Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Gia Lai: Thúc đẩy công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

Ngọc Thu - 15:05, 06/12/2022

Nhằm thúc đẩy công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang đồng loạt triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.

Các cấp Hội LHPN tỉnh Gia Lai tích cực tuyên truyền phòng chống tảo hôn, bạo lực gia đình cho phụ nữ DTTS
Các cấp Hội LHPN tỉnh Gia Lai đang tích cực tuyên truyền phòng chống tảo hôn, bạo lực gia đình cho phụ nữ DTTS

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với 10 Dự án nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, Hội LHPN tỉnh Gia Lai được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Bà Rơ Chăm H’Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai (Trưởng ban Điều hành Dự án 8) cho biết: Với vai trò là cơ quan chủ trì, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tích cực, chủ động xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Dự án; Thành lập Ban điều hành Dự án cấp tỉnh để chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án; Xây dựng kế hoạch giai đoạn và kế hoạch năm tới các sở, ngành và địa phương; Nắm bắt tình hình và kịp thời hỗ trợ Hội LHPN các huyện, thị xã tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Dự án tại địa phương…

Cụ thể, Dự án 8 sẽ được triển khai tại 15 huyện, thị xã của tỉnh, trong đó, chú trọng triển khai 4 nội dung: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng; Hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và Người có uy tín trong cộng đồng tại 42 xã, 192 thôn đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh chọn 5 điểm triển khai Dự án 8 tại huyện Ia Pa, Mang Yang, Đak Đoa, Krông Pa và Phú Thiện. Tại đây, sẽ thành lập các tổ truyền thông cộng đồng; Địa chỉ tin cậy cộng đồng ở địa phương; Hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, trẻ em nghèo ở địa phương để thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản; Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi.

Cùng với đó, tại các địa phương, cấp huyện, Hội LHPN tỉnh đã giao Hội LHPN huyện chủ trì tham mưu thực hiện Dự án 8. Đến nay, 15/15 huyện, thị xã đã được phân bổ kinh phí hoạt động năm 2022 và 7/15 huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án.

 Đồng thời, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn thực hiện quy định quản lý, sử dụng kinh phí, quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Dự án 8 theo các Thông tư đã ban hành cho các đại biểu của Hội LHPN 15 huyện, thị xã triển khai Dự án 8 và các xã được chọn làm điểm của tỉnh và Trung ương. Từ đó, các đại biểu tập trung thảo luận những vướng mắc tại địa phương, giải pháp thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, thảo luận các giải pháp phối hợp triển khai…

Quang cảnh hội nghị hội nghị hướng dẫn triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Ảnh: M.C
Quang cảnh Hội nghị hướng dẫn triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Ảnh: M.C

Bà Siu H’Thoan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông, cho biết: Huyện Chư Prông có 20 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó, 60% là hội viên DTTS. Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn để cho người dân, cán bộ từ thôn, làng đến xã nắm rõ nội dung của Dự án 8. Sau đó, thành lập những tổ truyền thông, tuyên truyền về thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong bình đẳng giới của đồng bào DTTS, cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh thành lập và duy trì hoạt động 364 tổ truyền thông cộng đồng; 120 tổ tiết kiệm vay vốn thôn, bản được củng cố, nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới và duy trì; 20 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ;hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; 40 địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng cao chất lượng; 80% phụ nữ thuộc nhóm dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn…

Bà Rơ Chăm H’Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Được sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời của Trung ương Hội, UBND tỉnh, chúng tôi quyết tâm, cố gắng phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như các hoạt động đề ra đối với Dự án 8. 

Thông qua Dự án 8, sẽ là điều kiện thuận lợi để Hội LHPN tỉnh và các sở, ngành, địa phương thúc đẩy chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em DTTS, những người còn chịu nhiều thiệt thòi, rào cản xã hội nặng nề. Đồng thời, thúc đẩy quyền và trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước bền vững.