Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Gia Lai: HĐND tỉnh khóa XII thông qua 28 Nghị quyết quan trọng

Ngọc Thu - 06:05, 09/12/2023

Sau 3 ngày (từ ngày 6/12 - 8/12) làm việc tích cực, với nhiều thảo luận, kiến nghị, đề xuất, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã biểu quyết thông qua 28 nghị quyết quan trọng.

Quang cảnh kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII
Quang cảnh kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII

Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu nghe đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai và một số ban, ngành báo cáo tình hình hoạt động năm 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 cùng một số nội dung quan trọng khác. Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận chung tại hội trường với nhiều vấn đề trọng tâm và những vấn đề nổi cộm, cấp thiết được cử tri quan tâm. Cùng với đó, tập trung giải trình, chỉ ra những nguyên nhân tồn tại ảnh hưởng đến nhiều mặt công tác trong năm 2023 trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long phát biểu tại kỳ họp
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long phát biểu tại kỳ họp

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long nêu: Trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản có nhiều tác động về tỷ trọng, cơ cấu cây trồng đạt thấp đã ảnh hưởng đến mức tăng chung. Theo đó, mức tăng 4,5% (kế hoạch 5,15%) là mức tăng trung bình so với cả nước, thấp hơn so với khu vực Tây Nguyên. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,05% vẫn không bù lại được sự giảm của ngành sản xuất và phân phối điện (giảm 7,03%) và kéo theo toàn bộ ngành công nghiệp của tỉnh giảm 1,14% ảnh hưởng đến mức tăng GRDP của toàn tỉnh.

Một số ngành dịch vụ tăng cao về doanh thu và giá trị sản xuất theo giá hiện hành như: bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, nghệ thuật vui chơi và giải trí... có ngành tăng hơn 17% nhưng vẫn xếp ở mức trung bình so với cả nước và khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư công, các hướng dẫn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chồng chéo, bất cập; giải ngân xây dựng cơ bản chậm (đến ngày 06/12/2023 đạt 50%, thấp hơn bình quân cả nước 11%).

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nêu lên các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện đối với các vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 2024 là năm hết sức quan trọng, việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu năm mới sẽ quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã đề ra. Theo đó UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ và các nhà máy chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau hoa và dược liệu,…Tiếp tục triển khai 35 dự án liên kết sản xuất đã đăng ký triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kêu gọi thu hút đầu tư các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông lâm sản tại các địa phương. Năm 2024, tỉnh tập trung đưa vào vận hành 962 MW và nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng. Tiếp tục kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy điện gió, điện mặt trời triển khai trên địa bàn tỉnh...

Đại biểu bổ sung các ý kiến, đề xuất về các vấn đề cử tri quan tâm tại kỳ họp
Đại biểu bổ sung các ý kiến, đề xuất về các vấn đề cử tri quan tâm tại kỳ họp

Tại hội trường, một số đại biểu bổ sung các ý kiến, đề xuất về các vấn đề cử tri quan tâm và được chủ tọa kỳ họp ghi nhận, chuyển các cơ quan của tỉnh xem xét, bổ sung trình UBND tỉnh quyết định, triển khai theo đúng quy định của pháp luật.

Tại kỳ họp, sau khi nghe ban thư ký đọc 28 nội dung nêu các tờ trình nghị quyết về các vấn đề quan trọng triển khai trong năm 2024, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã biểu quyết thông qua 28 tờ trình trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên khẳng định: “Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023 không đạt, trong đó có trách nhiệm của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc; vai trò, trách nhiệm tham mưu của các sở, ngành và địa phương trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ chưa chặt chẽ, còn làm việc “cầm chừng” sợ sai, thụ động, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm. Vấn đề này nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Vì vậy, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp, khả thi, quyết liệt hơn để tập trung tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn, khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc năm 2023 nhằm tạo ra đột phá vượt bậc trong việc thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2024.

Theo tổng hợp, tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã có hơn 90 lượt ý kiến thảo luận tổ và thảo luận chung tại hội trường, qua đó đại biểu đã biểu quyết và thông qua các nghị quyết trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 27 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

Nghị quyết chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 tỉnh Gia Lai: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,6%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.815 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 46.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 123.000 tỷ đồng; số lao động được tạo việc làm mới là 26.800 người; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn 6,11%; GRDP bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 7 xã; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 68,03%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đạt 95%; tỷ lệ che phủ của rừng (kể cả cây cao su) đạt 47,5%; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thực hiện quyết liệt các giải pháp, phấn đấu giảm thiểu tai nạn giao thông trong năm 2024 ở cả 3 tiêu chí…

Tin cùng chuyên mục
Những tiếng chiêng buồn trên cao nguyên Tu Mơ Rông !

Những tiếng chiêng buồn trên cao nguyên Tu Mơ Rông !

Mặc dù trời mưa lớn, nhưng 8 giờ sáng ngày 26/7, 86/86 thôn làng đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã tổ chức lễ tưởng nhớ, tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong niềm tiếc thương vô hạn, thể hiện tình cảm của đồng bào Xơ Đăng dành cho Tổng Bí thư, người lãnh đạo luôn một lòng vì nước, vì dân.