu dưới bóng mát cổ thụ trăm năm, để nhớ thương một khúc dân ca vẳng lại từ ký ức như những ngày còn nằm trên lưng mẹ.

Sau khi trái kơ nia rụng một thời gian, lớp vỏ thịt mỏng bị phân hủy còn hạt được bọc bởi lớp vỏ gỗ nên để cả năm không hỏng.
Sau khi trái kơ nia rụng một thời gian, lớp vỏ thịt mỏng bị phân hủy còn hạt được bọc bởi lớp vỏ gỗ nên để cả năm không hỏng.

“Bây giờ kơ nia còn ít quá!”, già Chuck bước vào nhà. Câu chuyện đột nhiên rơi vào im lặng. Già Chuck trao đổi gì đó với lũ trẻ bằng ngôn ngữ Gia Rai, rồi lũ trẻ cũng sôi nổi hẳn. Chúng mang ra một rổ hạt. Chỉ vào đó và nói: “Mình đi chăn bò thường nhặt quả kơ nia ăn, ngon lắm. Hạt của nó ăn bùi gần giống đậu phộng. Con nai con cũng rất thích ăn quả này!”.

Hóa ra, kơ nia không còn mấy nữa, nhưng những cây kơ nia con vẫn còn lại đâu đó trong những khoảnh rừng da báo, lẫn với những ruộng rẫy. Và vào mùa, người làng lại đến gốc cây để nhặt quả. Thú vị là cây kơ nia có… cây đực và cây cái. Cây cái thì mỗi năm hoặc hai ba năm sẽ cho quả kiểu như hạt dẻ, đập ra ăn có vị béo, thơm quyện nơi chót lưỡi.

 Quả kơ nia khi mới chín rụng xuống, phần thịt bên ngoài có vị ngọt. Trái xanh có vị chua người dân thường lấy về kho với cá suối rất ngon. Sau khi trái rụng một thời gian, lớp vỏ thịt mỏng bị phân hủy còn hạt được bọc bởi lớp vỏ gỗ nên để cả năm không hỏng. Mấy năm trở lại đây, hạt kơ nia bắt đầu được nhiều người biết đến, trở thành món ăn vặt thay cho hạt bí, hạt dưa, ăn một lần là nhớ mãi. Do vậy, du khách mỗi lần đến Tây Nguyên đều tìm mua một ít hạt kơ nia về làm quà. Nhờ đó, mùa kơ nia rụng quả, người dân có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ hạt đặc sản của núi rừng Tây Nguyên.

Trong ký ức của lớp người già, kơ nia có rất nhiều và đã trở thành huyền thoại của đất Tây Nguyên
Trong ký ức của lớp người già, kơ nia có rất nhiều và đã trở thành huyền thoại của đất Tây Nguyên

Chiều hoàng hôn phủ xuống đỏ ối phía triền tây, tôi dừng lại, ngắm nhìn để cảm nhận sâu hơn những cảm xúc mà mình có được về một loài cây biểu tượng này. Tiếng lá rì rầm như một lời thủ thỉ trò chuyện từ ngàn xưa vọng lại, tiếng chim hót ríu ra ríu rít trên cao. Thỉnh thoảng, đàn chim cất cánh bay lên giữa không trung rồi lúc lại trở về chốn cũ trên những cành cây vươn ra giữa bầu trời. Không biết ở những vùng đất khác trên cao nguyên này có còn nơi nào giữ lại được nhiều cây kơ nia không? Làm sao đừng để kơ nia chỉ còn trong hoài niệm? Và nếu không được “bảo tồn” ngay từ giờ này, thì kơ nia có lẽ cũng sẽ chỉ còn là… ký ức, như cái cách mà Amí Toan hay già Chuck vẫn thẫn thờ nhắc nhớ.

Nhiều thương lái thu mua hạt kơ nia của bà con với giá 50.000 đồng/kg nhân hạt, sau đó mang về loại bỏ những hạt xấu, bị hư rồi phơi khô, rang lên, đóng bì bán với giá 140.000 đồng/kg. Khi rang lên sẽ làm mùi tinh dầu hăng nồng trong hạt mất đi, khi ăn không còn cảm thấy nhớt nhớt trong miệng như lúc nhai sống, phần nhân hạt lúc này trở nên thơm hơn, béo ngậy và giòn tan. Những ai dù chỉ thử một lần loại hạt rừng dân dã này sẽ vô cùng thích thú. Chính vì thế hạt Kơ nia đã trở thành đặc sản, món quà biếu đậm hương vị núi rừng của vùng đất Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.