Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Già làng Hmêh gần 80 tuổi vẫn giữ lửa lò rèn

Ngọc Thu - 7 giờ trước

Ở vùng Đông Trường Sơn tỉnh Gia Lai, lò rèn của già làng Hmêh, làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang bao năm qua vẫn đỏ lửa. Từ chiếc lò rèn thô sơ, bao gồm lò thổi đắp bằng đất sét, quay tay, đe, búa, kẹp, than củi, già Hmêh đã tạo ra hàng trăm, hàng ngàn nông cụ cho đồng bào Ba Na lên rẫy, đào đất, làm nương...

Từ chiếc lò rèn hết sức thô sơ, già Hmêh đã tạo ra hàng trăm, hàng ngàn công cụ lao động có độ sắc, bền cao
Từ chiếc lò rèn hết sức thô sơ, già Hmêh đã tạo ra hàng trăm, hàng ngàn công cụ lao động có độ sắc, bền cao

Từ xa xưa, người Ba Na thường chọn địa hình vùng cao, bám rừng, bám núi, con suối để lập làng sinh sống. Ngôi làng thường cách xa trung tâm xã nên cuộc sống của họ theo hướng tự cung tự cấp. Cũng bởi vậy, mà người Ba Na cái gì cũng biết, việc gì cũng giỏi. Từ dệt trang phục để mặc đến tự rèn con dao, cái rựa để lên nương, làm rẫy.

Đi qua gần 80 mùa rẫy, công việc mỗi ngày của già Hmêh vẫn đều đặn bắt đầu từ việc nhóm than đốt lò và cho ra những con dao sắc, bền. Trong căn nhà đơn sơ, già Hmêh vừa chậm rãi chuẩn bị các công đoạn để rèn, vừa kể: Mình tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966. Sau một lần bị thương vì bom, mình được đơn vị đưa về Huyện đội Kbang sung vào đội quân thợ rèn của đơn vị, làm dao, rựa, cuốc, xẻng phục vụ sản xuất, thỉnh thoảng tham gia vận tải lương thực. 

Trong tổ có bộ đội người Kinh, người Ba Na, đều là những thợ rèn giỏi. Nhờ vậy mà mình học được rất nhiều thứ. Bà con Ba Na trong vùng cũng mang sắt tới nhờ rèn cái rìu, cái rựa hoặc sửa chữa dụng cụ lao động bị hư hỏng, sứt mẻ. Mình làm giúp nhưng bà con thường cho lại một vài lon gạo.

Những con dao, cái rựa sắc bén là vật bất ly thân đối với người Ba Na khi đi rẫy, lên rừng
Những con dao, cái rựa sắc bén là vật bất ly thân đối với người Ba Na khi đi rẫy, lên rừng

Đối với người Ba Na, thời kỳ chiến tranh, việc đi lại khó khăn, dụng cụ sản xuất cũng khan hiếm. Khi đàn ông đi rừng, đi rẫy thì không thể thiếu cái xà gạc, con dao, cái rựa, xem như vật bất ly thân và họ rất quý chúng.

Đặc biệt, trước khi bước vào mùa phát rẫy làm nương, dân làng Stơr và các làng Ba Na quanh vùng thường thu gom nông cụ gùi ra các lò rèn sửa chữa hoặc làm mới. Vào lễ hội thì cùng nhau đi rừng chặt cây, đẽo tượng mồ, con dao, cái rìu, cái rựa phải thật bén sắc. 

Để làm ra một sản phẩm đạt chuẩn về độ sắc bền, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm thì mài cho sắc, làm tay cầm. 

Những công đoạn ấy đều cần phải tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận thật tinh anh từ đôi mắt, sự nhạy bén của đôi tay. Vì vậy, để có một con dao, cái rựa tốt thì phải có kỹ thuật điêu luyện được đúc kết qua nhiều năm của người thợ rèn, chứ không có một công thức chung nào cả.

Lò rèn truyền thống của già Hmêh vẫn đỏ lửa để phục vụ nhu cầu bà con trong làng
Lò rèn truyền thống của già Hmêh vẫn đỏ lửa để phục vụ nhu cầu bà con trong làng

Già Hmêh kể lại: “Hồi đó, bà con phải đi bộ ra An Khê (trung tâm của huyện Kbang lúc bấy giờ) tìm lò rèn, có khi phải nắm cơm mang theo, đi 2 ngày mới về. Thấy vất vả quá nên mình kiếm đồ nghề, về đắp cái lò rèn bằng đất sét để phục vụ gia đình và giúp bà con. Đó là kiểu lò rèn truyền thống, quay tay tạo nhiệt nên mỗi khi rèn phải có 2 người mới làm được. Muốn chuẩn, muốn đẹp thì mắt phải nhìn kỹ vào con dao. Mắt không nhìn chuẩn thì đánh chỗ dày chỗ mỏng khiến con dao, cái rựa không sắc, không bền”.

Cũng từ chiếc lò rèn hết sức thô sơ gồm lò thổi đắp bằng đất sét, quay tay, đe, búa, kẹp, than củi, già Hmêh đã tạo ra hàng trăm, hàng ngàn công cụ lao động phục vụ người dân trong vùng.

Người đàn ông đã gần 80 mùa rẫy nhưng những nhát búa vẫn luôn dứt khoát trên đe
Người đàn ông đã gần 80 mùa rẫy nhưng những nhát búa vẫn luôn dứt khoát trên đe

Anh Đinh Mỡi (con trai già Hmêh) chia sẻ: Người ta mang sắt tới cho bố rèn con dao, cái rựa, tiền công cũng chỉ 5 - 10 ngàn đồng. Không có tiền thì trả bằng gạo. Vậy nhưng, kết thúc mùa rèn chừng 1 tháng, bố để dành được cả triệu đồng. Thời điểm đó, đây là số tiền rất lớn để bố nuôi chúng tôi ăn học. Có những ngày bố làm đến đêm khuya vẫn chưa đi nghỉ, cẩn thận, miệt mài, rèn ra những cái rìu, cái rựa sáng bóng, sắc bén.

"Ngày nay, công cụ lao động bán phổ biến nên người dân mua về dùng, vừa rẻ vừa nhanh. Thế nhưng, nhiều người vẫn mang đồ mới mua tới nhờ bố tôi làm thêm cho sắc hay sửa lại theo ý thích”, anh Đinh Mỡi chia sẻ thêm.

Lò rèn của già Hmêh vẫn đỏ lửa là vì vậy. Năm nay, già Hmêh đã gần 80 mùa rẫy, đã yếu đi nhiều nhưng những nhát búa vẫn luôn dứt khoát trên đe. Theo già Hmêh, mỗi dân tộc có cách sử dụng công cụ lao động riêng. Tập quán sản xuất, sinh hoạt của người Ba Na gắn liền với những công cụ sản xuất đặc trưng, mà đồ bán sẵn không dễ đáp ứng, đặc biệt là độ sắc bền của dao, vì vậy già vẫn cố gắng giữ nghề...

Tin cùng chuyên mục
Soạn giả Nguyễn Văn Bớt: Yêu quê hương qua những bài ca cổ

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt: Yêu quê hương qua những bài ca cổ

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt sinh năm 1969, quê gốc tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, hiện sinh sống, làm việc tại TP. Cần Thơ. Tuổi thơ gắn bó với miền đất bưng biền ven bờ sông Vàm Cỏ Đông tím sắc bông lục bình đã nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé tình yêu vọng cổ, cải lương sâu sắc. Để rồi sau này khi trưởng thành, thành danh, soạn giả Nguyễn Văn Bớt đã có một gia tài với hơn một trăm bài ca vọng cổ và hai kịch bản sân khấu cải lương có giá trị.