Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Già làng C'Lâu Nhím: "Người có uy tín trước hết phải uy tín với chính mình"

Mạnh Cường- Tiêu Dao - 22:05, 06/11/2023

Nhiều năm qua, già làng C’Lâu Nhím (dân tộc Cơ Tu), Người có uy tín ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, luôn được bà con kính trọng, nể phục. Trong các lễ hội truyền thống hay ngày hội văn hóa các dân tộc ở vùng Trường Sơn- Tây Nguyên, già làng C’Lâu Nhím thường đứng ở vị trí trung tâm, giữ vai trò chủ lễ khiến mọi người đều ngưỡng mộ.

Già làng C’Lâu Nhím thổi khèn Bơrét của người Cơ Tu
Già làng C’Lâu Nhím thổi khèn Bơrét của người Cơ Tu

Tích cực bảo tồn văn hóa

Chiếc tù và bằng sừng trâu rúc lên những hồi nhẹ, già làng C’Lâu Nhím, Người có uy tín ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam bước ra từ căn nhà nhỏ với chiếc quạt lông chim, chiếc mũ lông vũ và trang phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu khiến đám trẻ ngơ ngẩn. Những đứa trẻ 5 - 7 tuổi nhìn già như “ông Tiên” bước ra từ câu chuyện cổ của người làng.

Ở cái tuổi 78, già làng C’Lâu Nhím với chòm râu dài, ánh mắt tinh anh và dáng người quắc thước vẫn là một trong những tấm gương sáng để bà con noi theo. Già làng C’Lâu Nhím bảo, huyện Đông Giang có địa hình hiểm trở, đời sống kinh tế của bà con đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cũng như nhiều địa phương miền núi khác, ở đây nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn diễn ra, để lại nhiều hệ lụy trong các bản làng. Nhiều già làng, trưởng bản và Người có uy tín như già vẫn hằng ngày gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức chung lòng xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Nhiều năm rồi, ở thị trấn P’rao này hay các sự kiện lễ hội lớn nhỏ diễn ra tại huyện Đông Giang, già làng C’Lâu Nhím luôn là người được giao nhiệm vụ “gọi thần” với vai già làng vùng cao đầy uy lực. Với vai trò “Tuổi cao - Gương sáng”, già làng C’Lâu Nhím tích cực vận động bà con thực hiện tốt đường lối, chính sách, của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm tốt bổn phận, nghĩa vụ công dân, giữ gìn an ninh biên giới, phát huy và truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống như biểu diễn trống chiêng, các điệu dân ca, dân vũ, các nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống cùng các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Ông cùng các nghệ nhân, già làng và người dân phục dựng thành công nhà sàn truyền thống, nhà dài và nhà Gươl cộng đồng, phục dựng cây nêu Cơ Tu nguyên bản tại “Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu” của huyện.

 Già làng C’Lâu Nhím giải thích cho thế hệ các cháu hiểu về nhạc cụ dân tộc
Già làng C’Lâu Nhím luôn dành sự quan tâm đến thế hệ trẻ

Tiên phong phát triển kinh tế

Không chỉ là tấm gương trong lao động sản xuất, là nghệ nhân điêu khắc tài hoa, già làng C’Lâu Nhím còn là “quan tòa” của làng. Tiếng nói của già ngày càng có trọng lượng trong đời sống của đồng bào, trong mọi công việc chung của dân làng. Vì thế, nhiều năm trở lại đây, già làng C’Lâu Nhím luôn là một trong những “hòa giải viên” tích cực, giúp địa phương trong việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ, giáo dục con cháu. “Muốn tiếng nói của mình luôn được đồng bào nghe, trước hết phải nghe tiếng nói của đồng bào. Chỉ khi mình thấu hiểu được nỗi niềm của họ thì việc giải quyết sẽ suôn sẻ. Người vùng cao rất ít mâu thuẫn, va chạm, vì thế nếu không hiểu được tâm tư, tính cách của họ thì rất khó giải quyết vấn đề. Mình nói, mình làm, mình lắng nghe dân làng. Việc đầu tiên của Người có uy tín chính là phải uy tín với bản thân mình trước!”, già làng C’Lâu Nhím bộc bạch.

Trong những tháng năm làm cán bộ, cũng như lúc đã nghỉ hưu, già làng C’Lâu Nhím đều tận tụy, trách nhiệm không quản ngại khó khăn gian khổ, đường sá xa xôi cách trở, ngày nắng cũng như đêm mưa để đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà và gặp từng người để vận động bà con bảo tồn văn hóa người Cơ Tu, cũng như phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Không chỉ tích cực trong công tác vận động người dân, già làng C’Lâu Nhím còn là tấm gương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, làm hình mẫu cho bà con thôn bản noi theo. Cũng từ việc làm này, nhiều người dân đã hăng hái tham gia các cuộc vận động hiến đất, mở đường và xây dựng nông thôn mới sau này.

Điều đáng ghi nhận hơn nữa, già làng C’Lâu Nhím luôn giành nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động Nhân dân đưa con em của mình đến trường, đến lớp đầy đủ, ông tâm niệm, trẻ em phải đến lớp để học cái chữ, học những điều hay lẽ phải và biết được cái chữ thì mới thay đổi được nhận thức cũ, mới giúp ích được cho gia đình, xã hội, địa phương và trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Nhiều năm qua, già làng C’Lâu Nhím luôn quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa cho đồng bào DTTS ở Đông Giang.
Nhiều năm qua, già làng C’Lâu Nhím luôn quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa cho đồng bào DTTS ở Đông Giang.

Theo già làng C’Lâu Nhím, quá trình vận động, tuyên truyền tới người dân xóa bỏ hủ tục không phải trong một sớm một chiều, bởi những phong tục và thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Những năm qua, già C’Lâu Nhím vẫn luôn cùng các cấp, các ngành tại huyện Đông Giang tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân cho bà con, đồng thời chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi; hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững cho bà con. Ngoài ra, già C’Lâu Nhím thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng vận động xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa; xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình.

Trong ánh mắt của già làng ở cái tuổi bát thập này, niềm vui như chứa đựng từ bao ngày khi đời sống văn hóa và kinh tế của người Cơ Tu ngày càng khởi sắc. Sự giản dị, lối sống mực thước, khiêm nhường và sự cần mẫn, chăm chỉ, gương mẫu trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động giúp người dân bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế, già C’Lâu Nhím đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen do các cấp chính quyền khen tặng.

Bà A Rất Thị Trinh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đông Giang cho biết: “Nhờ việc tuyền truyền, vận động của già làng C’Lâu Nhím, bà con dân bản đã noi theo để bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế. Vai trò và vị thế của già làng, trưởng bản được phát huy đã trở thành cầu nối giúp chuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS ở vùng cao Đông Giang”.

Tin cùng chuyên mục
Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã phát huy tốt vai trò của mình, qua đó góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện.