Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Giải pháp nào để dọn “rác” môi trường viễn thông?

Trương Vui - 11:29, 05/09/2023

Những cuộc gọi rác liên tục “dội bom” khách hàng, từ kêu gọi đầu tư chứng khoán, quảng cáo hấp dẫn, mời chào làm cộng tác viên với mô tả “việc nhẹ, lương cao” hay lừa đảo trúng thưởng... đã đặt ra câu hỏi, tại sao hàng triệu SIM không chính chủ hay chưa chuẩn hóa đã bị thu hồi và hủy, nhưng các cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo vẫn không thuyên giảm, mà thậm chí còn biến tướng tinh vi hơn?

Cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo vẫn hoành hành, gây nhiều phiền toái cho người dân (Ảnh: TL)
Cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo vẫn hoành hành, gây nhiều phiền toái cho người dân (Ảnh: TL)

Khóa SIM nặc danh,vẫn bị cuộc gọi rác “bủa vây” 

Vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn lừa đảo đã xuất hiện tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Trước thực trạng đó, Bộ Thông tin & Truyền thông ( Bộ TT&TT) đã triển khai nhiều hoạt động, biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác hoành hành như: kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông về hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định hay thuê bao phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác…

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin chính chủ với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác.

Việc quyết liệt đẩy mạnh chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được kỳ vọng sẽ hạn chế thuê bao rác, từ đó giảm bớt tình trạng tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo xuất hiện tràn lan, mở ra một môi trường viễn thông lành mạnh hơn.

Thế nhưng, mặc cho nhiều biện pháp mạnh tay, những nỗ lực chuẩn hóa thông tin thuê bao và thanh tra toàn quốc để loại bỏ SIM rác, các cuộc gọi phiền nhiễu, tin nhắn rác không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dùng vẫn tiếp tục bị hành hạ, quấy rầy bởi hàng loạt cuộc gọi không mong muốn, quảng cáo gây phiền toái và cả những lời mời chào bất kể giờ giấc, từ sáng đến đêm khuya.

Kết quả sau hai tháng triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao (Ảnh: Bộ TT&TT)
Kết quả sau hai tháng triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao (Ảnh: Bộ TT&TT)

Nguy hiểm hơn, còn xuất hiện cả những cuộc gọi mạo danh các cơ quan nhà nước, công an, cán bộ thuế, ngân hàng, công ty điện lực… với chiêu bài hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hay đe dọa người dân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng chính quy định về quản lý thuê bao đang được triển khai, tự xưng là nhân viên nhà mạng, đưa ra thông báo, số điện thoại của người dùng sẽ bị khóa nếu không cập nhật thông tin thuê bao, từ đó từng bước thực hiện hành vi lừa đảo.

Và thực tế, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, đa dạng, không ít người dân đã trở thành nạn nhân của các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo này.

Cần có chế tài xử phạt mạnh hơn

Lí giải về tình trạng này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ Công ty an ninh mạng NCS cho hay, các cuộc gọi rác không chỉ được thực hiện qua SIM điện thoại, mà còn được phát tán từ nhiều hình thức, như tổng đài đăng ký với nhà mạng, ứng dụng OTT (ứng dụng truyền thông xuyên biên giới), hay cả phần mềm tự động trên máy tính (auto bot), với tính năng tự động gọi và phát nội dung ghi âm đến khách hàng.

Cùng với đó, tình trạng SIM được bày bán trực tiếp, tràn lan và hoàn toàn có sẵn tại các cửa hàng, hay thậm chí là trên cả các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Shopee. Thậm chí có thể mua số lượng lớn hàng trăm SIM cũng không phải đăng ký giấy tờ gì. Do đó, cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo vẫn đang là một thách thức không nhỏ với các cơ quan quản lý.

Theo thống kê, mỗi ngày trung bình có 60.000 SIM điện thoại mới được bán ra thị trường. Khi mà việc mua - bán SIM còn quá dễ dàng, phổ biến, không ai đối soát thông tin, giám sát và chịu trách nhiệm về tính chính chủ, thì những nỗ lực "dọn rác” viễn thông vẫn sẽ chỉ như muối bỏ biển, và SIM rác vẫn sẽ còn là tình trạng gây phiền nhiễu người dùng.

Việc mua - bán SIM còn quá dễ dàng, phổ biến chính là nguyên nhân quan trọng khiến cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay (Ảnh: TL)
Việc mua - bán SIM còn quá dễ dàng, phổ biến chính là nguyên nhân quan trọng khiến cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay (Ảnh: TL)

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nguồn thu từ việc bán SIM rác vẫn rất lớn, vì vậy khó có thể xử lý được triệt để. Do đó, cách xử lý hiệu quả nhất là cần có mức phạt mạnh tay, kiên quyết hơn nữa đối với các nhà mạng, các đại lý cung cấp SIM vi phạm nhiều lần.

Về phía Bộ TT&TT, theo ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, nếu vẫn còn vi phạm tình trạng này, tới đây, Bộ TT&TT sẽ đề xuất để chặn, không cho bán đối với các kênh phân phối đó nữa. Cùng với đó, sẽ không cho khuyến mại tràn lan, gây ra các cuộc gọi miễn phí rất rẻ, tạo nên các cuộc gọi rác đến khách hàng.

Đặc biệt, trước thực trạng gia tăng các cuộc gọi rác nhằm lừa đảo, đại diện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên phản ánh ngay tới mạng viễn thông mà mình đang sử dụng, hoặc phản ánh tới tổng đài 156 của Bộ TT&TT để kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.

Tin cùng chuyên mục
18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

Dữ liệu mới đây từ Kaspersky (Hãng bảo mật phần mềm của Nga) công bố cho biết, các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các hình thức lừa đảo tinh vi hay tấn công phi kỹ thuật đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, cần hết sức đề cao cảnh giác. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.