Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Hiệu quả chính sách dân tộc ở Thuận Châu

Đức Bình - 06:52, 08/12/2023

Thuận Châu là 1 trong 2 huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Những năm qua, địa phương đã đặc biệt chú trọng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) để tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào DTTS vươn lên.

Đổ mới đường bê tông liên bản trên địa bàn huyện Thuận Châu bằng kinh phí từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Đổ mới đường bê tông liên bản trên địa bàn huyện Thuận Châu bằng kinh phí từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Từ năm 2022, UBND huyện Thuận Châu đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch cụ thể từng năm, năm 2022 và năm 2023. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, huyện cũng đã tổng hợp những khó khăn, bất cập và kiến nghị những phương án, giải pháp tháo gỡ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có ý kiến chỉ đạo.

Nhờ đó, huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tập trung đầu tư xây dựng dự án, công trình mà người dân ở vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn có nhu cầu cấp thiết, như cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thôn; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và nhà lớp học, nhà văn hóa xã, bản...

Cuối tháng 3/2023 vừa qua, hơn 180 hộ, 750 nhân khẩu bản Huổi Lọng, xã Nong Lay, đón niềm vui khi các tuyến đường nội bản, đường ngõ hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài gần 3km, tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Anh Lò Văn Yên, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huổi Lọng cho biết: Bản có 5 dân tộc La Ha, Kháng, Thái, Khơ Mú, Kinh cùng sinh sống; trong đó, dân tộc La Ha có 140 hộ. Trước đây, con đường nội bản là đường đất, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển kinh tế của Nhân dân. Giờ đây, con đường đã được đổ bê tông kiên cố, sạch sẽ, thuận lợi cho việc đi lại, nông sản của bà con làm ra được ô tô về tận bản mua với giá cao. Bản vận động Nhân dân thường xuyên quét dọn, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, lâu dài công trình.

Huyện miền núi Thuận Châu ngày càng khởi sắc nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc
Huyện miền núi Thuận Châu ngày càng khởi sắc nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc

Tương tự, mùa mưa lũ năm nay, người dân bản Phé, xã Tông Cọ đã không còn phải lo lắng bị cách ly bởi cây cầu cứng có tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng mới được khánh thành và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho hơn 160 hộ dân, với hơn 770 nhân khẩu của bản đi lại cả 4 mùa. Bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Ông Quàng Văn Nọi, người dân bản Phé cho biết: “Trước đây, bà con muốn đến trung tâm xã phải đi qua cầu tạm làm bằng tre, rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ bị cuốn trôi không thể đi lại được, trẻ con phải nghỉ học. Giờ đây, có cây cầu mới bê tông vững chắc, là niềm mơ ước bấy lâu nay của bà con trong bản, chúng tôi rất vui và cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cho cây cầu”.

Còn tại xã Phổng Lập, công trình Nhà Văn hóa xã có tổng diện tích sàn trên 220m², tổng mức đầu tư gần 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các dự án Chương trình MTQG 1719 cũng mới được khánh thành và đưa vào sử dụng. Có nhà văn hóa kiên cố, thuận lợi cho xã tổ chức họp, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bà con có điểm giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tăng cường tình đoàn kết Nhân dân, góp phần từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới...

Thực hiện Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” của Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn được phân bổ, huyện Thuận Châu đã đầu tư 134 tỷ đồng xây dựng 8 công trình giao thông nông thôn, 3 cây cầu vào bản, xây dựng mới, sửa chữa 11 nhà văn hóa xã, bản và 18 nhà lớp học, nhà bán trú và các công trình phụ trợ, 3 công trình thủy lợi và đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã Mường Khiêng... Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 26 công trình.

Huyện Thuận Châu cũng đã phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp xã, bản và Nhân dân tập trung giám sát tiến độ, chất lượng công trình. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa đạt 100%; gần 80% số bản có đường giao thông đến bản được cứng hóa; trên 99% số hộ được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia; 100% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Các hộ dân xã Nong Lay nhận bồn chứa nước phục vụ cuộc sống sinh hoạt
Các hộ dân xã Nong Lay nhận bồn chứa nước phục vụ cuộc sống sinh hoạt

Bên cạnh việc hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong tháng 8/2023, huyện Thuận Châu cũng đã cấp phát 525 bồn chứa nước cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS thuộc diện khó khăn về nước sinh hoạt trong toàn huyện, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ bồn chứa nước sẽ giúp các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS ở thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn có thêm dụng cụ chứa nước sạch phục vụ sinh hoạt. Nhất là về mùa khô và tránh được một số loại dịch bệnh do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân, giúp người dân từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Thuận Châu đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.