Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Người có uy tín giữ vai trò "đầu tàu" trong phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi

Quỳnh Trâm - 21:34, 02/11/2023

Với quyết tâm thoát nghèo, làm giàu từ chính vùng đất quê hương, đồng cảm với khó khăn vất vả của người dân trong thôn, bản...những Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở Thanh Hóa đã tận tụy, trách nhiệm với cộng đồng và trở thành những "đầu tàu" trên các lĩnh vực, phong trào hoạt động ở địa phương, đặc biệt là trong việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để bà con tin tưởng học tập làm theo.

Đi đầu trong phát triển kinh tế

Thanh Hóa có 1.281 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, đây là lực lượng có vị trí, vai trò đặc biệt trong đời sống của đồng bào DTTS. Một trong những kinh nghiệm của Người có uy tín thường làm để phát huy vai trò đi đầu, đó là: "Muốn bà con nghe, việc gì mình cũng phải làm trước và phải làm có hiệu quả". Cũng vì thế mà đến nay, đã có nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. 

Đội ngũ Người có uy tín luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo và gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào DTTS
Đội ngũ Người có uy tín luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo và gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS

Ông Lê Ngọc Xuân, là Người có uy tín, ở thôn Đồng Luồng, xã miền núi Xuân Phú, huyện Thọ Xuân là một minh chứng. Thôn Đồng Luồng, là một trong những thôn khó khăn của Xuân Phú, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Điều kiện kinh tế của các gia đình phụ thuộc vào cây luồng và trồng lúa. Tuy nhiên, do cây luồng phát triển chậm, việc tiêu thụ khó khăn nên thu nhập không cao. Sau khi được chính quyền địa phương định hướng, vận động chuyển đổi cây trồng phù hợp với đồng đất, ông Xuân là hộ gia đình đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng luồng kém hiệu quả sang trồng keo lai và đầu tư 2.000 m2 nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng hậu.

Để lấy ngắn nuôi dài, ông còn mạnh dạn vay mượn thêm kinh phí để đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ lao động, cùng với chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật được tập huấn vào cây trồng, vật nuôi, đến nay, thu nhập của gia đình ông đạt 200 - 250 triệu đồng/năm.

Hay như ông Vi Hắc Hải, dân tộc Thái, Người có uy tín thôn Dín, xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Thôn Dín  có 196 hộ với 100% đồng bào dân tộc Thái, cũng là thôn có số dân đông nhất xã Xuân Thắng, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Là cựu chiến binh, ông luôn gương mẫu vận động các cựu chiến binh trong xã và bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương, hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

Nói đi đôi với làm, ông Hải đã cùng với gia đình đi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh việc trồng rừng, gia đình ông còn bỏ công sức cải tạo vườn, đồi, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, đưa các giống lúa cho năng suất cao vào gieo trồng…nhờ đó cuộc sống gia đình từng bước ổn định, trở thành hộ khá giả của thôn.

Người có uy tín có nhiều đóng góp trong việc vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn
Người có uy tín tích cực vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Đặc biệt, từ thành công của gia đình, ông Hải sẵn sàng chia sẻ với bà con kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Qua tuyên truyền, vận động của ông, bà con trong thôn mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng những rừng keo có diện tích hàng trăm ha. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi…Nhờ phát triển kinh tế từ cây keo, nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, làm nhà cửa khang trang, mua được xe tải để phục vụ vận chuyển, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Kinh tế phát triển trẻ em có điều kiện học tập tốt hơn, nhiều cháu đã thi đậu cao đẳng, đại học, ra trường có việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất thực hiện xây dựng NTM. Qua đó, có hộ đã hiến 500 m2 đất ao vườn và 1.000 m2 đất, mở rộng trường học, tạo điều kiện mặt bằng xây dựng cơ sở vật chất, khuôn viên cây xanh, khu vui chơi cho các em học sinh.

Sát cánh cùng chính quyền vận động Nhân dân

Ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, hiện có 169 hộ, 786 khẩu là đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Những năm qua, trên cương vị là Người có uy tín, già làng khu phố Đoàn Kết, ông Lò Văn Khằng luôn sát cánh cùng các cán bộ khu phố tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những hủ tục lạc hậu; di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nơi ở, không di cư tự do, phòng chống ma túy; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khơ Mú...

Người uy tín Lò Văn Khằng luôn sát cánh cùng cán bộ vận động Nhân dân tích cực lao động sản xuất
Người uy tín Lò Văn Khằng luôn sát cánh cùng cán bộ vận động Nhân dân tích cực lao động sản xuất

Ông Khằng chia sẻ, từ kinh nghiệm của bản thân, ông thấy, người dân nơi đây muốn đủ ăn, từng bước thoát nghèo là phải chuyển đổi tập quán canh tác từ “chọc lỗ, tra hạt” sang trồng lúa nước, trồng sắn; thanh niên đi học nghề để vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Để vận động, thuyết phục được bà con, ông xác định phải “miệng nói, tay làm” bởi bà con chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực có hiệu quả. Bản thân gia đình ông tiên phong đi đầu trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa..

Hay có thể nhắc đến các ông, bà: Cút Văn Dân, dân tộc Khơ Mú, khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát); Lương Công Ấn, dân tộc Thái, xã Tam Văn (Lang Chánh); Cao Văn Son, dân tộc Mường, xã Điền Thượng (Bá Thước); Triệu Phúc Quý, dân tộc Dao, tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy); Lê Văn Tân, dân tộc Mường, thôn Quyết Tiến, xã Xuân Cao (Thường Xuân); Bùi Thị Thúy, dân tộc Mường, thôn Quan Nhân, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc)...đều là những Người có uy tín tiêu biểu, luôn sát cánh cùng chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Gương sáng để người dân học tập

Những điển hình Người có uy tín giữ vai trò "đầu tàu" nêu trên chỉ là những ví dụ minh chứng trong cả nghìn Người có uy tín ở vùng đất xứ Thanh. Những người đang được đồng bào tín nhiệm, tin tưởng, xem như là những ngọn lửa luôn tỏa sáng, những gương điển hình tiên tiến trên mọi mặt trận của đời sống xã hội. Họ luôn trăn trở để cùng bà con Nhân dân trong thôn, bản tìm hướng giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất, thay đổi diện mạo và đời sống nông thôn miền núi... Cách mà những Người có uy tín   tuyên truyền, vận động hữu hiệu nhất, mang lại kết quả nhanh nhất mà không cần phải hô hào nhiều, là bản thân mình làm tốt thì mọi người mới thấy đó để học tập. 

Lãnh đạo Tỉnh Thanh Hóa trao tặng Bằng khen cho Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao tặng Bằng khen cho Người có uy tín tại Hội nghị

Nhờ sự đóng góp của đội ngũ Người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, đến nay ở các huyện miền núi đã có 690/1.787 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 67/225 xã miền núi được công nhận xã NTM, tiêu chí bình quân đạt 15,3 tiêu chí/xã; tỷ lệ xã có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 92%; 99,8% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 81,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn các huyện miền núi đạt 80,4%...

Tại Hội nghị biểu dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS Thanh Hóa năm 2023, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá, biểu dương Người có uy tín đã đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. 

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa mong muốn, những Người có uy tín sẽ tiếp tục phát huy vai trò và kết quả đạt được, để luôn xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo, tạo sức lan tỏa rộng khắp, dẫn dắt gia đình, người thân, Nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời ông Hưng cũng lưu ý, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, lực lượng quan tâm động viên kịp thời và triển khai tốt các chính sách đối với Người có uy tín.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV

Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV

Ngày 17/5, UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Cư M’gar lần thứ IV - năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện và 150 đại biểu chính thức đại diện cho gần 95 nghìn người đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.