Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gia Lai - Vùng đất của những bộ cồng chiêng quý giá: Giữ nhịp chiêng ngân trên đại ngàn (Bài 2)

Ngọc Thu - 15:49, 24/11/2023

Trải qua gần 20 năm bảo tồn và phát triển sau khi được UNESCO vinh danh, di sản văn hóa cồng chiêng ngày càng sống động, thân thuộc hơn trong đời sống cộng đồng dân cư các dân tộc Tây Nguyên. Cùng với phát huy vai trò chủ thể của di sản văn hóa, Gia Lai đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng - bản sắc văn hóa đặc trưng của các DTTS Tây Nguyên.

Đội cồng chiêng Tp. Pleiku đánh chiêng trong nghi lễ cúng giọt nước
Đội cồng chiêng TP. Pleiku đánh chiêng trong nghi lễ cúng giọt nước

Buôn làng vang tiếng chiêng ngân

Những ngày này, đội chiêng của làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đang ôn lại một số bài chiêng có tiết tấu vui nhộn để chuẩn bị biểu diễn phục dựng lễ cúng Nhà rông mới của làng. Theo già làng Siu Níu, làng Ốp có 2 đội chiêng nhí và đội chiêng người lớn. Đội chiêng nhí gồm có 20 thành viên, ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều có một điểm chung là được nghệ nhân trẻ Rah Lan Thắng chỉ dẫn. Còn đội chiêng lớn có 30 thành viên thì đi biểu diễn khi thành phố có sự kiện.

Mỗi khi chuẩn bị biểu diễn, cả 2 đội chiêng đều tập dượt say mê. Người lớn chỉ cho trẻ nhỏ, trẻ nhỏ cứ thế đánh theo. Và giờ thì thanh niên trong làng ai cũng biết đánh chiêng, đánh trống.

Già làng Núi (bên trái ảnh) cùng thanh niên trong làng tập đánh chiêng cho chuẩn, hay để tham gia lễ hội
Già làng Núi (bên trái ảnh) cùng thanh niên trong làng tập luyện đánh chiêng cho chuẩn, cho hay để tham gia lễ hội

Già làng Núi kể: “Trong những dịp lễ, hội quan trọng của làng không thể thiếu tiếng chiêng. Vui hay buồn thì cũng đều được thể hiện qua tiếng chiêng, nó là linh hồn của lễ hội, thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Mỗi khi tiếng chiêng vang lên là dân làng đều biết có lễ hội đến để chung vui hay chia buồn”.

Em Rơ Mah Tân (15 tuổi, làng Ốp, phường Hoa Lư, Tp. Pleiku) chia sẻ: “Ban đầu mình chỉ có suy nghĩ đơn giản là đi theo những âm nhạc thị trường sôi động, không quan tâm mấy tới cồng chiêng. Nhưng khi mình biết đánh chiêng, mình thấy văn hoá cồng chiêng hết sức tuyệt vời, mình muốn truyền dạy lại nét văn hoá của cha ông mình cho các bạn trẻ. Sau này khi đã hiểu về cồng chiêng, thì tụi mình học đều hăng say học hỏi, luyện tập”.

Hàng năm, ngành văn hoá của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều tổ chức các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng cấp cơ sở, tặng cồng chiêng cho các làng. Điều này không chỉ giúp tạo không gian biểu diễn cồng chiêng mà còn khích lệ phong trào bảo tồn cồng chiêng của bà con DTTS.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hoá - thông tin thành phố Pleiku cho biết: “Hàng năm thành phố mua các bộ chiêng tặng các làng để luyện tập, phòng dân tộc cũng tổ chức các lớp truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ. Nội dung là các bài chiêng cổ truyền, nghệ nhân truyền dạy là già làng, Người có uy tín, nên các em tiếp thu rất tốt, và rất đam mê”.

Đối với đồng bào Ba Na ở huyện nghèo Kông Chro, không gian văn hóa cồng chiêng là di sản vô giá, là niềm tự hào. Thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng. Vì vậy, huyện còn lưu giữ được khá nhiều cồng chiêng với 537 bộ cồng chiêng. Đồng thời, thành lập được 132 đội cồng chiêng với gần 500 thành viên.

Các nghệ nhân đội cồng chiêng huyện Kông Chro tham gia trình diễn lễ hội đường phố
Các nghệ nhân đội cồng chiêng huyện Kông Chro tham gia trình diễn lễ hội đường phố

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để văn hóa cồng chiêng lan tỏa trong đời sống cộng đồng, như tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao các DTTS toàn huyện; định kỳ 2 năm/lần tổ chức liên hoan cồng chiêng toàn huyện; mở các lớp tập huấn để nghệ nhân, già làng truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng cho thanh thiếu nhi; phục dựng nghi lễ, lễ hội; thành lập câu lạc bộ, mô hình, phát triển thêm các đội cồng chiêng; huy động mọi nguồn lực để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của bà con DTTS tại địa phương… Qua đó, bà con đều vui mừng phấn khởi tham gia các hoạt động văn hóa và cùng nhau gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng.

Tiếp sức bảo tồn di sản văn hoá cồng chiêng

Hiện nay, tỉnh Gia Lai cũng có riêng Đề án "Bảo tồn di sản Không gian văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023 - 2025". Theo đó, tỉnh Gia Lai phục dựng một số lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Ba Na và Gia Rai; mở các lớp dạy đánh chiêng. Với kinh phí dự kiến gần 16,4 tỷ đồng, việc thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023-2025” đã mang đến luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn di sản trong vòng xoáy của các luồng văn hóa hiện đại.

Phục dựng lễ cúng giọt nước của đồng bào Gia Rai Tp. Pleiku, Gia Lai
Phục dựng lễ cúng giọt nước của đồng bào Gia Rai Tp. Pleiku, Gia Lai

Cùng với đó, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho nghệ nhân trẻ người Ba Na, Gia Rai đến từ các huyện Kông Chro, Kbang, Đak Pơ, Chư Sê, Mang Yang, Chư Păh và thị xã An Khê. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là kỹ năng chỉnh chiêng, vai trò của thanh âm cồng chiêng, nguyên lý của việc chỉnh âm, cấu tạo các loại cồng chiêng; thực hành kỹ thuật gò chỉnh cồng chiêng; nhận diện từng loại thang âm cồng chiêng…cho lớp trẻ

Học viên Gia Rai được các nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc truyền đạt kỹ năng, kiến thức về chỉnh chiêng
Học viên Gia Rai được các nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc truyền đạt kỹ năng, kiến thức về chỉnh chiêng

Ngoài ra, nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh các Nghệ nhân ưu tú có đóng góp quan trọng đối với công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, để họ dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc lưu truyền, phổ biến, truyền dạy văn hóa truyền thống tại địa bàn, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch trao kinh phí hỗ trợ cho 4 Nghệ nhân ưu tú người Ba Na, Gia Rai. Mỗi nghệ nhân được hỗ trợ 800 ngàn đồng/ngày/nghệ nhân x 13 ngày/tháng; thời gian hỗ trợ 5 tháng (từ tháng 8/2023 đến tháng 12/2023).

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng cho biết: Từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản độc đáo này. Trong đó, ngành Văn hóa đã tổ chức kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức các liên hoan, lễ hội cồng chiêng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Tỉnh 2 lần tổ chức Festival vào các năm 2009 và 2018; lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng giỏi của địa phương...

Hơn 10 năm qua, nhiều lớp tập huấn trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng được tổ chức ở các cấp, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc cầm tay, chỉ việc, phụ thuộc vào kinh nghiệm của những nghệ nhân đi trước. Lớp tập huấn lần này được tổ chức theo phương pháp mới, dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu. Những kiến thức, kỹ năng được truyền đạt một cách có hệ thống, giúp nghệ nhân Ba Na áp dụng, thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là có thể truyền dạy lại cho cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.