Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Gia Lai: Đa dạng hình thức tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Hà Nguyễn - 19:00, 14/09/2021

Một trong những nguyên nhân gây nghèo, giảm chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT). Trước những hệ lụy do TH&HNCHT để lại, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp để góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi trong hôn nhân là giải pháp quan trọng để giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT. (Ảnh minh họa, chụp trước 29/4/2021)
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi trong hôn nhân là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT. (Ảnh minh họa, chụp trước 29/4/2021)

Tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao

Huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai có đến 90% là đồng bào DTTS sinh sống. Những năm qua, địa phương ghi nhận nhiều trường hợp tảo hôn, có những em mới chỉ 14,15 tuổi đã kết hôn.

Từ khi gia đình Puih L (15 tuổi) ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa làm lễ về nhà mới cho chú rể, cô dâu, cũng là lúc không ai còn nhận ra cô học trò nhỏ nhắn, hồn nhiên như ngày nào. Gương mặt Puih L trông già dặn, rám nắng vì vất vả, cuộc sống sau khi lấy chồng không được như ý muốn. “Em không muốn lấy chồng sớm cho khổ nhưng số phận đã định rồi nên phải chịu thôi”, Puih L buồn rầu nói.

Puih L chỉ là một trong nhiều trường hợp tảo hôn ở Huyện Ia Pa nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Cuộc sống sau khi tảo hôn đã để lại những hệ lụy mà chính các em cũng không ngờ tới. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2015-2020, mặc dù số trường hợp TH&HNCHT giảm qua hàng năm nhưng còn thấp. Cụ thể, năm 2015, tỉnh Gia Lai có 1.132 cặp tảo hôn, năm 2016 là 1.355 cặp; đến năm 2020, trong tổng số hơn 8.600 cặp kết hôn có 869 cặp tảo hôn, chiếm 10%. Như vậy, trong 5 năm thực hiện Đề án, tỉnh Gia Lai mới chỉ giảm được 0.34% tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS.

Trước thực trạng TH&HNCHT trong đồng bào DTTS vẫn tiếp diễn, thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025, tỉnh Gia Lai đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 quyết tâm phấn đấu giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống; Đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS.

Xác định mũi nhọn tuyên truyền để đẩy lùi vấn nạn

Để thực hiện được mục tiêu đó, chính quyền các cấp, đoàn thể xác định tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi trong hôn nhân là giải pháp quan trọng nhất để giảm thiểu TH&HNCHT.

Một trong những điểm nhấn trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền là việc thành lập các Câu lạc bộ (CLB). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thành lập nhiều CLB tại 190/220 xã, thị trấn thuộc 17 huyện, thị, thành phố như: CLB "Chi hội phụ nữ không có chồng, con em mắc tệ nạn xã hội và phạm tội, không bạo lực gia đình"; CLB "Phòng, chống tội phạm"; CLB "Phụ nữ với pháp luật"... với trên 10.000 thành viên tham gia; hơn 90 CLB "Nói không với TH&HNCHT" hơn 2.600 thành viên tham gia.

Theo chương trình hoạt động, các thành viên trong CLB thường xuyên đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân. Đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc lồng ghép vào những buổi họp làng để tuyên truyền và tư vấn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình...cùng với thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”. Tổ chức liên hoan tuyên truyền viên giỏi nuôi dạy con tốt; hội thảo "Kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên"...

Các hoạt động do các cấp Hội triển khai được hội viên, phụ nữ hưởng ứng, nhiều địa phương đã có sáng kiến trong việc đưa nội dung "Nói không với tảo hôn" vào hương ước, quy ước của thôn làng để góp phần hạn chế tảo hôn tại địa phương.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên, ngành Tư pháp, Công an mở các lớp truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật…với hàng chục ngàn lượt cán bộ hội viên, phụ nữ tham gia.

Theo Kế hoạch số 492/KH-UBND ngày 04/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025", trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ cùng các cấp, ngành địa phương thực hiện nhiều  giải pháp như: Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về TH&HNCHT; Biên soạn, phát hành tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và phòng, chống TH&HNCHT bằng tiếng Việt, tiếng Bahnar và tiếng Jrai.

Đồng thời xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT”; Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật…Phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra là đến năm 2025 ngăn chặn, hạn chế tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. 

Tin cùng chuyên mục
Giải quyết việc làm cho người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Giải quyết việc làm cho người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Đồng hành, hỗ trợ người lầm lỗi sau khi chấp hành án phạt tù làm lại cuộc đời, Công an huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã sẻ chia, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời tạo sinh kế giúp họ ổn định cuộc sống.