Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Giải pháp chấm dứt tình trạng sạt lở vùng đồng bào DTTS Kỳ Sơn

An Yên - 08:48, 08/05/2024

Kỳ Sơn là huyện biên giới của tỉnh Nghệ An – đây là địa bàn hễ mưa xuống là có sạt lở. Tính sơ sơ mỗi năm, thiên tai đã làm thiệt hại của huyện hàng trăm tỷ đồng. Dẫu vậy thì những giải pháp phòng chống sạt lở của các cấp chính quyền địa phương lại gần như là “bất khả kháng”, nên sự hỗ trợ nguồn lực đầu tư lớn từ Nhà nước, từ nhiều nguồn lực và từ phía người dân để từng bước, tiến tới chấm dứt tình trạng sạt lở ở Kỳ Sơn luôn đặc biệt quan trọng.

Tuyến đường Tà Cạ đi Mường Típ ở Kỳ Sơn là “điểm nóng” về sạt lở mỗi mùa mưa lũ
Tuyến đường Tà Cạ đi Mường Típ ở Kỳ Sơn là “điểm nóng” về sạt lở mỗi mùa mưa lũ

Nghèo vì mưa lũ

Tuyến đường Tỉnh lộ 543D từ thị trấn Mường Xén đi Mường Típ, Mường Ải được xem là “con đường tử thần” trong mưa bão. Chỉ tính riêng trong mùa mưa bão năm 2023, cung đường này có hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm; thậm chí có những vị trí, cứ khoảng vài chục mét lại xuất hiện khối đất đá lớn đổ ập xuống.

Các điểm sạt lở này có lượng đất đá khổng lồ, tràn kín mặt đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Vì thế, cứ sau mỗi đợt mưa lớn, con đường bị ách tắc hoàn toàn, giao thông bị đình trệ nhiều ngày liền.

Ông Hạ Nỏ Thái - Chủ tịch UBND xã Mường Típ chia sẻ: Tỉnh lộ 543D là tuyến đường độc đạo vào địa phương, lại bị sạt lở nghiêm trọng nên bà con đi lại rất khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt có 50 hộ nguy cơ cao nhất khi sống cạnh các điểm sạt lở.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kỳ Sơn, địa phương đang có hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến đường giao thông, cầu cống. Trong đó, tuyến đường sạt lở nghiêm trọng nhất là Tỉnh lộ 543D từ thị trấn Mường Xén đi Mường Típ, Mường Ải; tuyến quốc lộ 16 đoạn qua xã Phà Đánh, Huồi Tụ; tuyến đường từ Khe Nằn, xã Chiêu Lưu đi Na Ngoi… mỗi khi có mưa bão.

Còn theo thống kê của tỉnh Nghệ An về những điểm sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ gia đình, thì huyện Kỳ Sơn có 8 điểm sạt lở ảnh hưởng thường xuyên đến 301 hộ dân và cần 203 tỷ đồng để khắc phục, di dời… Đó là điểm sạt lở ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ; bản Huồi Cáng, xã Keng Đu; bản Cánh, xã Tà Cạ; bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ; bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu; bản Phà Khốm, xã Phà Đánh; bản Xốp Phong, xã Mường Ải.

Ngày qua ngày, năm tiếp năm, hàng trăm hộ dân vùng sạt lở vẫn đang đối mặt với cuộc sống nguy hiểm mỗi khi đến mùa mưa lũ. Nỗi bất an của người dân cũng là trăn trở của các cấp chính quyền huyện Kỳ Sơn suốt nhiều năm qua.

Cuộc sống thường ngày nơi đây vốn vất vả, khó khăn, sau mỗi trận thiên tai càng thêm khốn khó. Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn trầm tư: Mỗi năm thiên tai cuốn phăng của huyện hàng trăm tỷ đồng. Ngay như trận lũ lịch sử tại bản Hòa Sơn và Sơn Thành thuộc xã Tà Cạ cuối năm 2022 cũng đã thiệt hại chừng 200 tỷ đồng. Con số thiệt hại ấy, bằng rất nhiều năm thu ngân sách của những huyện nghèo nơi miền biên viễn khiến địa phương đã nghèo càng thêm nghèo.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra và khắc phục sạt lở
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra và khắc phục sạt lở

Những nỗ lực phòng chống sạt lở

Trong số 3 huyện 30a ở Nghệ An, Kỳ Sơn đứng đầu bảng về tỷ lệ hộ nghèo, về mức độ khó khăn trong sản xuất và ổn định cuộc sống. Diện tích Kỳ Sơn hơn 2.000km2 nhưng chỉ có mỗi 1% diện tích đất bằng phẳng có thể sinh sống và canh tác. Còn lại là đối núi, sông suối và hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, đe dọa bình an cuộc sống thường ngày của mỗi người dân.

Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo huyện này, thì chỉ được nghe một tâm tư xuyên suốt. Ấy là, phải làm sao đảm bảo được “ba yên”, là “yên dân, yên địa bàn, yên biên giới”. Chỉ chừng ấy là đã rất khó khăn rồi. Cái vấn đề “ba yên” mà lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đề cập, chúng tôi nghĩ, có việc đảm bảo cuộc sống người dân an toàn, yên ổn, nhất là trong mưa bão.

Thực tế thì, nhiều năm qua, những nỗ lực của địa phương trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm các giải pháp để người dân ổn định cuộc sống, luôn là những ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Có thể thấy rõ, địa phương nào ở huyện Kỳ Sơn cũng đều đã có một phương án đối phó với mưa lũ, sạt trượt theo phương châm “4 tại chỗ” trên cơ sở điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị.

Điều này đã khẳng định, sự chủ động, linh hoạt ứng phó của chính quyền sở tại trong công tác phòng, chống thiên tai. Còn với người dân, bởi chứng kiến quá nhiều thiên tai nên đã như “con chim sợ cành cong” mà cảnh giác, đề phòng hơn.

Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn Vi Văn Mằn cho biết: hàng năm, chúng tôi đều xây dựng phương án “4 tại chỗ” ứng phó với thiên tai, gắn với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng tránh, di dời khỏi vùng sạt lở mỗi khi có mưa lũ… Nhưng, thiên tai thường xảy ra bất thường nên thiệt hại vẫn rất lớn.

Những giải pháp huyện Kỳ Sơn thực hiện những năm qua là, ở những xã, khu vực dễ xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến các hộ dân, phương án di dời dân luôn được đặt trong tình trạng báo động mỗi khi có mưa lũ. Để đảm bảo an toàn tính mạng, thiệt hại tài sản cho người dân, công tác di dời thường được bố trí đến các trường học, trụ sở UBND xã…

Các lực lượng thông tuyến trên Tỉnh lộ 543D
Thiên tai xảy ra bất thường khiến cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn (Trong ảnh: Huy động các lực lượng thông tuyến trên Tỉnh lộ 543D)

Song song với phương án tự chủ về nhân lực, vật lực, huyện Kỳ Sơn cũng đã đề xuất lên cấp trên nhằm hỗ trợ cho công tác phòng chống sạt lở. Ngay như điểm sạt lở đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén diễn ra hàng năm đe dọa nhiều hộ dân và gây đứt gãy tuyến giao thông huyết mạch 7A, huyện Kỳ Sơn đã lập phương án kè chống sạt lở gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước sự khẩn cấp của tình hình, Chính phủ đã bố trí gần 50 tỷ đồng cho dự án “Dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn”. Sau khi dự án triển khai, tình trạng sạt lở đất đã cơ bản được khắc phục.

Đặc biệt, gần đây nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương rình MTQG 1719), đã có 2 dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư tại bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý và bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam. Hiện tại, các dự án đã tiến hành khoảng 50% khối lượng. Dự kiến cuối năm 2024 có thể bố trí được cho người dân đến ở. Đối với dự án tái định cư cho người dân tâm lũ xã Tà Cạ vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện các khâu cuối để bố trí mặt bằng cho người dân.

Hy vọng, với sự chủ động của người dân và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành và nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 sẽ từng bước đưa Kỳ Sơn ra khỏi tình trạng sạt lở nghiêm trọng hằng năm, giúp người dân ổn định cuộc sống.