Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gia Lai với nỗ lực đánh thức tiềm năng, phát triển kinh tế vùng DTTS: Buôn làng khởi sắc (Bài 3)

Hòa Bình - 10:48, 11/12/2023

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và những quyết sách, chỉ đạo đúng hướng, kịp thời của tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đã và đang tiếp tục đem lại những gam màu sáng cho cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng năm 2023
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng năm 2023

Kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế

Chủ trương, định hướng thực hiện của tỉnh Gia Lai là, cùng với chính sách, dự hỗ trợ đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, là việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng; là việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Từ đó, đưa các sản phẩm đó lên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.

Đặc biệt, các địa phương đã chủ động triển khai các hoạt động thương mại, tuyên truyền như: Phối hợp với các đơn vị xây dựng các điểm bán hàng Việt, đặc biệt là những sản phẩm OCOP tại các huyện vùng xa như Krông Pa, Chư Pưh, Đăk Đoa, Chư Păh… để triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm, kết nối hàng hóa của Gia Lai lên các siêu thị, trung tâm bán hàng lớn.

Theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện một trong những nội dung của Dự án 3 Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Gia Lai đã tổ chức 10 Hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi; 12 lớp tập huấn với 630 học viên.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi thông qua các cơ quan truyền thông, các chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản OCOP cho các hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đi lại, thông thương cho người dân các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Gia Lai đã đầu tư cứng hoá đường liên xã 28 km; 76,7km đường giao thông các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Một số công trình đường giao đường liên xã đang triển khai và đã giải ngân để thanh toán nghiệm thu từng phần công việc thuộc các huyện như: Đak Pơ, Ia Grai, Ia Pa, Mang Yang.

Tỉnh Gia Lai chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đi lại, thông thương cho người dân các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS
Tỉnh Gia Lai chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đi lại, thông thương cho người dân các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Đơn cử như tuyến đường từ xã Đắk Tơ Ve đi xã Hà Tây được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Mùa mưa năm 2022, nhiều đoạn bị sạt lở khiến người và phương tiện khi đi qua đoạn đường này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước tình hình trên, huyện Chư Păh đã đầu tư làm lại tuyến đường liên xã. Theo đó, tuyến đường có chiều dài 10 km, rộng 5,5 m, tổng kinh phí xây dựng là 11 tỷ đồng. Tuyến đường hoàn thành sẽ tạo tiền đề quan trọng mở rộng thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân 2 xã.

Ông Cao Phi Văn, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ve, huyện Chư Păh cho biết: Trước đây, vào mùa mưa, con đường liên xã rất lầy lội, bà con đi lại khó khăn. Khi con đường được đầu tư, đi vào sử dụng, bà con xã Đăk Tơ Ve vô cùng phấn khởi. Từ nay, khoảng cách giữa 2 đơn vị hành chính cũng được rút ngắn. Bà con vận chuyển nông sản được thuận lợi sẽ thúc đẩy được kinh tế phát triển, tăng thu nhập, giảm được hộ nghèo”.

Đổi thay trên những buôn làng

Tại các vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là vùng tái định cư, người dân hăng say sản xuất, phát triển kinh tế. Đến thăm khu tái định cư buôn Du (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa), chúng tôi cùng chung niềm vui an cư với gần 100 hộ dân nơi đây khi được đi trên con đường bê tông phẳng lì sạch sẽ, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt kết nối đến từng hộ, nhà cửa xây dựng kiên cố, thoáng mát theo ô bàn cờ.

Trong căn nhà mới được dọn dẹp tươm tất, anh Rah Lan Bay, một người dân trong buôn kể: Được Nhà nước tạo điều kiện cấp đất ở tại khu tái định cư buôn Du, gia đình anh vay thêm 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, xây dựng căn nhà kiên cố rộng 65 m2, với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Căn nhà cũ ở buôn Hlang, gia đình vẫn giữ lại để làm nơi nghỉ ngơi khi đi làm. 

"Khu tái định cư có đầy đủ điện nước, đường giao thông đảm bảo an toàn, rộng rãi nên bà con rất phấn khởi. Từ nay, chúng tôi không còn thấp thỏm lo nhà cửa, đất đai bị sạt lở nữa, cuộc sống cũng đầy đủ hơn", anh Rah Lan Bay chia sẻ thêm.

Cuộc sống mới ấm no đến với bà con ở khu tái định cư buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa
Cuộc sống mới ấm no đến với bà con ở khu tái định cư buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa

Theo báo cáo từ Ban Dân tộc tỉnh, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm trên 4,21%. Hiện nay, số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa chiếm 99,43%; số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 97,7%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường chiếm 97,90%, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông chiếm 78,20%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 87,20%; 75,43% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; 50% số thôn có đội văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên, có chất lượng, 100% hướng dẫn viên du lịch được đào tạo, tập huấn kiến thức về văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn, 97,8% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng,...

Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai chia sẻ: Các chương trình, chính sách dân tộc có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực; trong đó ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Đối với Gia Lai, các cấp, các ngành luôn  tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện các chính sách.Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án tại cơ sở; khắc phục kịp thời khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức thực hiện… 

Tin cùng chuyên mục
Những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!

Những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!

Cứ mỗi lần đứng trước những kỷ vật, di vật gắn liền với người lính nơi trận mạc, lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc. Và tôi gọi đó là những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!