Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giảm số xã thuộc khu vực III, II và thôn đặc biệt khó khăn: Rà soát chặt chẽ, xử lý linh hoạt

PV - 11:20, 27/07/2021

Thực hiện Quyết định số 861 và Quyết định số 433, tỉnh Yên Bái có 137 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (59 xã khu vực III, 11 xã khu vực II, 67 xã khu vực I). So với giai đoạn 2016 - 2021, đã giảm: 22 xã vùng III (từ 81 xuống 59), 57 xã khu vực II (từ 68 xuống 11) và 122 thôn, bản đặc biệt khó khăn (từ 177 xuống 55 ); tăng 36 xã khu vực I (từ 31 lên 67).

Lãnh đạo xã Ngòi A, huyện Văn Yên tuyên truyền cho người dân về chế độ, chính sách sau khi thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc
Lãnh đạo xã Ngòi A, huyện Văn Yên tuyên truyền cho người dân về chế độ, chính sách sau khi thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc

Việc giảm số xã thuộc khu vực III, khu vực II và thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Quyết định số 861) và Quyết định số 433 ngày 18/6/2021 về việc phê duyệt danh sách thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025 của Ủy ban Dân tộc (viết tắt là Quyết định số 433) đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Yên Bái năm 2021, đặc biệt là các chính sách đối với giáo dục và bảo hiểm y tế (BHYT).Tỷ lệ bao phủ BHYT giảm còn 81,5%

Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 861 và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên từ xã thuộc khu vực II chuyển sang khu vực I (riêng thôn Làng Câu vẫn được công nhận là thôn ĐBKK). Điều này đã tác động không nhỏ đến người dân, đặc biệt là các hộ dân là người DTTS thuộc các thôn: Ghềnh Ngai, Hạnh Phúc, Khe Dẹt. Chính vì vậy, UBND xã đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; các tổ chức, đoàn thể đến tận các thôn bản tuyên truyền, phổ biến đến người dân về tác động của chính sách mới, nhất là chính sách về BHYT dành cho đồng bào DTTS. Trước thời điểm 30/6/2021, toàn xã có 4.752 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 97,5%.

Qua rà soát, tỷ lệ người dân bị ảnh hưởng về BHYT theo Quyết định số 861 là 52,2%, tương đương với 2.482 người. Sau khi chuyển đổi từ thẻ dân tộc sang thẻ BHYT thuộc diện hộ nghèo, người có công và vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện, toàn xã có 2.877 người tham gia BHYT, tương đương 59,1% (tính đến ngày 12/7).

"Việc giảm số học sinh bán trú làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các nhà trường. Khi không còn là trường phổ thông dân tộc bán trú, nhà trường không có học sinh được hưởng chế độ bán trú sẽ gây lãng phí cơ sở vật chất. Học sinh không được hưởng chính sách dẫn đến việc huy động học sinh ra lớp khó khăn, tăng nguy cơ học sinh bỏ học và giảm tỷ lệ chuyên cần, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục".




Ông Vương Văn Bằng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái

Đồng chí Triệu Đình Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết: "Một thời gian dài, người dân được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa kịp thời chuẩn bị tài chính dành cho việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tham gia BHYT dẫn đến còn thụ động, hụt hẫng và thắc mắc về sự thay đổi này. Một số hộ điều kiện kinh tế thấp, khó khăn khi đăng ký tham gia mua BHYT tự nguyện".

Tại Trấn Yên, sau Quyết định số 861, huyện không còn xã vùng II, vùng III mà chỉ còn 4 thôn ĐBKK. 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện đạt 93,37% (tương đương 79.987 người tham gia BHYT); trong đó, có 31.360 người là người DTTS sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người dân sinh sống ở vùng ĐBKK được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT theo quy định. Từ ngày 1/7/2021, sau khi các xã, thôn, bản ra khỏi diện ĐBKK, toàn huyện giảm 31.360 thẻ BHYT.

Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, ông Trần Đông cho biết: "Tính đến ngày 13/7/2021, huyện đã vận động được 9.198/31.360 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện giảm từ 93,37% (thời điểm 30/6/2021) xuống còn 66,24% (tính đến 13/7/2021); thiếu trên 22.000 thẻ mới đạt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết: "Số người đang tham gia BHYT toàn tỉnh là 809.711 người, trong đó có 421.396 người ở vùng ĐBKK được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT. Sau khi thực hiện Quyết định số 861, Yên Bái có trên 144.300 người không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT, tương ứng với số kinh phí giảm trên 58 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh giảm còn 81,5% (kế hoạch năm 2021, tỷ lệ này là trên 96,5%)”.

Rõ ràng, việc thực hiện quyết định này đã tác động tới nhiều người, đặc biệt là những người đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh diện BHYT chi trả. Đây thực sự là một gánh nặng rất lớn đối với rất nhiều hộ khó khăn khi không may đau ốm.

286 trường với 19.162 học sinh bị ảnh hưởng

Không chỉ riêng lĩnh vực y tế, lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cũng chịu tác động không nhỏ, nhất là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú, nội trú.

Ông Trần Đông - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm: "Thực hiện Quyết định này, từ năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện sẽ không được tuyển sinh mới đầu vào lớp 6, do không còn đối tượng tuyển (riêng năm học 2021 - 2022 tuyển sinh 70 học sinh do UBND tỉnh đã có văn bản cho phép thực hiện tuyển sinh từ trước đó). Như vậy, nếu không có lộ trình cụ thể, 4 năm tới, nhà trường sẽ không còn học sinh, khi đó sẽ gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên và gây lãng phí về cơ sở vật chất”.

Thầy và trò Trường Tiểu học và THCS xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên trao đổi bài sau giờ học. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)
Thầy và trò Trường Tiểu học và THCS xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên trao đổi bài sau giờ học. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Cũng theo ông Đông, khi các xã, thôn, bản ra khỏi diện ĐBKK, đến tháng 12/2021, huyện chỉ còn 33 học sinh được hưởng chính sách (giảm 242 học sinh so với thời điểm hết tháng 5/2021 là 275 học sinh); 1 trường có 8 học sinh được hưởng chế độ bán trú (giảm 4 trường - 109 học sinh so với thời điểm hết tháng 5/2021); giảm 3 định xuất chế độ nhân viên nấu ăn, 2 định xuất chế độ quản sinh đối với học sinh bán trú.

Toàn tỉnh có 286 trường với 19.162 học sinh bị ảnh hưởng, tổng kinh phí dự kiến giảm trên 13,8 tỷ đồng. Trong đó, giảm 1 trường phổ thông dân tộc bán trú, giảm 22 trường phổ thông có học sinh bán trú, giảm 2.186 học sinh bán trú được hưởng chính sách. Về chính sách miễn giảm học phí, toàn tỉnh có 178 trường bị ảnh hưởng với số học sinh hưởng chính sách miễn giảm học phí giảm 11.314 học sinh, tương đương với kinh phí hỗ trợ giảm trên 1,2 tỷ đồng. Nhiều học sinh người DTTS gặp khó khăn khi không được hưởng chính sách miễn giảm học phí để đến trường.

Bên cạnh đó, việc thu học phí của những học sinh người DTTS khi không thuộc đối tượng được miễn giảm học phí sẽ khó thực hiện, dẫn đến kinh phí hoạt động của nhà trường không được bảo đảm. Cùng với đó, có 8/9 trường phổ thông dân tộc nội trú bị thu hẹp nguồn tuyển sinh, toàn tỉnh chỉ còn 59 xã khu vực III, 54 thôn ĐBKK thuộc vùng tuyển sinh (riêng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Trấn Yên chỉ còn nguồn tuyển sinh tại 4 thôn thuộc 2 xã Hồng Ca và Lương Thịnh).

Việc thực hiện Quyết định số 861 và Quyết định số 433 đã làm thay đổi một số chính sách và tác động đến người dân vùng ĐBKK. UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện; đồng thời, đề xuất những chính sách hợp lý hỗ trợ cho những đối tượng thực sự khó khăn cần có sự giúp đỡ của cộng đồng./.

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn từ cơ sở…

Dấu ấn từ cơ sở…

“Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS đã khá đầy đủ, vấn đề còn lại là ở việc thực thi. Do đó, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, điều tôi quan tâm nhất là triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn, chính xác và khách quan…”. Chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đầu tháng 4/2021, trong những ngày đầu khi Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chính là mục tiêu hàng đầu mà Người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc hướng tới. Bởi vậy, trong 3 năm qua, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong những chuyến công tác về cơ sở.